1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thấy vô dụng trong mùa dịch, nữ nhân viên muốn bỏ việc lương 20 triệu đồng

Hoài Nam

(Dân trí) - Nguồn năng lượng lớn nhất của Lê Thanh Nhàn có được từ việc đi đây đi đó, gặp gỡ mọi người. Khi làm việc tại chỗ thời gian dài, nữ nhân viên có cảm giác vô dụng và muốn nghỉ việc.

"Có ai cứu mình không? Thế này mình kiệt sức mất!" là chia sẻ trên Facebook của Lê Thanh Nhàn, 27 tuổi, nhân viên phòng truyền thông tại một trường đại học ở TPHCM. 

Công việc hàng ngày của Lê Thanh Nhàn lâu nay quen với việc giao tiếp, gặp gỡ, đi đây đi đó, chưa nói đến hàng loạt các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao, làm đẹp, du lịch. Tất cả vốn là phần tất yếu trong cuộc sống và công việc của cô. 

Trong "cơn lốc" của dịch Covid-19, trường học là một trong những nơi đóng cửa đầu tiên. Từ tháng 5 tới nay, cô chỉ quanh quẩn trong phòng trọ chưa đến 15m2. Lâu dần, cô gái rơi vào tâm trạng mệt mỏi, căng thẳng.

Thấy vô dụng trong mùa dịch, nữ nhân viên muốn bỏ việc lương 20 triệu đồng - 1

Nhiều nhân viên cảm thấy mình trở nên vô dụng khi làm việc tại nhà (Ảnh minh họa).

Từ một cô gái nhanh nhẹn, làm việc đâu ra đó. Giờ đây, Thanh Nhàn thấy mất hứng thú với công việc, trở nên chậm chạp, trì trệ.

Cả ngày rất nhiều thời gian nhưng công việc tương tác qua online gặp nhiều trục trặc, nhiều vấn đề không được giải quyết. Cô liên tục chậm deadline, báo cáo nhầm, gửi email sai... mọi thứ rối tung. 

Cô gái trẻ cũng thấy đang may mắn hơn bao nhiêu người khi vẫn được ở nhà, có việc để làm, thu nhập vẫn giữ nguyên với mức lương trên 20 triệu đồng/tháng. Vậy nhưng, cô không thể nào vực nổi tinh thần làm việc. Cảm giác vật vờ ngày qua ngày. 

Nữ nhân viên trải lòng: "Tôi còn có suy nghĩ viết đơn xin nghỉ việc ngay giữa mùa dịch vì thấy mình trở nên vô dụng, không làm gì ra hồn". 

Chung tâm trạng này, gửi câu hỏi đến chương trình tư vấn tâm lý mùa dịch "Sài Gòn thương", nhiều lao động không giấu được vẻ mệt mỏi khi nhiều tháng liền giam mình trong căn phòng trọ... Ngay cả những người công việc, thu nhập ổn định cũng bị xuống tinh thần. 

Nhất là nhân sự trẻ, quen lối sống bay nhảy, giờ đây mọi thứ thay đổi, thêm nhiều nỗi lo lắng, nhiều người kiệt sức, rơi vào tâm trạng bí bách, không làm được việc.

Sức khỏe tinh thần: Cần chú trọng

Theo một chuyên gia nhân sự, nhu cầu gắn kết và được thuộc về tổ chức, tập thể là nhu cầu quan trọng của người lao động.

Nếu thời gian làm việc tại nhà kéo dài, chỉ tiếp xúc qua màn hình máy tính, nhân viên sẽ bị giảm sút nghiêm trọng cảm giác được kết nối, được thuộc về đội nhóm.

Khi nhân sự chưa kịp có các kỹ năng bù đắp khi thay đổi hình thức làm việc, sự suy giảm gắn kết kéo theo việc phối hợp kém hiệu quả. Hiệu suất làm việc của nhân sự sẽ bị giảm và dẫn đến suy nghĩ tự cảm thấy vô dụng. 

Thấy vô dụng trong mùa dịch, nữ nhân viên muốn bỏ việc lương 20 triệu đồng - 2

Được gắn kết là nhu cầu rất quan trọng của người lao động tác động đến năng suất làm việc (Ảnh minh họa).

Theo ông, lúc này, việc gắn kết đội ngũ là thách thức với các nhà quản lý. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh các hoạt động thông tin nội bộ về các vấn đề như lịch trình, kế hoạch, thăm hỏi, sinh nhật hay chia sẻ với những khó khăn, mất mát...

Vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Mỗi tuần rất cần một thông điệp từ người đứng đầu để động viên, khích lệ về tinh thần, sức khỏe nhân viên. Ngoài ra, mỗi người đều phải học cách thích nghi với điều kiện mới". 

Tại buổi giao lưu trực tuyến "Làm sao để cân bằng tâm lý trong mùa dịch" tại TPHCM, ngày 28/8, bác sĩ tâm lý Đặng Khánh An (Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM) nói về ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là trong đợt giãn cách kéo dài như lần này làm gia tăng tâm trạng nặng nề, bức bí với mọi người.

Trong không gian bí bách, nếu chúng ta không làm gì thì cảm giác bất lực, vô dụng sẽ càng xuất hiện nhiều hơn.

Việc lấy lại năng lượng đòi hỏi sự chủ động và thiết kế khoa học, bác sĩ Đặng Khánh An đưa ra 2 nguyên tắc:

Thứ nhất, mỗi người cần kỷ luật thép với bản thân, làm mọi cách để duy trì các hoạt động trong một ngày với những lịch trình cụ thể như đọc sách, nấu ăn, tập thể dục tại chỗ, phân bổ thời gian ngủ nghỉ hợp lý... Từ đó, sẽ tạo ra những ngày bình thường giúp lấy lại năng lượng, vượt qua cảm giác vô dụng.

Thứ hai, mỗi người đừng bỏ quên cảm xúc bản thân. Trong giai đoạn này, ai cũng có thể có những trải nghiệm tiêu cực, trầm buồn, chán nản.

Đây là dịp để mỗi người quan tâm đến cá nhân hơn, dành thời gian để nghĩ về mình, về những mục tiêu lớn hơn, những mong muốn, kế hoạch đang trì hoãn sẽ bắt đầu như thế nào?

Ghi mục tiêu ra giấy 

"Các bạn hãy viết ra giấy những mục tiêu phía trước. Với những hoạt động ngắn hạn hàng ngày cùng những hoạch định tương lai lâu dài sẽ tiếp thêm nguồn năng lượng để vượt qua những ngày giãn cách", bác sĩ Đặng Khánh An.