Nhân lực ngành nông nghiệp khó tuyển
Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cử nhân các ngành công nghiệp chế biến gỗ và thiết kế nội thất đến tận trường tìm người nhưng hơn 1 năm vẫn không tuyển được nhân sự mình cần.
Có mặt tại "Ngày hội việc làm" do Trường ĐH Lâm nghiệp tổ chức, bàn tuyển dụng của Công ty Gỗ ván ép Hoài Nam suốt cả buổi sáng vẫn chưa thấy có sinh viên tới tìm hiểu thông tin.
Bà Phan Thị Thu Hoài, phụ trách nhân sự của công ty cho biết, công ty bà đang có nhu cầu tuyển dụng 2 nhân viên kỹ thuật với yêu cầu là cử nhân tốt nghiệp ngành công nghiệp chế biến gỗ. Mức lương khởi điểm được đưa ra là từ 7-10 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, trong hơn 1 năm qua, công ty này vẫn chưa tìm được người. Số lượng hồ sơ gửi tới công ty gần như không có hoặc nếu có thì không phải là người tốt nghiệp đúng chuyên ngành công ty mong muốn.
Vì vậy, khi biết thông tin Trường ĐH Lâm nghiệp tổ chức Ngày hội việc làm, bà Hoài đã đăng ký với nhà trường với mong muốn tuyển dụng được nhân sự cho các vị trí mà mình cần.
Trường ĐH Lâm nghiệp cũng cung cấp cho công ty bà Hoài danh sách 58 sinh viên sẽ tốt nghiệp ngành công nghiệp chế biến gỗ. Tuy nhiên, suốt buổi sáng, công ty bà Hoài vẫn không nhận được hồ sơ nào.
Trong khi đó, Công ty Gỗ Việt tìm tới Ngày hội việc làm để tuyển 10 vị trí nhân sự ngành thiết kế nội thất cũng gặp tình trạng tương tự.
Đại diện công ty này cho biết, mức lương công ty đưa ra cho vị trí nhân sự đang cần tuyển là 7-10 triệu, mức lương không thấp với cử nhân mới ra trường, tuy nhiên, các em liên tục nhảy việc khiến công ty luôn phải tìm người mới bổ sung.
Ông Lê Ngọc Hoàn, Trưởng Ban xúc tiến tuyển sinh và việc làm, Trường ĐH Lâm Nghiệp cho biết, ngành công nghệ chế biến gỗ và thiết kế nội thất là 2 trong số những ngành "hot" nhất đang được đào tạo tại trường.
"90% sinh viên ra trường thuộc 2 ngành này đều có việc ngay từ những tháng đầu tiên" - ông Hoàn thông tin. “Vì vậy, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành này từ Trường ĐH Lâm nghiệp gần như không đáp ứng được nhu cầu đang rất lớn của cầu của các nhà tuyển dụng”.
Trường đóng ngành đào tạo nếu sinh viên khó tìm việc làm
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội cho biết, bên cạnh những ngành có tỉ lệ tìm được việc làm cao, hiện cũng có những ngành sinh viên ra trường khó tìm được việc như ngành khoa học môi trường hay ngành công nghệ sinh học.
Vì vậy, gần đây, Trường ĐH Lâm nghiệp đã xác định lại chiến lược phát triển. Đối với những ngành ngành tuyển sinh kém, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm thấp thì nhà trường đã loại ra khỏi chương trình đào tạo và chấp nhận đào tạo lại giảng viên trong thời gian 1 năm để sang dạy ngành xã hội đang có nhu cầu.
Theo ông Tuấn, trong thời gian 1 năm, giảng viên được học 7-8 mô đun tương đương 20 tín chỉ do giảng viên của một trường có kinh nghiệm chuyên về lĩnh vực này giảng dạy.
Sau đó, từng giảng viên được phân công môn học nào thì được cử về trường đó tham gia giảng dạy trong 1 học kỳ dưới góc độ giảng viên tập sự. Hoàn thành khóa đào tạo, giảng viên về viết bài giảng để chuẩn bị bài dạy tại nhà trường.
