1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nhân viên "buôn" thưởng Tết của sếp gần 200 triệu, phòng nhân sự lúng túng

Hoài Nam

(Dân trí) - Phòng nhân sự vô cùng khó xử khi chuyện lương thưởng là chủ đề "tám" của nhiều nhân viên, kể cả chuyện lương thưởng của sếp.

Anh Nguyễn Minh Tùng, phòng nhân sự tại công ty quảng cáo ở quận 1, TPHCM cho biết, lương thưởng luôn là chủ đề tám chuyện của nhiều nhân viên ở chỗ mình. 

Chỉ cần có một lời "gợi mở" của bất cứ người nào là mọi người xôn xao, bàn tán rất háo hức, có nhiều khi là bàn sau lưng. 

Nhân viên buôn thưởng Tết của sếp gần 200 triệu, phòng nhân sự lúng túng - 1

Thưởng Tết, kể cả của sếp thường được nhân viên đem ra dự đoán, mổ xẻ (Ảnh minh họa)

Ở công ty, có vài nhân viên luôn "khơi mào" chủ đề về tiền lương, thưởng. Cứ đến dịp nào liên quan đến tiền là họ cầm điện thoại, mở tin nhắn chụm đầu, hỏi người khác... tình hình thế nào. 

Cũng có người khó chịu nhưng không ít người lại rất thích thú, sẵn sàng chia sẻ về vấn đề này. Bình phẩm khen nhiều, chê ít đủ cả. 

Anh tùng khá e dè vì ở công ty, chưa có quy định về bảo mật, lương thưởng. Công ty không công khai tiền lương, ai biết của người đó nhưng cũng không có quy chế cấm nhân viên tiết lộ tiền lương, thưởng với nhau. 

Hơn nữa, anh cũng hiểu, mọi người không phải so bì này nọ mà chủ yếu là tò mò, thích thú với chủ đề này là chính. 

Trường hợp khác, chị Lê Hồng Anh, cũng phụ trách nhân sự tại một công ty phần mềm ở Q.3, TPHCM cũng chia sẻ tình huống khó xử về nhân viên ở công ty rất thích "tám" về chủ đề lương thưởng. 

Đặc biệt, có nữ nhân viên tên Hoài, còn được gọi là người gán cho cái tên là "phụ trách tài chính" của phòng khách hàng. Cô rất thích buôn về chuyện lương thưởng. Mọi người, cứ thấy cô là gọi: "Hoài ơi, khoản này năm nay thế nào? Cái kia tăng không?". 

Các năm trước, ngày này thưởng bao nhiêu, người kia thưởng thế nào, vị trí này ra sao mà cô thu thập... cô thuộc làu làu. Mọi người nhận tiền, chỉ cần hỏi Hoài là biết ngay tăng hay giảm so với mọi năm. 

Dịp này, nhân sự đang nóng lòng chuyện thưởng Tết. Hoài và một số người thường đưa vấn đề này ra tranh luận, dự đoán, nhất là lúc đi ăn, giờ nghỉ. Cô gái nói: "Nhân viên thì chưa biết, chứ sếp thì không thấp hơn năm ngoái, ít nhất cũng 200 triệu". 

Phòng nhân sự hết sức khó xử, có thể không chính xác tuyệt đối, nhưng thông tin Hoài đưa ra tám... cũng gần trúng. 

Chị Anh cho biết, cũng có vài lần, chị nhắc mọi người không bàn tán về chuyện lương thưởng. Nhưng cũng chỉ là nhắc bâng quơ, mọi người nghe lúc đấy, sau đâu lại vào đó. Hơn nữa, mọi người tám lúc đi ăn trưa, cà phê, theo nhóm... chị cũng không thể cấm cản. 

Nhưng làm phòng hành chính, chị khá lúng túng khi vấn đề thu nhập, lương thưởng hay được mọi người đưa ra tranh luận. 

Cần đưa "bảo mật thu nhập" vào nội quy 

Theo chị Nguyễn Ngọc Nhung, quản lý nhân sự tại một công ty ở Q.7, TPHCM, việc nhân viên "tám" về lương thưởng, thu nhập có thể nói ở đâu cũng có, rất khó tránh và xử lý được triệt để.

Có nơi chưa đưa vào nội quy thì người ta tám công khai, còn có nơi có rồi thì họ chuyển sang "hoạt động trong bí mật". 

Theo chị Nhung, tùy quan điểm của từng nơi, nếu thấy vấn đề ảnh hưởng đến môi trường làm việc thì cần ban hành nội quy hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động về cam kết bảo mật thu nhập. 

Nhân viên buôn thưởng Tết của sếp gần 200 triệu, phòng nhân sự lúng túng - 2

Nhân viên thường rất hứng thú với chủ đề lương, thưởng (Ảnh minh họa)

Nếu hợp đồng hiện tại chưa có thì có thể thông báo bổ sung quy định bảo mật lương, thưởng. Mức độ và hình thức xử lý tùy từng công ty đặt ra. 

Theo ý kiến nhiều người, khi công ty có quy định về bảo mật lương, thưởng, thu nhập cá nhân thì sẽ không giải quyết việc so sánh, thắc mắc về lương, thu nhập cá nhân với người khác. 

Khi đó, cá nhân chỉ có thể thắc mắc, khiếu nại, đề nghị về chính vấn đề lương, thưởng của chính mình. Cá nhân tiết lộ hoặc đưa thông tin của mình nhờ, yêu cầu người khác thắc mắc, so sánh là vi phạm quy định.

Còn việc nhân viên tám bên lề, không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi đến ai thì rất khó để "cấm" họ, cũng không nhất thiết phải can thiệp quá sâu. Có chăng, quản lý có thể khéo léo gửi mail trao đổi, nhắc nhở. 

Nắm bắt tâm tư người lao động 

Chị Lý Ngọc Uyên, giám đốc đại diện một ty dịch vụ ở Phú Nhuận, TPHCM, nhân viên chỗ chị cũng hay tám chuyện về lương thưởng. Chị cũng không quá nặng nề vì làm với nhau lâu năm, ít nhiều anh em đều biết thu nhập của nhau dù nói là không công khai. 

Qua việc "tám" đó, nhà quản lý cũng có thể chọn lọc, nắm bắt được tâm tư, mong muốn, có những cải thiện, nỗ lực về vấn đề thu nhập cho nhân viên. Một yếu tố quan trọng để mọi người yên tâm gắn bó, cống hiến.