Nhọc nhằn nghề “đo gió, đong mưa” trên đảo Lý Sơn

Quốc Triều Văn Mịnh

(Dân trí) - Ngày cũng như đêm, cán bộ, nhân viên Trạm Khí tượng hải văn đảo Lý Sơn kiên trì bám trụ cập nhật số liệu mưa gió. Những số liệu này càng kịp thời thì thiệt hại do mưa, bão càng được giảm nhẹ.

Hết bão số 9, đến bão số 13, huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) phải hứng chịu những cơn gió, sóng biển khủng khiếp. Nằm bên bờ biển, Trạm Khí tượng hải văn Lý Sơn là nơi đón những con sóng, đợt gió dữ dội nhất.

Nhọc nhằn nghề “đo gió, đong mưa” trên đảo Lý Sơn  - 1

Một phần Trạm Khí tượng hải văn Lý Sơn bị sóng biển đánh tan hoang

 Lau vội bàn tay bám đầy dầu mỡ, Trạm trưởng trạm Khí tượng hải văn Lý Sơn Nguyễn Nam chỉ về phía nhà điều hành nơi đặt hệ thống đo mực nước biển. Khu vực này bị những con sóng dữ dội gây sạt lở nặng.

Anh Nam cho biết, gió bão gây sạt lở và còn “hạ gục” hệ thống đo gió, đong mưa, kiểm tra mực nước biển. Bão này qua, bão kia lại tới nên việc khắc phục thiết bị tại trạm là nhiệm vụ cấp bách.

“Bão quá dữ dội nên thiệt hại rất nhiều. Vừa tan bão, khi mà mọi người lo việc gia đình thì chúng tôi phải bắt tay vào việc khắc phục hư hỏng tại trạm”, anh Nam chia sẻ.

Nhọc nhằn nghề “đo gió, đong mưa” trên đảo Lý Sơn  - 2

Trạm trưởng Nguyễn Nam gắn bó với nghề “đo gió, đong mưa” đã 30 năm

Đặc thù nghề “đo gió, đong mưa” là phải liên tục, kịp thời. Do đó, những cán bộ của trạm phải đội mưa, đội gió kiểm tra hệ thống, ghi nhận, xử lý số liệu gửi về đất liền. Thời điểm trước khi bão đổ bộ, gió bắt đầu dữ dội thì nhân viên khí tượng vẫn phải lao ra ngoài để thực hiện nhiệm vụ.

“Theo quy định, cứ 30 phút anh em phải cập nhật số liệu chuyển về đất liền. Riêng khi có bão thì việc cập nhật thông tin được thực hiện 15 phút/lần. Do đó, để có số liệu chính xác, kịp thời anh em phải bám trụ ngày đêm, cùng “dìu” nhau trong mưa gió để thực hiện nhiệm vụ”, anh Nguyễn Nam cho biết.

Trạm trưởng Nguyễn Nam gắn bó với nghề 30 năm. Còn Trạm phó Phạm Văn Thế cũng chẳng kém cạnh là bao với 25 năm theo nghề khí tượng tại nơi đầu sóng, ngọn gió.

Anh Thế chia sẻ, 25 năm trong nghề, nếm trải đủ mọi khó khăn, nguy hiểm nhưng chưa khi nào phải đối mặt với nỗi lo sợ như trong đợt bão số 9.

Bắt đầu từ nửa đêm, ở Lý Sơn đã có gió dữ dội. Tiếng gió rít, mưa to kèm theo tiếng gầm gừ của sóng biển khiến ai cũng hoảng sợ. Sức gió dần tăng, mọi thứ rung lên bần bật trước sự cuồng nộ của bão số 9. Sợ thì sợ nhưng nhiệm vụ vẫn phải hoàn thành để kịp thời cung cấp số liệu về đất liền.

“Càng gần sáng gió bão càng dữ dội. Sóng biển như nuốt trọn khu vực nhà điều hành. Tuy vậy, anh em vẫn động viên nhau tiếp tục công việc. Cứ 3 người phụ trách 1 ca trực, họ dìu nhau đi trong mưa gió để lấy số liệu từ các trạm đo. Bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy sợ”, anh Thế nhớ lại.

Nhọc nhằn nghề “đo gió, đong mưa” trên đảo Lý Sơn  - 3

Trạm Khí tượng hải văn trên đảo tiền tiêu Lý Sơn

Mỗi năm Lý Sơn phải hứng chịu hàng chục cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Nằm giữa biển nên đợt gió, con sóng nào cũng dữ dội khiến công việc của người nhân viên khí tượng vô cùng gian khổ. Chỉ có lòng yêu nghề mới giúp những người “đo gió, đong mưa” bám trụ được với nghề.