1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nhờ thỏa ước lao động, chỉ 1% công nhân nghỉ việc

Tại Đồng Nai, có rất nhiều DN đã dành sự quan tâm tới việc xây dựng thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động (NLĐ) so với quy định của pháp luật, qua đó đã khích lệ tinh thần NLĐ, giúp họ an tâm thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại DN.

Tỉ lệ công nhân thôi việc giảm còn 1%

Nhiều bản TƯLĐTT cơ bản đáp ứng nguyện vọng của NLĐ được thực hiện như tại Cty CP Bibica (KCN Biên Hòa 1), Cty TNHH điện tử Việt Trường (TP.Biên Hòa) có bữa ăn giữa ca của NLĐ từ 18.000-20.000 đồng/suất. Cty CP gốm Việt Thành (TP.Biên Hòa) tạo điều kiện cho NLĐ đi du lịch hằng năm.

Cty CP Bến xe và dịch vụ vận tải Đồng Nai (TP.Biên Hòa) hỗ trợ tiền tàu, xe cho NLĐ về quê vui tết. Trong đó hai bản TƯLĐTT được đánh giá cao nhất là ở CĐCS Cty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam và CĐCS Cty Taekwang Vina.

Tại CĐCS Cty Mabuchi Motor Việt Nam, hội nghị NLĐ đã thực hiện và duy trì từ 2013 đến nay. Thông qua cơ chế đối thoại, nhiều chế độ đãi ngộ đối với NLĐ đã được cải thiện, được cụ thể hóa qua bản TƯLĐTT như: Số ngày làm việc trong năm là 280 ngày; Cty “mua lại” ngày nghỉ hằng năm khi NLĐ không sử dụng hết, cứ mỗi ngày nghỉ được tính bằng 1,5 ngày công bình thường.


TƯLĐTT có chất lượng giúp nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca cho công nhân. Ảnh: PV

TƯLĐTT có chất lượng giúp nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca cho công nhân. Ảnh: PV

NLĐ nghỉ việc riêng 1 ngày vẫn hưởng nguyên lương trong trường hợp ông, bà (bên vợ/chồng), anh, chị, em (ruột) mất; bữa ăn giữa ca được cải thiện từ 12.000 đồng/suất lên 16.000 đồng/suất. NLĐ được hưởng phụ cấp nhà ở, đi lại, chuyên cần, phụ cấp ca đêm. Ngoài phần điều chỉnh tăng lương theo nghị định của Chính phủ, NLĐ còn được tăng lương từ 5% trở lên.

Tiền thưởng cuối năm duy trì từ 2,2-3,4 tháng lương và phụ cấp/người, cao hơn rất nhiều so với những doanh nghiệp khác. Nhờ chế độ phúc lợi tốt, năng suất lao động đã tăng lên 44%, tỉ lệ công nhân thôi việc giảm từ 3% xuống còn 1%.

Còn trong TƯLĐTT của Cty Taekwang Vina, quy định tăng thêm số ngày nghỉ có lương cho NLĐ khi bản thân/con NLĐ kết hôn; anh/chị/em ruột mất; tăng tiền công, tiền lương cho NLĐ từ 110-150% khi làm việc theo ca, trả tiền làm việc những ngày phép năm 400% lương...

Không những thế, CĐCS còn thương lượng với Cty đầu tư máy móc, phòng lưu trữ sữa, khám sức khỏe sinh sản, hỗ trợ phí nuôi con nhỏ cho lao động nữ, xây dựng trường mầm non cho con NLĐ.

Ngoài ra, Cty còn tài trợ toàn bộ chi phí học bổ túc văn hóa, ngoại ngữ cho những lao động tham gia học tập; tuyển dụng và tạo điều kiện cho lao động khuyết tật làm việc...

Cách làm hay từ các chủ tịch CĐCS

Cán bộ CĐCS ở nhiều DN chia sẻ, để chủ DN hiểu và đồng ý ký kết những thỏa ước với nhiều điều khoản có lợi hơn so với luật cho NLĐ không phải đơn giản mà phải sử dụng nhiều kỹ năng, nhiều phương pháp thương lượng đa dạng.

Tại Cty Mabuchi Motor trước đây, khái niệm “dân chủ ở cơ sở” đối với Ban giám đốc Cty còn khá xa lạ và cho rằng chỉ cần đối thoại với cán bộ CĐCS là đủ, không muốn tiếp xúc trực tiếp với công nhân để bàn các vấn đề liên quan đến quyền lợi của công nhân vì lo sợ sẽ phát sinh nhiều yêu cầu ngoài khả năng mà nếu không xử lý tốt sẽ dễ dẫn đến phản ứng tập thể.

Bà Phạm Thị Phương - Chủ tịch CĐCS Cty Mabuchi Motor Việt Nam - cho biết: “Để giải quyết những khó khăn trên, CĐCS Cty đã chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và trình bày với Ban giám đốc Cty trên tinh thần thuyết phục, phân tích để lãnh đạo Cty thấy rõ lợi ích khi thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua việc tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại định kỳ.

Bên cạnh đó, cán bộ CĐCS cũng phán đoán, lường trước và đề xuất các giải pháp nhằm ngăn chặn những rủi ro phát sinh để DN yên tâm rằng CĐ sẽ kiểm soát tốt diễn tiến hội nghị, không để phát sinh bất thường”.

Về phía Ban giám đốc Cty cũng đã nhìn nhận những thay đổi tích cực và cho rằng được hưởng lợi từ chính sách cơ chế đối thoại, thấy được tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để có thể đưa ra những phản ứng kịp thời và đáp ứng thích hợp nếu những yêu cầu đó là thỏa đáng. Nhờ vậy có thể ngăn chặn trước được đình công, giảm thiểu tổn thất đối với hoạt động sản xuất của Cty.

Trong khi đó, CĐCS Cty Taekwang Vina cũng có phương pháp riêng, phát hành bản tin nội bộ hằng tháng với đầy đủ thông tin về tình hình Cty cũng như những chính sách, quy định mới của Nhà nước để NLĐ được biết; đồng thời tổ chức các buổi toạ đàm, phỏng vấn NLĐ tại nơi làm việc, thăm hỏi tại nhà trọ và ghi nhận những góp ý, đề xuất qua thùng thư.

Sau khi tiếp nhận ý kiến, Ban Chấp hành CĐCS tiến hành phân tích các nội dung cần thiết để thương lượng, đồng thời tìm hiểu các thông tin về Cty như: Tình hình sản xuất kinh doanh, kế hoạch sử dụng nhân sự, kế hoạch đơn hàng tương lai.

Ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch CĐCS Cty Taekwang Vina - cho rằng: “Điều quan trọng là phải lựa chọn được thời điểm phù hợp để gửi yêu cầu thương lượng và tiến hành thương lượng. Phải nêu bật được những lợi ích mà DN sẽ nhận được khi thực hiện các nội dung do CĐ kiến nghị, tạo sự tin tưởng với chủ DN. Việc thương lượng phải tuân thủ nguyên tắc các bên cùng thắng. Tuy nhiên, tùy vào tình hình, CĐCS cũng sẵn sàng nhượng bộ một phần nhỏ để giành thành công toàn cục. Các buổi thương lượng sẽ kéo dài có khi hằng tháng đến khi hai bên thống nhất các nội dung mới tiến hành ký kết TƯLĐTT”.

Theo Báo Lao động