1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nhân viên bán hàng "mùa" giãn cách, vừa làm vừa run

Nguyễn Hạnh

(Dân trí) - "Công việc áp lực vì tiếp cận trực tiếp với nhiều khách. Đổi lại, tôi vẫn có thu nhập ổn định trong những ngày giãn cách", chị Phạm Thanh Thảo, nhân viên bán hàng tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), chia sẻ.

Nhân viên bán hàng mùa giãn cách, vừa làm vừa run - 1

Công việc bán hàng kiêm thu ngân giúp chị Phạm Thanh Thảo có thu nhập trong những ngày giãn cách.

Ngủ cũng mơ... rửa tay, xịt khuẩn

Là nhân viên bán hàng kiêm thu ngân tại một cửa hàng thực phẩm ở phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy (Hà Nội), chị Phạm Thanh Thảo chia sẻ: "Mỗi ngày đi làm là một lần căng não. Lúc này tôi cũng có ám ảnh bị nhiễm bệnh nên tự đảm bảo nhiều biện pháp phòng thân. Nhiều đêm khi ngủ, tôi vẫn còn mơ khi thấy đang rửa tay, xịt khuẩn.".

Công việc bán hàng đem lại cho cô gái 24 tuổi này mức lương cố định 5 triệu đồng/tháng, dù không cao nhưng là nguồn thu quan trọng trong những ngày giãn cách. Nơi ở xa siêu thị, chị Phạm Thanh Thảo phải mất hơn một h để đi lại. Mỗi lần đi qua các chốt, chị đều phải khai báo. 

Cùng hoàn cảnh, anh Bùi Văn Tám (26 tuổi ở xã Tây Tiến, huyện Tiền Hải, Thái Bình) nhân viên chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở phố Trần Quốc Vượng, Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: "Tôi vui vì công việc giúp mọi người không ra đường do giãn cách. Nhưng nói thực, tôi vẫn luôn có cảm giác lo bị nhiễm Covid-19 khi làm việc".

Nhân viên bán hàng mùa giãn cách, vừa làm vừa run - 2

Anh Bùi Văn Tám chuẩn bị đi giao hàng cho khách.

Vừa bán hàng, anh Bùi Văn Tám còn kiêm thêm công việc giao từ 4-5 đơn hàng/ngày tới khách hàng. Hầu hết những đơn hàng được anh giao là thực phẩm đông lạnh nên cũng dễ dàng trong vận chuyển.

Sau mỗi khi cầm tiền của khách, anh đều phải sát khuẩn đôi tay. Công việc này đem lại cho anh thu nhập 6,5 triệu đồng/tháng và được hỗ trợ 10.000 đồng/đơn hàng được giao.

Tiếp cận nguy cơ bệnh dịch, nhân viên bán hàng cũng "dính" hệ lụy. Chị Trần Thị Mai Anh (quê ở thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng), nhân viên cửa hàng tiện lợi ở phố Đội Cấn quận Ba Đình vừa phải đi cách ly trong tháng 8/2021 sau khi tiếp xúc với người mua hàng dương tính với SAR-Cov-2.

Tăng tiền thưởng để giữ nhân viên

Trao đổi với PV, chị Lê Thanh Ngọc - quản lý một siêu thị ở quận Cầu Giấy - cho biết: "Dù lo lắng cho tình hình kinh doanh nhưng tôi vẫn tập trung cho các biện pháp an toàn. Nhân viên cửa hàng phải tuân thủ việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên. Luôn giữ đúng khoảng cách an toàn với khách hàng khi chọn hàng và thanh toán".

Trong đợt dịch này, siêu thị nơi chị Lê Thanh Ngọc làm việc đang tăng cường việc hỗ trợ nhân viên ở xa đi làm. Hàng quán đóng cửa nên nhân viên thay nhau nấu cơm trong ca làm việc. Siêu thị đang cần tuyển nhân viên nam có sức khỏe để vận chuyển hàng hóa ngoài chốt vào cửa hàng, bốc vác hàng vào kho.

Nhân viên bán hàng mùa giãn cách, vừa làm vừa run - 3

Chị Phạm Thanh Thảo tranh thủ sắp xếp hàng hóa, bổ sung hàng lên kệ.

"Siêu thị phát kính bảo hộ, hỗ trợ tiền đi lại và thưởng cho nhân viên xuất sắc theo từng quý. Nhân viên nếu bị đi cách ly do Covid-19 không thể đi làm được, vẫn được tính công và đóng bảo hiểm xã hội bình thường", chị Lê Thanh Ngọc chia sẻ.

Theo anh Trần Văn Trang, một chủ cửa hàng chuỗi thực phẩm sạch (quận Cầu Giấy), để nhân viên không quá vất vả, cửa hàng tuyển thêm nhân viên làm việc theo giờ. Một ca làm việc kéo dài 4-5h thậm chí có thể tăng ca vào những ngày đông khách.

Đầu ca làm việc, nhân viên trang bị đồ phòng dịch để sẵn sàng "chiến đấu". Khu vực bán hàng lẫn trong kho đều được bảo đảm an toàn nhiều lớp với khẩu trang, nước rửa tay và máy đo nhiệt độ. Nhân viên và khách hàng tại cửa hàng phải tuân thủ việc đeo khẩu trang, giữ sạch sẽ đôi tay nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong giai đoạn nhạy cảm này.

"Để nhân viên yên tâm làm việc, cửa hàng đã cho tất cả nhân viên được tiêm vắc xin phòng chống dịch, hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng", anh Trần Văn Trang chia sẻ thêm.