1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bình Định:

Nhiều lao động khó khăn "mắc kẹt" lại TPHCM mong ngày được tỉnh đón về quê

Doãn Công

(Dân trí) - Dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TPHCM khiến nhiều người dân lao động nghèo các tỉnh miền Trung, trong đó có Bình Định, đang gặp nhiều khó khăn về ăn ở, sinh hoạt.

Khó khăn lắm mới phải về

Những ngày qua, trên các nhóm facebook của hội đồng hương các huyện, thị xã của Bình Định tại TPHCM, xuất hiện nhiều thông tin người dân đang sinh sống, làm việc, học tập của tỉnh này đăng ký để được về quê.

Theo thống kê của UBND tỉnh Bình Định, đã có trên 16.000 người dân sống và làm việc ở các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch. Trong khi đó, nhiều người dân cố trụ lại TPHCM với hy vọng dịch sớm dập tắt.

Tuy nhiên, diễn biến của dịch ngày một phức tạp, khiến cuộc sống họ bước vào khó khăn, nhiều người khó cầm cự thêm nữa nên đang muốn về quê nhà.

Nhiều lao động khó khăn mắc kẹt lại TPHCM mong ngày được tỉnh đón về quê - 1

Nhiều người lao động khó khăn, sinh viên đang sinh sống, làm việc, học tập ở TPHCM đăng ký để được về quê.

Để hỗ trợ người dân đặc biệt khó khăn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Hội đồng hương Bình Định tại TPHCM tổ chức 5 chuyến bay miễn phí, đón khoảng 1.000 công dân về quê. Song, con số này rất ít so với hàng chục nghìn người dân tỉnh này đang sinh sống, làm việc, học tập tại TPHCM.

Qua tìm hiểu, hiện còn nhiều người dân tỉnh Bình Định, trong đó nhiều người là công nhân, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang "mắc kẹt" lại TPHCM, Bình Dương. Nhiều trường hợp đang lo lắng về tiền trọ, tiền ăn, thế nhưng con đường tự phát về quê giờ lại không thể.

Nghe tin Hội đồng hương Bình Định tại TPHCM tổ chức chuyến bay thứ năm vào ngày 4/8 vừa qua, 2 chị em Hà Kim Ngọc (29 tuổi) và Hà Kim Ngà (26 tuổi, quê thị xã An Nhơn, Bình Định - tạm trú TP Thủ Đức, TPHCM) liền đăng ký với mong muốn kiếm suất về quê.

Theo chị Ngọc, 2 chị em vào TPHCM làm, riêng chị phải để 2 con nhỏ (một 3 tuổi và 10 tháng tuổi) gửi ông bà và em trai ở quê. Tuy nhiên, 2 tháng nay, chị bị thất nghiệp do dịch bệnh, hoàn cảnh rất khó khăn, vì tiền đi làm bấy lâu chắt chiu tiết kiệm đều gửi về cho ông bà nuôi con.

Nhiều lao động khó khăn mắc kẹt lại TPHCM mong ngày được tỉnh đón về quê - 2

Đến nay, tỉnh Bình Định đã thực hiện 4 chuyến bay đón hơn 740 công dân tỉnh này từ vùng dịch TPHCM về quê.

"Ở quê dịch bệnh cũng đang bùng phát, em trai thì tham gia trong tổ công tác phòng chống dịch của xã Nhơn Phong, hiện là F1 phải cách ly. Cha mẹ và 2 con nhỏ là F2. Tụi em đang lo lắng vì nếu em trai chẳng may mắc Covid-19, thì nhiều khả năng 2 bé và cha mẹ cũng nguy cơ cao. Cha mẹ đã lớn tuổi, mắc nhiều bệnh nền", chị Ngọc chia sẻ.

