Nhật Bản, Hàn Quốc rộng cửa cho lao động nhập cư
Lao động Việt Nam cũng như các nước xuất khẩu lao động nói chung đang nhìn thấy cơ hội nhờ chính sách mở rộng chiêu mộ nhân lực trong thời gian tới từ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nhật Bản: Gấp rút đối phó tình trạng già hóa
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 18/5 đặt ra kế hoạch thu hút 1,17 triệu người cho thị trường lao động trong nước vào năm tài chính 2020 (bắt đầu từ tháng 4/2020), theo Bloomberg.
Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra dự thảo về kế hoạch lao động mới nhằm giải quyết tình trạng lão hóa trong lực lượng lao động, trong đó bao gồm tăng số lượng phụ nữ và người lớn tuổi. Từ lúc ông Shinzo Abe nắm quyền vào đầu năm 2013, tỷ lệ nữ lao động ở Nhật đã tăng lên mức 50% từ 47% trước đó.
Chương trình này sẽ đi kèm các chính sách tăng mức lương tối thiểu cũng như cung cấp các dịch vụ chăm sóc nhiều hơn cho trẻ em và người già, nhằm "thúc đẩy sự tham gia năng động của toàn dân".
Mục tiêu sắp tới của Chính phủ Abe là ngăn chặn khả năng tổng dân số rơi xuống dưới mức 100 triệu người. Hiện nay, Nhật Bản có 127 triệu người và lực lượng lao động đang ở mức ổn định, khoảng 65 triệu người, nhưng nếu không có chính sách thay đổi, nhiều khả năng tới năm 2060, lực lượng này sẽ giảm đến 40%, theo một dự báo từ chính phủ.
Trong nhóm G7, Nhật Bản là nước có tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên cao nhất với 25%, trong khi ở Mỹ chỉ là 14%, theo kết quả khảo sát của OECD năm 2013.
Một thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi của ông Shinzo Abe là số người phải rời bỏ công việc để chăm sóc người già đang sắp vào giai đoạn phình to, với khoảng 7 triệu người thuộc thế hệ "baby-boomers", tức độ tuổi 52 tới 70 tính tới 2016.
Chính vì vậy bên cạnh việc tăng lương và phúc lợi xã hội cho người Nhật, giải pháp thu hút lao động nước ngoài cũng đang nằm trong kế hoạch của ông Abe.
Việc phải tái xây dựng sau thảm họa sóng thần năm 2011 và đẩy mạnh cho Thế vận hội 2020 khiến nhu cầu việc làm của Nhật Bản bùng nổ, cao nhất trong 24 năm. Số lượng lao động nước ngoài ở Nhật đã tăng lên 40% so với năm 2013, trong đó người Trung Quốc chiếm 1/3, tiếp đến là Việt Nam, Philippines và Brazil.
Thế nhưng các điều kiện về thị thực vẫn khiến lao động nước ngoài chỉ chiếm 1,4% trong tổng số lao động của quốc gia này, so với 5% cần thiết cho những nền kinh tế lớn, theo ước tính của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).
Điều đáng nói, trong khi Nhật Bản chưa thể thống nhất phương án mở rộng cho lao động nhập cư do liên quan tới các vấn đề văn hóa và tư duy của người dân, họ đang lo ngại sẽ bị Hàn Quốc cạnh tranh khốc liệt ở việc thu hút nhân công ngoài nước.
Hàn Quốc: Giải quyết yêu cầu cấp thiết của doanh nghiệp
Ngày 15/5, Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) dẫn thông báo từ chính phủ cho hay nước này sẽ tái mở cửa thị trường lao động cho Việt Nam bắt đầu từ năm 2017. Trước đó từ năm 2012, Seoul đã ngừng cấp phép cho công dân Việt Nam làm việc vì các vấn đề thị thực và cư trú trái phép.
"Một biên bản ghi nhớ về việc khôi phục lao động nhập cư Việt Nam đã đạt được tại cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Lao động Lee Ki-kweon và người đồng cấp phía Việt Nam, ông Đào Ngọc Dung tại Hà Nội", Bộ Lao động Hàn Quốc cho biết.
Đây là kết quả từ nỗ lực kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm đối với lao động Việt Nam của các doanh nghiệp địa phương. Họ cho rằng người lao động Việt Nam có khả năng thích ứng nhanh với điều kiện làm việc và lĩnh hội các kỹ năng chuyên môn rất nhanh nên có giá trị lao động cao.
Trong nhiều năm qua, song song với việc thu hút nhân công nước ngoài, Hàn Quốc cũng dính nhiều cáo buộc liên quan tới việc đối xử với người lao động, dẫn tới những cuộc tuần hành phản đối. Mặc dù vậy, với tính cấp thiết của vấn đề lao động, Chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện nhiều cải cách để mở cửa cho lao động nhập cư.
Làng Wongok ở Ansan, phía nam thủ đô Seoul, được mệnh danh là ngôi làng không biên giới, là một điển hình cho chủ trương ấy của nước này. 2/3 trong số 17.000 cư dân của làng Wongok không mang quốc tịch Hàn Quốc, mà là người Việt Nam, Sri Lanka, Trung Quốc...
Tại đây, những người nước ngoài được học phụ đạo cấp tốc về ngôn ngữ và văn hóa nhằm cải thiện khả năng hòa nhập với văn hóa bản địa. Những khóa bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ và an toàn lao động cho người nước ngoài cũng được tổ chức ở Seoul và nhiều tỉnh khác, nhằm hạn chế tai nạn lao động và nâng cao sự chuyên nghiệp.
Song song với đó là những cuộc vận động kêu gọi cư dân Hàn Quốc chấp nhận thực tế tiếp xúc với người nước ngoài và sự đa dạng văn hóa. Làng Wongok được xem là một "Hàn Quốc tương lai", nơi chính người Hàn cũng được bồi dưỡng kiến thức, tạo cơ hội việc làm và học cách hòa nhập với cộng đồng khác.
Theo Giang Lang/Doanh nhân Sài gòn