Nhật Bản: Một công nhân xây dựng tự tử vì làm việc quá sức
Cơ quan tiêu chuẩn lao động Nhật Bản ngày 12-10 xác nhận vụ việc một công nhân lao động 23 tuổi làm việc tại sân vận động Olympic của Tokyo xuất phát từ lý do làm việc quá sức.
Hiroshi Kawahito, luật sư đại diện cho gia đình nạn nhân cho biết cơ quan kiểm tra đã xác định tổng số giờ làm thêm mà nam công nhân này phải thực hiện một tháng trước vụ tử tử là 190 tiếng đồng hồ và 18 phút. Làm việc quá sức đã khiến nạn nhân dần rơi vào trạng thái tâm thần.
Được biết, sự việc xảy ra từ tháng 3-2017, nhưng kết quả kiểm định mới được Văn phòng Kiểm tra tiêu chuẩn lao động Shinjuku công bố hôm 12-10, gần 3 tháng kể từ sau khi gia đình nạn nhân nộp đơn yêu cầu xác nhận.
Japan Times cho biết, nạn nhân là một công nhân của công tin Sanshin, một đơn vị thuộc tổng công ty Taisei tham gia dự án xây dựng sân vận động dự kiến sẽ là địa điểm chính của thế vận hội Olympics và Paralympics Tokyo 2020.
Luật sư Kawahito cũng cho biết, nạn nhân gia nhập công ty từ tháng 4-2016 và bắt đầu tham gia bộ phận cải tạo nền đất tại khu vực này kể từ tháng 12-2016.
Thi thể nạn nhân được tìm thấy ở một vùng núi hồi tháng 4 vừa qua sau khoảng 1 tuần kể từ khi được phát hiện mất tích. Người ta còn tìm thấy một mảnh giấy để lại do chính nạn nhân viết, nói rằng anh ấy "đã bị đẩy đến giới hạn cả về thể chất và tinh thần".
Bố mẹ nạn nhân chia sẻ: "Chúng tôi cảm thấy nhẹ nhóm khi những khó khăn của con trai chúng tôi được thấu hiểu".
Về phần công ty chủ quan, Sanshin nhanh chóng xin lỗi và bày tỏ sự hối hận, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực cải thiện môi trường làm việc.
Chính sự chậm trễ trong việc khởi công xây dựng đã đẩy sức ép lên những người công nhân đang làm việc tại khu vực xây dựng sân vận động Olympic. Mỗi ngày đều có khoảng 1000 công nhân làm việc tại khu vực này.
Sự ra đi của nam công nhân đã thu hút sự quan tâm của người dân Nhật Bản cũng như cộng đồng quốc tế, đặc biệt là sau khi gia đình nạn nhân yêu cầu Chính phủ làm rõ việc liệu ông có là nạn nhân của vấn nạn karoshi - tìm đến cái chết vì làm việc quá sức hay không.
Vào cuối tháng 9 vừa qua, các quan chức lao động Tokyo đã điều tra gần 800 nhà thầu thuộc tổng công ty Taisei và phát hiện tình trạng làm thêm bất hợp pháp tại 40 công ty. Người lao động ở 18 công ty đã phải làm thêm 80 giờ mỗi tháng, một số trong đó có số thời gian làm thêm vượt quá 150 giờ.
Năm ngoái, xây dựng là một trong những ngành có nhiều vụ việc karoshi nhất tại Nhật với 16 vụ tử tự được chính phủ xác nhận.
Hồi cuối tuần trước, NHK cũng thừa nhận phóng viên chính trị Miwa Sato là một nạn nhân của karoshi, cô đột tử vì làm việc quá sức dẫn đến suy nhược.
Mặc dù luật về tiêu chuẩn lao động tại Nhật Bản được đặt ra để bảo vệ cho hầu hết người lao động, nhưng vẫn cho phép một vài ngoại lệ liên quan tới ngành nhề đặc thù. Đây chính là một lỗ hổng cho phép các công ty đưa ra sự lựa chọn "tự nguyện" làm thêm giờ cho nhân viên của mình.
Hiện, các cơ quan chính phủ và các công ty tuyên bố đang tiếp tục làm việc chặt chẽ để kiểm soát tình trạng làm việc quá sức và áp dụng các biện pháp nhằm cải thiện môi trường làm việc.
Theo CAND/JP