Nghệ An: Hơn 45.200 lao động hồi hương đăng ký xin việc làm

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng lao động hồi hương tránh dịch Covid-19 rất lớn, nhiều người trong số đó có nhu cầu tái hòa nhập thị trường lao động trong giai đoạn này.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nghệ An, địa phương có hơn 344.220 người làm việc, sinh sống và học tập ở ngoài tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, Nghệ An có hơn 92.000 công dân trở về địa phương, gồm: Hơn 66.790 lao động về quê do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (trong số này có 24.780 người có giao kết hợp đồng lao động, còn lại là lao động tự do, chiếm hơn 62%).

Qua khảo sát của ngành LĐ-TB&XH Nghệ An, khoảng 45.292 người về quê tránh dịch có nhu cầu xin làm việc tại các khu kinh tế (trong đó có 21.661 người đăng ký xin làm việc trong tỉnh và 20.729 người xin làm việc ngoại tỉnh) và hơn 2.882 người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động.

Nghệ An: Hơn 45.200 lao động hồi hương đăng ký xin việc làm - 1

Nhiều nhà máy, công ty tại Nghệ An đang có nhu cầu lớn về nguồn lao động từ nay đến cuối năm (Ảnh: An Hưng).

"Chúng tôi đã khảo sát có 84 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng gần 30.000 lao động; trong đó 57 doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển 15.000 lao động, 27 doanh nghiệp ngoại tỉnh có nhu cầu khoảng 13.700 lao động", lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho biết.

Về giải pháp cho các lao động sau khi hồi hương, theo đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, thông qua các khu kinh tế, nhà máy trên địa bàn, Sở sẽ kết nối cung - cầu miễn phí cho người lao động qua sàn giao dịch, đồng thời có cơ chế chính sách trong đào tạo nghề.

"Những lao động từ miền Nam từng làm việc ở các nhà máy may mặc, nông sản, cơ khí… sẽ thuận lợi hơn. Riêng người chưa có tay nghề sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề, giúp người lao động có mức thu nhập ổn định ngay ở quê nhà", lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho biết thêm.

Nghệ An: Hơn 45.200 lao động hồi hương đăng ký xin việc làm - 2

Số lao động Nghệ An hồi hương từ miền Nam về quê tránh dịch trong thời gian qua là rất lớn (Ảnh: Nguyễn Duy).

Để giải quyết việc làm, an sinh xã hội trong thời gian tới được tốt hơn, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An sẽ chỉ đạo các địa phương rà soát, phân loại người lao động sau khi trở về. Trên cơ sở đó, thông qua Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ kết nối các công ty, doanh nghiệp, khu kinh tế, nhà máy trên địa bàn để giúp công dân hồi hương tái hòa nhập thị trường lao động, có thu nhập và đảm bảo đời sống.

Năm 2021, tỉnh Nghệ An dự kiến thu hút khoảng 20-25 dự án đầu tư, trong đó có các ngành điện tử và dệt may lớn dự kiến nửa cuối năm sẽ đi vào hoạt động nên có nhu cầu và thiếu nhiều lao động.

Điển hình như dự án Luxshare - ICT Khu công nghiệp VSIP Hưng Nguyên đã tuyển được 5.000 lao động nhưng trong năm cần tới 20.000 lao động; dự án sản xuất linh kiện điện tử tại Everwin USA cần gần 1.000 lao động; dự án may xuất khẩu Sang woo Việt Nam cần tuyển 1.000 lao động, dự án may Mareep tại Khu công nghiệp Nam Cấm cần tuyển 1.500 lao động, dự án sản xuất linh kiện điện tử Goertek Vina cần gần 1.000 lao động. 

Cùng với các dự án trong khu công nghiệp, các dự án khác cùng với nâng cấp, mở rộng dây chuyền sản xuất cũng cần bổ sung hàng nghìn vị trí việc làm vào nguồn lao động của mình.

Cụ thể là Công ty may Nam Thuận tại Diễn Mỹ (huyện Diễn Châu) cần thêm 1.000 lao động; Công ty may Namsung Vina Diễn Kỷ (huyện Diễn Châu) cần 300-500 lao động, Công ty may Minh Anh Tân Kỳ cần 1.000 lao động…