Giảm thất nghiệp: Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 3 đột phá trong giáo dục nghề nghiệp
(Dân trí) - Trong Phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/4, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã nêu ra 3 vấn đề có tính đột phá nhằm gắn kết đào tạo với thị trường lao động, hạn chế tình trạng thất nghiệp của thanh niên.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, từ 1/1/2017, Bộ LĐ-TB&XH đã chính thức tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ GD - ĐT.
Dù thời gian chưa nhiều, Bộ đã tiến hành rà soát, cập nhật và sửa đổi các vấn đề về liên quan tới thể chế, chủ động ban hành cũng như trình Chính phủ ban hành 37 văn bản khác nhau, như: 4 Nghị định của Chính phủ, 8 quyết định của Thủ tướng, 25 Thông tư liên ngành và của Bộ…
Để thực hiện mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất 10 nhóm giải pháp được cụ thể hoá trong Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Cụ thể: Xây dựng các chuẩn trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào GDNN; đổi mới cơ chế hoạt động cơ sở GDNN đảm bảo tính cạnh tranh, tự chủ, bảo đảm xã hội hoá; đổi mới chương trình tuyển sinh và đào tạo; đổi mới đội ngũ nhà giáo; chuẩn hoá và tăng cường cơ sở vật chất thiết bị cho GDNN; phát triển hệ thống quản lý chất lượng GDNN, tăng cường quản lý nhà nước với GDNN; tăng cường truyền thông, tư vấn hướng nghiệp và hợp tác quốc tế...
Trong đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chọn 3 vấn đề có tính đột phá: "Nếu làm tốt 3 vấn đề này, hệ thống GDNN sẽ có những chuyển biến nhất định".
Một là, tăng cường tính tự chủ của cơ sở GDNN. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải thích: Tự chủ không phải là khoán trắng, mà nhà nước khuyến khích và bắt buộc các trường hạch toán như doanh nghiệp nhà nước. Hướng tới phát triển việc làm bền vững, giao quyền tự chủ, tự chọn loại hình và ngành đào tạo phù hợp với tình hình.
"Một số nội dung chưa kịp xây dựng thể thế, nếu những văn bản hiện hành của Bộ GD - ĐT có thuận lợi hơn cho học sinh, sinh viên trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục được thực hiện. Khi nào thấy cần thiết và có lợi hơn cho học sinh, sinh viên thì sẽ sửa đổi sau" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Tự chủ từ bộ máy, mã ngành và chương trình, tự chủ từng bước chuyển giao dự toán ngân sách các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập như hiện nay sang phương thức đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ theo đầu ra. Không phân biệt cơ sở trong hay ngoài công lập.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, từ nay tới năm 2020, chỉ cấp ngân sách bằng năm 2017. Như vậy, hàng năm giảm được 7 %, để các trường tự chủ dần dần.
Hai là, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong GDNN. Tạo sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường, doanh nghiệp và nguười lao động.
"Đây vốn là một điểm yếu của hệ thống giáo dục thời gian qua với tình trạng: Người học xong không có việc làm, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại. Lý do, chưa có sự gắn kết giữa doanh nghiệp, nhà trường và người lao động" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tăng cường mô hình hợp tác với doanh nghiệp ở nhiều nước phát triển, như mô hình đào tạo kép của CHLB Đức, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc tham gia đào tạo, đánh giá kết quả người học, cung cấp thông tin và đồng hành với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết tín hiệu đáng mừng thông qua việc thí điểm tự chủ toàn phần ở 3 trường và 5 trường liên kết với doanh nghiệp ngay từ đầu trong việc giảng dạy, thực tập, tiếp nhận học viên. Thậm chí thực tập cũng được trả lương. Sau đó, doanh nghiệp ký cam kết tiếp nhận học viên sau khi tốt nghiệp.
“Có những nơi, các em có trình độ khá còn có thể đào tạo làm cán bộ ngay. Có 6 trường dạy nghề công lập của Hà Nội thí điểm đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp. Ngoài ra, một số trường nghề khác còn cam kết: Sinh viên ra trường nếu không có việc làm, nhà trường sẽ trả lại học phí” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Điểm độ phá cuối cùng, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là tập trung xây dựng chuẩn hoá quốc gia trong GDNN. Tiếp cận chuẩn của nhiều nước Asean và các nước phát triển, như: Chuẩn đầu ra, chuẩn giáo viên, chuẩn kiểm định, chuẩn cơ sở vật chất…
Cả nước có hơn 218.000 người trình độ đại học trở lên thất nghiệp
Theo Bản tin khảo sát thị trường lao động quý 4/2016 do Bộ LĐ-TB&XH công bố, cả nước có 1,11 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, giảm 7.700 người so với quý 3/2016, tăng 58.4000 người so với quý 4/2015.
Trong số những người thất nghiệp, có 471.000 người có chuyên môn kỹ thuật (chiếm 42,43%), nhiều nhất ở nhóm trình độ đại học trở lên (218.800 người, tăng 16.500 người so với quý trước), tiếp theo là nhóm cao đẳng (124.800 người, giảm 5.900 người) và trung cấp (70.200 người, giảm 14.100 người).
Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm trình độ cao đẳng giảm nhẹ so với quý trước, song vẫn cao nhất (7,38%); nhóm trình độ đại học tăng nhẹ lên 4,43%. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên là 7,28%, giảm so với quý 3/2016 nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm 2015, và gấp hơn 3 lần tỷ lệ thất nghiệp chung (2,31%).
Hoàng Mạnh