Nhiều nhóm lao động về nước bị hoãn do vướng thủ tục
(Dân trí) - Chiều ngày 8/8 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hòa chủ trì cuộc họp với 11 doanh nghiệp đưa lao động sang Lybia. Thứ trưởng chỉ đạo các doanh nghiệp khẩn trương đưa lao động về nước bằng nhiều cách khác nhau.
Do tình hình liên tục thay đổi nên các kế hoạch đưa lao động về nước cũng luôn phải điều chỉnh.
Tại cuộc họp Lãnh đạo Bộ LĐTBXH, Cục QLLĐNN và các doanh nghiệp đã rà soát việc đưa từng nhóm lao động rời Lybia về nước và quyết định các biện pháp tiếp theo. Theo đó, sớm nhất là tuần tới, toàn bộ lao động Việt Nam ở điểm nóng sẽ rời khỏi Libi để về Việt nam.
Cục Quản lý lao động Ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết thêm: Nhóm 25 lao động rời khỏi Bengazi sang Ai Cập. Tại đây, họ sẽ đi máy bay thương mại từ Cairo về Việt Nam vào 7h tối ngày 8/8 (giờ Ai Cập).
Trước đó, theo kế hoạch, 68 lao động tại Tripoli đã có vé máy bay từ sân bay Djerba (Tunisia) về Việt Nam vào ngày 10/8 phải lùi lại do thủ tục xin quá cảnh tại nước này rất khó khăn sau khi Tunisia tuyên bố đóng cửa biên giới.
682 lao động của Vinamex cung ứng cho Nhà thầu Hyundai Amco dự kiến rời Lybia vào ngày 7-10/8 bằng máy bay của hàng không Ai cập và về Việt Nam.
Do khó khăn trong việc xin phép cho máy bay vào Lybia để đón số lao động này nên kế hoạch sẽ chậm hơn so với dự kiến.
Theo Cục Quản lý lao động Ngoài nước, nhóm lao động trong khu vực nguy hiểm đến giữa tháng 8 sẽ về hết Việt Nam và toàn bộ lao động Việt nam tại Lybia sẽ về trong tháng 8.
Để thực hiện kế hoạch trên, Bộ Lao động TBXH quyết định cử đoàn công tác gồm lãnh đạo và cán bộ Cục QLLĐNN và cán bộ của các doanh nghiệp sang Tuynisia và Lybia để đón, hỗ trợ lao động về nước.
Dự kiến đoàn công tác sẽ lên đường vào ngày 9/8.
Trưa hôm nay, 8/8 đã có thêm 24 lao động của VTC corp đã về tới Việt Nam từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo thống kê của Cục Quản lý lao đông ngoài nước (Bộ LĐTBXH), đến hết ngày 8/8 đã có tổng số 240 lao động về nước và 25 người đang trên đường về.
Phan Minh
Vào thời điểm giữa tháng 7/2014, Việt Nam có 1.750 lao động đang làm việc tại Lybia do 11 doanh nghiệp đưa sang, trong đó có 281 lao động làm việc tại 2 thành phố đang có xung đột là Tripoli và Bengazi.