1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

XKLĐ sang Hàn Quốc: Cơ hội cao trong việc ký tiếp bản thảo thuận bình thường

(Dân trí) - Ông Tống Hải Nam - Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng cơ hội ký lại Bản thỏa thuận bình thường trong việc đưa lao động VN sang thị trường Hàn Quốc là có cơ sở, nhờ các nỗ lực và giải pháp quyết liệt từ phía VN thời gian qua.


Thu nhập tối thiểu của LĐ VN tại Hàn Quốc đạt 1.000 USD/tháng, sau khi trừ các chi phí sinh hoạt.

Thu nhập tối thiểu của LĐ VN tại Hàn Quốc đạt 1.000 USD/tháng, sau khi trừ các chi phí sinh hoạt.

Phát biểu tại Buổi tổng kết hoạt động quý 1/2016 của ngành LĐ-TB&XH, tổ chức tại Hà Nội, ông Tống Hải Nam cho biết: Trong tháng 3, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH VN đã có cuộc làm việc với đại diện Bộ Lao động, Bộ Tư Pháp Hàn Quốc về cơ hội đưa lao động VN sang làm việc.

“Hai cơ quan chức năng của Hàn Quốc đánh giá cao những nỗ lực quyết liệt của phía VN trong việc giảm tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng bỏ trốn tại Hàn Quốc. Hai Bộ trên sẽ trình Chính phủ Hàn Quốc để nghiên cứu ký tiếp Bản thỏa thuận bình thường” - ông Tống Hải Nam nói.

Trước đó, phía Hàn Quốc đã chia hạn ngạch tiếp nhận tối đa 3.500 lao động VN sang làm việc trong năm 2016. Hạn ngạch trên và Bản ghi nhớ đặc biệt về việc đưa lao động VN sang làm việc tại Hàn Quốc (MOU), được ký từ năm 2012 là những căn cứ để đưa lao động VN sang Hàn Quốc làm việc theo diện hợp đồng tại thời điểm hiện nay.

Lý do của việc phải thực hiện Bản MOU thay cho Bản thỏa thuận bình thường như trước đây, ông Tống Hải Nam giải thích: Do tình hình lao động VN hết hạn hợp đồng nhưng không về nước gia tăng nhanh. Năm 2012, tỉ lệ người VN lao động hết hạn hợp đồng nhưng không về nước chiếm tỉ lệ kỷ lục với 58%.

Năm 2015, tỉ lệ LĐ VN hết hạn hợp đồng không về nước xuống thấp nhất là 31,9%, nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng của 2 bên nhằm đưa xuống dưới 30%.

Đánh giá của Cục Quản lý lao động ngoài nước, tỉ lệ trên là điều đáng suy ngẫm. Bởi tính tổng số lao động hết hạn hợp đồng không về nước của 14/15 nước (trừ VN) có lao động phái cử làm việc tại Hàn Quốc cũng chưa tới 20%.

“Chính vì tình trạng này khiến phía Hàn Quốc đã tạm dừng không ký bản thỏa thuận chính thức từ năm 2012. Thay vào đó, Chính phủ Hàn Quốc chỉ chấp nhận ký Bản thỏa thuận đặc biệt (MOU) có thời hạn 1 năm. Bản thỏa thuận ký năm 2015 sẽ hết hạn vào ngày 10/4” - đại diện Cục Quản lý lao động Ngoài nước cho biết.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, sau khi triển khai các giải pháp rất quyết liệt từ Chính phủ, tỉ lệ lao động trên đã giảm: Cuối năm 2014, VN có khoảng 18.000 lao động hết hợp đồng nhưng không về nước. Cuối năm 2015, con số trên giảm còn khoảng 15.000 người.

Nhấn mạnh việc lao động VN hết hợp đồng phải chấp hành quy định về nước, ông Tống Hải Nam cho biết: Theo quy định, lao động VN đi làm việc tại Hàn Quốc theo hợp đồng có thời hạn 58 tháng. Tính trung bình, mỗi lao động còn tối thiểu 1.000 USD/tháng sau khi trừ các chi phí sinh hoạt.

“Như vậy, trong 58 tháng, họ có thu nhập gần 60.000 USD. Hết thời hạn này, người lao động nên về nước để dành cơ hội tăng thu nhập cho những lao động chờ xuất cảnh tại quê nhà” - ông Tống Hải Nam nói.

Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) thu hút 60-70% lao động VN tham gia XKLĐ trong vài năm qua.

Ông Tống Hải Nam cho biết, từ năm 2005, số lao động bỏ trốn nhiều khiến phía Đài Loan đã dừng tiếp nhận lao động làm giúp việc gia đình và thuyền viên tàu cá.

Thời gian gần đây, VN đã tăng cường nhiều giải pháp tăng cường chất lượng lao động tham gia XKLĐ và kiểm soát mức phí dịch vụ…Tình trạng lao động bất hợp pháp tại Đài Loan đã giảm, chỉ khoảng 0,6 % trong số lao động mới sang. Hiện lao động VN làm việc tại Đài Loan lên tới hơn 170.000 lao động.

Trong 2-3 năm gần đây, số lao động VN đi làm việc tại Đài Loan chiếm từ 60-70% lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phái cử. Năm 2015 có khoảng 70.000 lao động VN đi làm việc tại Đài Loan. Năm 2014, con số này là 62.000 người.

Hoàng Mạnh