Đồng thời, nhận thấy nhiều ngành dù không phải thế mạnh của trường nhưng khả năng sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao nên Nhà trường đã mở để đào tạo, ví như ngành: chăn nuôi, thú ý, công tác xã hội, quản trị kinh doanh du lịch và lữ hành…
Bên cạnh việc thay đổi chương trình và ngành đào tạo, Trường ĐH Lâm nghiệp cũng tăng cường việc gắn kết với doanh nghiệp để tăng cơ hội tìm việc làm cho sinh viên.
"Từ năm 2016 lãnh đạo Nhà trường quyết định tổ chức “Ngày hội việc làm” cho sinh viên. Năm ngoái, thông qua ngày hội này đã có 230 sinh viên kí hợp đồng sơ bộ với các công ty tuyển dụng. Năm nay, với 43 doanh nghiệp, dự kiến khoảng 500-600 sinh viên được tuyển dụng ngay tại ngày hội việc làm lần này" - ông Tuấn cho hay.
Lê Văn
Tin liên quan:
TP HCM: Hơn 100 doanh nghiệp tuyển lao động hồi hương từ Hàn Quốc
Lần đầu tiên trong tháng 4, Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM đã tổ chức Sàn giao dịch việc làm dành cho lao động VN hồi hương tư Hàn Quốc về nước. Chương trình thu hút 109 doanh nghiệp tham gia với hơn 3.200 chỉ tiêu tuyển dụng thuộc nhiều ngành nghề khác nhau.
Theo Ban tổ chức, đây là cơ hội dành cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc về nước có cơ hội tìm kiếm việc làm, sớm quay trở lại thị trường lao động thành phố. Việc tuyển dụng cũng nhằm hỗ trợ nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc đặt tại TP HCM. Chuẩn bị cho công tác tổ chức, Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM đã mời các lao động từng làm việc tại Hàn Quốc, nhắn tin tới gần 1.000 sinh viên khoa tiếng Hàn ở các trường đại học, cao đẳng. Đồng thời, việc tuyển dụng của các doanh nghiệp được thực hiện qua kênh kết nối trực tuyến thông qua Cổng thông tin việc làm Quốc gia vieclamvietnam.gov.vn và cổng thông tin việc làm TP Hồ Chí Minh là vieclamhcm.net và kết nối trực tiếp giữa người lao động với doanh nghiệp tại trụ sở Trung tâm Dịch vụ và Việc làm TP Hồ Chí Minh (số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh).
L.T
Tổng LĐLĐ VN: Lao động thất nghiệp còn thờ ơ với học nghề
Trong khi Việt Nam đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng đã phải điều chỉnh theo yêu cầu của khoa học công nghệ nhưng còn nhiều lao động thờ ơ với việc nâng cao tay nghề, thậm chí cả đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng ít quan tâm tới chính sách học nghề.
Đây là nhận định của ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại cuộc tọa đàm “Việt Nam trong thế giới sản xuất kỹ thuật số” tổ chức chiều 11/5 tại TP HCM. Theo phân tích của đại diện Tổng LĐLĐ VN, trong năm 2016, chỉ có 4,9% công nhân lao động hưởng chế độ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đi học nghề với mong muốn quay trở lại thị trường lao động, trong khi đó hơn 95% còn lại sử dụng số tiền đó vào việc khác. “Do đó cần có những sự tác động để thay đổi nhận thức của đại đa số công nhân lao động. Bởi chỉ trong khoảng 10 năm nữa, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ lan rộng. Hàng loạt lao động sẽ đối mặt với thất nghiệp do trình độ tay nghề yếu kém, lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp” - ông Mai Đức Chính nói. Cũng theo dự báo của các chuyên gia tại Hội nghị, khoảng 45% lao động điện tử, 86% lao động dệt may của Việt Nam sẽ bị thay thế trong cuộc Cách mạng lần thứ 4 tới đây.
X.A