Hay trường hợp ông Đoàn Văn Thạnh (64 tuổi, quê thị xã An Nhơn, Bình Định) là một trong số ít hoàn cảnh dở khóc dở cười. Ông Thạnh bị bệnh hiểm nghèo vào TPHCM tái khám ngày 25/6, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên bị "mắc kẹt" lại, không về quê được.

Cực chẳng đã mới phải tha phương mưu sinh

Cùng cảnh ngộ của nhiều người dân Bình Định đang tha phương vào TPHCM mưu sinh, 2 chị em Phan Thị Ngọc Trâm (24 tuổi) và em gái Phan Thị Quỳnh Như (21 tuổi, quê xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, Bình Định) hiện tạm trú TP Thủ Đức (TPHCM) cũng gặp những khó khăn nhất định.

Nhiều lao động khó khăn mắc kẹt lại TPHCM mong ngày được tỉnh đón về quê - 3

Người lao động làm việc tại TPHCM gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ đón về bằng máy bay.

Theo chia sẻ của Trâm, cô là giáo viên dạy tiếng Nhật, còn em gái làm công nhân nhưng thất nghiệp mấy tháng qua.

"Tôi may mắn hơn em gái, vẫn còn kiếm tiền qua việc dạy online. Tuy lương không được nhiều, nhưng cũng tạm trang trải cho cuộc sống 2 chị em trong những ngày dịch vừa qua. Giờ ở quê cũng dịch bệnh, cha thì "mắc kẹt" ở Kon Tum, ở nhà chỉ có mỗi mình mẹ mà sức khỏe mẹ tôi không tốt nên tôi lo không ai chăm sóc", chị Trâm chia sẻ.

Hai chị em chị Trâm rất mong được về quê ngay, nhưng cũng hiểu rằng nhiều người còn khó khăn, ngặt nghèo hơn. Vậy nên, cả 2 đồng tình với chủ trương của lãnh đạo tỉnh là ưu tiên đưa các cụ già, em nhỏ, người mang thai từ TPHCM về quê trước, rồi mới đến lượt các trường hợp như hai chị em.

Trâm tâm sự thêm: "Cực chẳng đã, người dân mới tha phương cầu thực vào Nam để mưu sinh kiếm sống, chứ không ai muốn xa gia đình, bản thân em cũng vậy. Em cũng muốn về quê làm lâu lắm rồi mà chưa biết về quê rồi sẽ làm gì. Nhưng giờ cứ kiếm đường về quê gặp gia đình trước còn mọi chuyện để sau".

Trường hợp Nguyễn Thị Hồng Thắm (quê thị xã An Nhơn, Bình Định), đang trú tại quận Gò Vấp, TPHCM chia sẻ: "Từ ngày dịch bùng phát, em thất nghiệp, không làm được gì phụ gia đình. Cha em làm thợ xây cũng thất nghiệp. Hai cha con đang "mắc kẹt" lại thành phố trong khi chi phí sinh hoạt gần như đã cạn kiệt".

Còn em Nguyễn Thị Hoài Trâm (23 tuổi, ở xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, Bình Định) làm việc tại Bình Dương trình bày trong đơn đăng ký để xin về quê: "Em phải nghỉ việc nhiều tháng nay do dịch, lương thực rất khó khăn nên không có khả năng tiếp tục ở lại. Em rất mong được về quê".

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long trong cuộc họp báo mới đây khẳng định, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Hội đồng thương Bình Định tại TPHCM tìm mọi cách để đón người dân tỉnh này về quê, trong đó ưu tiên người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người không nơi nương tựa.

Theo Hội đồng hương Bình Định tại TPHCM, đối tượng ưu tiên là người già yếu, người vào TPHCM khám chữa bệnh và bị dịch bùng phát nên chưa về được, phụ nữ có thai, người buôn bán hàng rong nghèo, công nhân lao động nghèo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Thông tin này được các hội đồng hương các huyện, thị xã của Bình Định tại TPHCM sẽ xét dựa theo thứ tự ưu tiên này.