Nhật Bản mở thêm 9 ngành nghề tiếp nhận lao động kỹ năng Việt Nam

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Nhật Bản đã có kế hoạch mở rộng lĩnh vực tiếp nhận lao động nước ngoài theo chương trình kỹ năng đặc định. Người lao động sẽ được bảo lãnh cho người thân, gia đình sang Nhật Bản sinh sống cùng.

Thông tin trên được ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH trao đổi với phóng viên báo Dân trí.

Cơ hội làm việc lâu dài, chế độ cao

Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, trong số 9 lĩnh vực được mở rộng thêm với lao động kỹ năng đặc định loại 2, sẽ có thêm nhiều ngành nghề khác như nông nghiệp, chế tạo máy móc, công nghiệp tàu biển, vệ sinh tòa nhà, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn… Quyết định nhằm giải quyết bài toán thiếu nguồn nhân lực trong bối cảnh dân số già hóa tại nước bạn.

Trước đó, nhóm đối tượng lao động này chỉ có thể làm việc lâu dài tại Nhật Bản trong 2 ngành là xây dựng và đóng tàu.

Nhật Bản mở thêm 9 ngành nghề tiếp nhận lao động kỹ năng Việt Nam - 1

Ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH).

"Từ trước đến nay, visa (thị thực) đặc định số 2 mới chỉ tiếp nhận 2 ngành nghề là xây dựng và đóng tàu nhưng với kế hoạch này, lao động được tiếp nhận sẽ mở rộng sang nhiều ngành khác nhau như nông nghiệp, chế tạo và dịch vụ...", ông Hương cho biết.

Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước cũng thông tin, vừa qua, phía Nhật Bản đã họp và thống nhất chủ trương sẽ mở rộng ngành nghề theo chương trình kỹ năng đặc định số 2. Đây là kết quả tích cực ghi nhận sau chuyến đi Nhật của Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đầu tháng 9 năm ngoái. 

Tuy nhiên, từ chủ trương đến khi triển khai áp dụng, ông Hương phân tích, cần quá trình thể chế hóa, đưa vào luật. Do đó, người lao động cần phải chờ kết quả đề xuất được trình Chính phủ Nhật vào mùa thu (tháng 9, tháng 10) năm nay vì việc này còn liên quan đến quy định tiếp nhận.

Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước đánh giá, chương trình mới khi chính thức áp dụng sẽ giúp lao động Việt Nam có cơ hội tiếp tục làm việc lâu dài tại Nhật. Người lao động đi theo chương trình kỹ năng đặc định số 2 tương đương với trình độ cao hơn, mức thu nhập, các chế độ phúc lợi xã hội sẽ cao hơn.

"Với thay đổi mới này, người lao động sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề hơn. Khi đã trở thành lao động kỹ năng đặc định, lao động nước ngoài sẽ được hưởng mức lương, chế độ đãi ngộ tương đương người Nhật.

Bên cạnh đó, quyền lợi quan trọng với các nhân sự diện này là có thể chuyển công ty trong quá trình làm việc. Đặc biệt, người lao động sẽ được phép bảo lãnh cho người thân, gia đình sang Nhật Bản sống cùng và còn có quyền xin thị thực vĩnh trú", ông Hương phân tích.

Cải thiện môi trường làm việc, thu nhập tại Nhật 

Nhật Bản mở thêm 9 ngành nghề tiếp nhận lao động kỹ năng Việt Nam - 2

Nhật Bản đã có kế hoạch mở rộng lĩnh vực tiếp nhận lao động nước ngoài theo chương trình kỹ năng đặc định.

Liên quan đến các kiến nghị, đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH với phía Nhật Bản trước đó về việc cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, sinh hoạt, mức thu nhập của lao động, thực tập sinh Việt Nam; xem xét miễn 2 loại thuế (thuế cư trú và thuế thu nhập)... lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, phía bạn rất ủng hộ. Thực tế, một số nghiệp đoàn đã bắt đầu triển khai thực hiện các nội dung. 

Hiện nay, thực tập sinh Việt Nam bị khấu trừ các khoản thuế, bảo hiểm như người lao động Nhật Bản nhưng chỉ nhận được tháng lương cơ bản mà không nhận được các khoản tiền thưởng, phụ cấp.

Về vấn đề này, ông Hương cho biết, Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện rà soát để thay đổi chương trình thực tập sinh kỹ năng, trong đó nhấn mạnh việc có thể cải thiện môi trường làm việc cũng như thu nhập đối với thực tập sinh.

"Sắp tới Nhật Bản sẽ triển khai việc sửa đổi đó. Phía bạn rất quan tâm vấn đề này để thu hút lao động nước ngoài", ông Hương cho biết.

Lãnh đạo Cục cũng nói thêm, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh đàm phán với phía Nhật Bản sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Hiệp định BHXH giữa Việt Nam và Nhật Bản.