Nhân viên khách sạn, thợ kỹ thuật... sẽ được học kỹ năng nghề của Australia

(Dân trí) - “Trước mắt, các bên sẽ thực hiện thí điểm hợp tác trong việc đào tạo nghề khách sạn và du lịch, tiếp sau có thể là nông nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe người già, nghề kho vận…”

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao đổi với PV Dân trí về kết quả về hợp tác giáo dục nghề nghiệp từ chuyến công tác cùng đoàn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới thăm chính thức Niu Di-lân, Australia trung tuần tháng 3 vừa qua.

Thưa Bộ trưởng, thông qua chuyến làm việc tăng cường hợp tác với Australia và Niu Di-lân vừa qua của Bộ LĐ-TB&XH, đã mở ra những cơ hội hợp tác mới nào giữa Việt Nam và các đối tác về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp?

- Trong chuyến thăm trên, tôi và bà Bộ trưởng Karen Andrews của Australia phụ trách về Giáo dục nghề nghiệp và Kỹ năng đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giữa hai Bộ, trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước.

Đây là văn bản quan trọng, làm cơ sở cho việc thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Australia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cả về chiều sâu và chiều rộng trong bối cảnh quan hệ hai nước được nâng lên tầm Đối tác chiến lược.


Lễ ký Bản ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giữa hai Bộ, trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước.

Lễ ký Bản ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giữa hai Bộ, trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước.

Trong bản MOU này, hai bên đã xác định 4 nhóm vấn đề hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: Tăng cường hợp tác trong xây dựng chính sách và lý của nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp; Tăng cường năng lực cho đội ngũ giáo viên, đánh giá viên, kiểm định viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp các cấp.

Đồng thời, hai bên thống nhất khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của hai nước tăng cường hợp tác thông qua các hình thức như liên kết đào tạo, chuyển giao giáo trình và kỹ thuật đào tạo nghề, cấp và công nhận lẫn nhau các bằng cấp, chứng chỉ về giáo dục nghề nghiệp.

Nội dung nhóm vấn đề hợp tác cuối cùng là tăng cường giao lưu, trao đổi sinh viên, giáo viên, thực tập sinh và các hình thức trao đổi khác về giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng.

Được biết Bản ghi nhớ trên là sự tiếp nối những hợp tác có hiệu quả đã diễn ra giữa 2 nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thời gian qua, thưa Bộ trưởng?

- Thời gian qua, hợp tác giữa Việt Nam và Australia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã được triển khai có hiệu quả tốt. Nổi bật là việc Australia đã chuyển giao miễn phí cho Việt Nam 12 bộ giáo trình đào tạo nghề và đang được giảng dạy thí điểm tại 25 trường nghề có chất lượng cao tại Việt Nam.

“Australia và Niu Di-lân có hệ thống giáo dục nghề nghiệp tiên tiến, vững chắc và linh hoạt, được xây dựng trên nguyên tắc là lấy khả năng tìm kiếm việc làm của người lao động là mục tiêu đào tạo…Những nguyên tắc này rất phù hợp với định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Đã có hơn 300 giáo viên dạy nghề được đi học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ tại Australia. Ngoài ra còn có hàng trăm cán bộ, giáo viên dạy nghề của Việt Nam được tham gia vào các khóa đào tạo tiếng Anh và các khóa đào tạo khác.

Trên cơ sở đó, hai bên đều thống nhất nhận định là tiềm năng để mở rộng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn lớn. Đồng thời, hai Bộ đã thống nhất là sự hợp tác thời gian tới cần được thúc đẩy song song ở cả hai cấp: Giữa cơ quan quản lý nhà nước và giữa các cơ sở đào tạo nghề của hai nước.

Ở cấp cơ quan quản lý nhà nước, Australia có nhiều kinh nghiệm mà Việt Nam có thể nghiên cứu, học hỏi như: Việc xây dựng các khung trình độ cấp quốc gia cho các ngành, nghề; thành lập và hoạt động của các hội đồng tham vấn cấp ngành về giáo dục nghề nghiệp; các chính sách hướng nghiệp cho lao động trẻ và các khóa đào tạo và bổ túc nghề linh hoạt cho các đối tượng…


Lễ trao chứng nhận đạt chuẩn triển khai đào tạo các nghề chuyển giao từ Australia cho các trường cao đẳng tại VN.

Lễ trao chứng nhận đạt chuẩn triển khai đào tạo các nghề chuyển giao từ Australia cho các trường cao đẳng tại VN.

Với cấp cơ sở, hai Bộ trưởng cũng nhất trí sẽ phối hợp để tạo điều kiện cho các cơ sở dạy nghề của hai nước tăng cường hợp tác như xây dựng các chương trình liên kết đào tạo, nâng cao năng lực cho giáo viên, hợp tác xây dựng giáo trình...

Đặc biệt, hai Bộ cũng sẽ khuyến khích các nhà trường hợp tác để các sinh viên theo học các chương trình đào tạo nghề tại Việt Nam, nếu đạt chuẩn của Australia có thể được cấp chứng chỉ được Australia công nhận. Qua đó tạo điều kiện cho những sinh viên này sang thực tập nghề tại Australia.

Bộ trưởng có thể cho biết là có những khó khăn, thách thức gì trong việc thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp?

- Việt Nam và Australia có cách tiếp cận về vấn đề giáo dục nghề nghiệp khá tương đồng, tuy nhiên khi áp dụng trong thực tiễn vẫn cần điều chỉnh cho phù hợp, nhất là về trình độ phát triển về kinh tế - giáo dục và sự khác biệt về văn hóa.

Bởi vậy, trong khi học hỏi kinh nghiệm của phía bạn, chúng ta cũng phải tính đến điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của các doanh nghiệp cũng như của các cơ sở đào tạo của Việt Nam.

Bên cạnh việc khác biệt vốn có giữa hệ thống dạy nghề của hai nước, vấn đề về kinh phí cho vận hành chương trình và đi lại cũng là điều cần tính tới.

Đối với sinh viên Việt Nam học nghề, để có thể đáp ứng được chuẩn của Australia, rào cản lớn nhất là tiếng Anh. Với chuẩn tiếng Anh tối thiểu là phải đạt IELS 5.0, rất ít sinh viên học nghề của Việt Nam có thể vượt qua để có cơ hội thực tập nghề tại Australia.

Để khắc phục điều này, tôi đã trao đổi với Bộ trưởng của bạn đề nghị có những chính sách linh hoạt áp dụng đối với sinh viên học nghề của Việt Nam như: Hạ thấp một phần yêu cầu về tiếng Anh hoặc áp dụng cơ chế linh hoạt cho phép kéo dài hơn thời gian đạt chuẩn tiếng Anh.

“Hai Bộ trưởng thống nhất là mỗi bên sẽ giới thiệu một số trường nghề có tiềm năng hợp tác của mỗi bên để kết nối triển khai các hoạt động hợp tác. Trước mắt, hai bên sẽ thực hiện thí điểm hợp tác trong việc đào tạo nghề khách sạn và du lịch, tiếp theo có thể là nông nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe cho người già, nghề kho vận (logistics)…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Xin cảm ơn Bộ trưởng

Hoàng Mạnh thực hiện