Nhiều vướng mắc trong thực hiện quy định về BHYT

(Dân trí) - Theo Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN), Nghị định 146/2-18/NĐ-CP đã bổ sung, quy định nhiều vấn đề liên quan quyền lợi bảo hiểm y tế (BHYT) trong toàn quốc. Tuy nhiên để Nghị định thực sự đi vào cuộc sống cần có nhiều điều chỉnh thực tế từ nhiều phía.

Nhiều vướng mắc trong thực hiện quy định về BHYT - 1

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Tất Thao - Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN) cho biết: Nghị định 146/2018/NĐ-CP có quy định Bộ Y tế được giao hướng dẫn thi hành một số điều, khoản. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa hướng dẫn. Do vậy, có nhiều khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Đơn cử là việc xây dựng nguyên tắc, danh mục dịch vụ kỹ thuật chuyển bệnh phẩm hoặc người bệnh đến cơ sở KCB khác để thực hiện dịch vụ kỹ thuật. Việc thẩm định điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) BHYT ban đầu đối với cơ sở KCB BHYT…. Đây là những thông tin cần thiết nhưng tới nay chưa có hướng dẫn cụ thể.

Ông Nguyễn Tất Thao - Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN)

 Trên 83,4 triệu người tham gia BHYT

Theo Ban thực hiện chính sách BHYT, tính đến tháng 5/2019, số đối tượng tham gia BHYT là trên 83,4 triệu người, đạt 98,0% so với kế hoạch giao; giảm 0,1 triệu người so cuối năm 2018.

Về xác định tổng mức thanh toán, Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định thanh toán chi phí với cơ sở KCB BHYT theo tổng mức thanh toán.

Tuy nhiên, tổng mức thanh toán phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Chi phí KCB của năm trước, hệ số K biến động của giá thuốc, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật do Tổng cục Thống kê thông báo…Muốn xác định được các yếu tố này phải tới năm sau mới có thể thực hiện được.

“Để khắc phục điều này, BHXH VN đã có văn bản gửi Bộ Y tế hướng dẫn cách tính tổng mức thanh toán trong thời gian chưa xác định được hệ số K cũng như tổng mức chi phí khám chữa bệnh của năm trước. Nhưng tới nay, Bộ Y tế vẫn chưa có văn bản hướng dẫn” - ông Nguyễn Tất Thao cho biết.

Cũng theo Ban thực hiện chính sách BHYT, quy định về giấy chuyển tuyến cũng còn nhiều bất cập.

Các cơ sở khám chữa bệnh đang sử dụng 2 mẫu giấy chuyển: Mẫu “Giấy chuyển tuyến” tuyến theo Thông tư số 14/2014/TT-BYT và mẫu “Giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT” theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

Việc tồn tại 2 mẫu này khiến nhiều cơ sở KCB không biết phải sử dụng mẫu nào. Về lý do chuyển tuyến, Giấy chuyển tuyến hiện chỉ có 2 mục: Chuyển đúng tuyến và chuyển theo yêu cầu người bệnh.

Tuy nhiên, trong quy định của NĐ 146/2018/NĐ-CP lại có ghi trường hợp người bệnh tự đến khám chữa bệnh không đúng tuyến sau đó được chuyển lên tuyến trên thì mức hưởng vẫn là không đúng tuyến, trừ 3 trường hợp: Cấp cứu, vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh và diễn biến bệnh nặng lên và vượt quá khả năng điều trị của cơ sở chữa bệnh.

“Trong khi đó, trong Giấy chuyển tuyến chỉ có ghi 2 lý do chuyển đúng tuyến và chuyển theo yêu cầu người bệnh. Vậy, với 3 trường hợp trên sẽ khó cho việc đánh dấu vào trường hợp chuyển tuyến ra sao. Tuyến trên sẽ khó xác định trường hợp nào hưởng đúng hay sai tuyến” - ông Nguyễn Tất Thao cho biết.

Cần quy định thêm về giá KCN theo yêu cầu

Về KCB theo yêu cầu, ông Nguyễn Tất Thao cho biết, tại Khoản 6, Điều 4 Thông tư số 39/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế quy định “Trường hợp người bệnh có thẻ BHYT nhưng có sử dụng các dịch vụ KCB theo yêu cầu thì việc thanh toán chi phí KCB BHYT thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 20 Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ KCB của các cơ sở KCB công lập”.

Tuy nhiên, Nghị định số 85/2012/NĐ-CP không quy định giá KCB theo yêu cầu cũng như giá dịch vụ KCB của các cơ sở y tế tư nhân, không quy định việc thanh toán trong trường hợp KCB theo yêu cầu.

“Đồng thời, hiện nay chưa có quy định các dịch vụ KCB theo yêu cầu bao gồm dịch vụ gì? Trường hợp tự chọn thầy thuốc trong khám bệnh; tự chọn buồng bệnh, giường bệnh trong điều trị nội trú hay tự chọn thuốc, vật tư y tế, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, thủ thuật, phẫu thuật trong KCB?...” - ông Nguyễn Tất Thao cho biết.

Phan Minh