Bình Định:
Nhiều tàu cá nằm bờ vì thiếu lao động
(Dân trí) - Giá xăng dầu tăng, trong khi sản lượng đánh bắt ít, còn người lao động đòi hỏi tiền công cao khiến nhiều chủ tàu ở Bình Định đang gặp khó khăn, nhiều tàu đành phải nằm bờ.
Tỉnh Bình Định có gần 6.000 tàu cá, trong đó có hơn 3.200 tàu đánh bắt xa bờ. Tàu cá ngư dân Bình Định "phủ sóng" khắp các ngư trường như quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK1…
Tuy nhiên từ sau Tết đến nay, giá dầu liên tục tăng cao, trong khi sản lượng thủy sản khai thác không đạt khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tiền công trả cho lao động quá cao nên nhiều chủ tàu không tuyển được lao động đi biển, nhiều tàu đang phải "đắp chiếu" nằm bờ.
Ghi nhận tại cảng cá Tam Quan (phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn), địa phương có số lượng tàu cá lớn nhất tỉnh Bình Định. Chỉ riêng phường Tam Quan Bắc đã có trên 1.000 tàu cá đánh bắt xa bờ. Nhưng nhiều tàu cá ngư dân đang nằm bờ vì không tìm được lao động. Cùng với đó, giá xăng dầu tăng cao kéo theo tất cả các vật giá tăng theo, khiến ngư dân càng thêm khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Bé (ở phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn) có 2 tàu cá đánh bắt xa bờ. Ông Bé cho hay, sau Tết khoảng rằm tháng Giêng, hầu hết các tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân địa phương vươn khơi khai thác thủy sản. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay giá dầu liên tục tăng cao, trong khi biển năm nay đang "mất mùa" nên nhiều chủ tàu chấp nhận nằm bờ. Còn người lao động thì lo lắng, nếu khai thác không đạt sản lượng thì tiền chia không đủ trang trải cuộc sống.
"Biển năm nay cá ít, chuyến biển đánh bắt xuyên Tết vừa qua, cả 2 tàu cá của gia đình tôi đều bị lỗ vốn vì khai thác không đạt sản lượng. Hiện tại, giá dầu lại tăng quá cao, còn lao động đi biển thì đòi hỏi trả tiền trước cao quá. Tàu câu cá ngừ đại dương thì cần ít lao động hơn, nên tôi vừa phải trả trước 6 triệu đồng mỗi người. Còn tàu cá hành nghề lưới vây ánh sáng, do yêu cầu mỗi chuyến phải 14-15 lao động nên hiện tại đang phải nằm bờ", ông Bé cho biết.
Theo tính toán của ông Bé, trước thời điểm xăng dầu tăng giá, bình quân mỗi chuyến biển đối với tàu hành nghề lưới vây ánh sáng, tổn phí khoảng 150-160 triệu đồng, nhưng hiện nay phải lên đến 200-220 triệu đồng.
Về nguyên nhân thiếu lao động đi biển, ông Bé nói: "Giá dầu thì tăng, còn sản lượng thủy sản đánh bắt được lại không đạt. Lao động nghề biển ăn chia theo sản phẩm, khai thác được nhiều thì chia nhiều, ít chia ít. Do vậy, không ít lao động nghề biển không còn tha thiết với nghề, chọn ở đất liền làm công nhân".
Trong khi đó, có nhiều chủ tàu còn gặp tình huống "dở khóc dở cười", bởi người lao động nhận tiền trước và đồng ý tham gia chuyến biển. Chủ tàu đã sắm tổn phí để phục vụ cho một chuyến biển dài ngày đến 200 triệu đồng. Nhưng đến ngày đi nhiều người "bẻ kèo", ôm tiền để tiêu xài mà không đi biển khiến chủ tàu nhiều phen trở tay không kịp.
Ông Nguyễn Văn Sang (phường Tam Quan Bắc) chia sẻ: "Trường hợp như vậy ở đây nhiều lắm. Nhiều lao động ứng tiền chủ tàu và hứa sẽ đi nhưng lại không đi, hoặc qua chủ tàu khác xin đi để ứng tiền lần nữa nhưng rồi cũng không đi".
Theo ông Sang cho hay, cách đây chỉ vài ngày, tàu cá của ông Tình ở địa phương thuê 4 lao động chuẩn bị chuyến biển câu cá ngừ đại dương. Có 2 người xin ứng trước 8 triệu đồng, nhưng đến ngày đi chẳng thấy họ đâu, gọi điện thoại thì tắt máy.
Chủ tàu loay hoay kiếm không ra người đi, đành phải để tàu nằm bờ. Còn thức ăn chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày đành phải mang về chia cho anh em họ hàng, mỗi người một ít, chấp nhận chịu lỗ tiền đá.