TPHCM:

Nhiều doanh nghiệp tăng lương 10%, không chờ điều chỉnh lương tối thiểu

Xuân Hinh

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương đã chủ động nâng mức lương từ 5 - 10% cho công nhân khi giá cả leo thang mà không cần chờ đến phương án điều chỉnh lương tối thiểu.

Nhiều doanh nghiệp tăng lương 10%, không chờ điều chỉnh lương tối thiểu - 1

Việc các nhà máy tăng lương trước thời gian điều chỉnh lương tối thiểu vùng giúp công nhân ổn định cuộc sống giữa lúc giá cả leo thang.

Trong khi một số doanh nghiệp đang mong muốn cách kéo dài thời gian điều chỉnh lương tối thiểu vùng đến 1/1/2023 thì nhiều nơi lại chủ động tăng lương trước 1/7 cho công nhân. Bước vào quá trình phục hồi sau đại dịch, quyết định tăng lương với nhiều doanh nghiệp không phải dễ dàng... 

Từ 1/5, nhà máy Kurabe Industrial Việt Nam ở Khu công nghiệp VSIP 1 (TP Thuận An, Bình Dương) sẽ đồng loạt tăng lương cơ bản 6 - 8% cho 2.700 công nhân.

Trung bình, mỗi công nhân được tăng vài ngàn đồng đến hơn một triệu đồng. Những công nhân có thâm niên làm trên 10 năm sau khi tăng lương sẽ cho thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Những công nhân mới vào làm, khi tăng ca nhiều cũng sẽ có thu nhập không dưới 10 triệu đồng/tháng.

Theo đại diện nhà máy, việc tăng lương cho người lao động là chiến lược phúc lợi của công ty, không phụ thuộc vào phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Trải qua 2 năm khó khăn do đại dịch Covid-19, lợi nhuận nhà máy giảm sâu do chi phí vận hành "3 tại chỗ" khá lớn. Dẫu vậy, từ đầu năm nay, ban giám đốc vẫn quyết định nâng lương căn bản lên 7% và tăng thêm 150.000 đồng để bù trượt giá. Việc doanh nghiệp tăng lương nhằm tri ân người lao động đã đồng hành cùng công ty trong những lúc khó khăn nhất.

Cũng từ 1/5, 1.200 lao động của Công ty cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng ở Khu công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh, TPHCM sẽ được nâng lương 5 - 10%. Trung bình, công nhân tăng thu nhập từ 500.000 - 1.000.000 đồng/tháng. Với mức tăng này, công nhân sẽ có mức lương cơ bản trên 7 triệu đồng.

Ông Trịnh Minh Hùng, Phó tổng giám đốc công ty cho rằng, việc giữ nguyên lương cũ sẽ khiến công nhân "không sống được" khi giá cả đồng loạt leo thang. Trải qua dịch bệnh, công ty cũng gặp không ít khó khăn, việc cân đối ngân sách để tăng lương cho công nhân đợt này cũng không phải dễ dàng.

Nhiều doanh nghiệp tăng lương 10%, không chờ điều chỉnh lương tối thiểu - 2

Trải qua 2 năm khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải "thắt lưng buộc bụng" khi tăng lương cho người lao động nhằm tri ân họ đã đồng hành cùng công ty trong thời điểm dịch bùng phát.

Trong tháng 4 vừa qua, công ty TNHH I'Furni (Quận 10, TPHCM) cũng đã chủ động tăng lương, phụ cấp cho người lao động. Mỗi công nhân, tùy theo thâm niên, chức vụ được tăng lương lên đến một triệu đồng/tháng. 

"Thời điểm này, ngành gỗ của chúng tôi đang khôi phục sản xuất, thực tế còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, vật giá tăng quá cao mà lương vẫn như cũ thì người lao động sẽ rất khó khăn. Công ty tăng lương nhằm hỗ trợ người lao động khi khó khăn, đồng thời, để tri ân họ trong 3, 4 tháng giãn cách đã chấp nhận "3 tại chỗ" để công ty không bị đứt gãy sản xuất", ông Nguyễn Văn Út - Giám đốc công ty TNHH I'Furni chia sẻ.

Trao đổi thêm về vấn đề trên, bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch công đoàn Khu công nghiệp VSIP cho rằng, việc các nhà máy tăng lương sẽ giúp doanh nghiệp giữ chân công nhân giữa thời bão giá. Không chỉ giúp đời sống công nhân ổn định, việc tăng lương còn giúp doanh nghiệp sớm ổn định quan hệ lao động, hạn chế tranh chấp tập thể.

Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chính phủ không điều chỉnh mức lương tối thiểu nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chủ động tăng lương cho công nhân. Theo báo cáo, có hơn 20% doanh nghiệp điều chỉnh lương cho người lao động trong năm 2021, mức tăng 5,3%. Riêng nhóm ngành sử dụng đông lao động như dệt may, tỷ lệ là 1,6% doanh nghiệp, da giày là 0,9% và chế biến thủy sản là 0,2% với mức tăng 4,2-4,7%.