Nhân lực du lịch: Vừa thiếu, vừa yếu

Cùng với định hướng đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ năm 2016 đến nay, du lịch liên tục đạt mức tăng trưởng từ 25 - 30% - mức tăng trưởng mơ ước đối với điểm đến quy mô quốc gia.


Đội tình nguyện Hỗ trợ du lịch Thăng Long - Hà Nội giới thiệu cho du khách quốc tế về lịch sử Giếng Thiên Quang nằm trong Khuê Văn Các. Ảnh: Thu Phương

Đội tình nguyện Hỗ trợ du lịch Thăng Long - Hà Nội giới thiệu cho du khách quốc tế về lịch sử Giếng Thiên Quang nằm trong Khuê Văn Các. Ảnh: Thu Phương

Tuy vậy, việc thiếu nhân lực du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên ở mức “báo động đỏ” nếu không sớm khắc phục, sẽ là “lực cản” đối với ngành kinh tế xanh trong tương lai gần.

Thiếu nhân lực trầm trọng

Tổng cục Du lịch cho biết, 2 quý đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 7,89 triệu lượt, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2017. Khách du lịch nội địa ước đạt 42,8 triệu lượt. Tổng thu từ du khách đạt 312.000 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2017. Năm 2017, Việt Nam đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,1% so với năm 2016.

Hiện tại, cả nước mới có trên 1,3 triệu lao động du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước; trong đó chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ.

"Theo Báo cáo về thực trạng chất lượng nguồn nhân lực du lịch của Tổng cục Du lịch, tại Việt Nam, tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch còn thấp, chỉ chiếm 43% tổng số lao động du lịch, trong đó có hơn một nửa không biết ngoại ngữ. Năng suất lao động trong ngành du lịch nước ta chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/10 của Nhật Bản và 1/5 của Malaysia…


Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn

Để khắc phục tình trạng thiếu hướng dẫn viên, Tổng cục Du lịch đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác đào tạo, cấp thẻ và tăng cường số lượng hướng dẫn viên. Mặt khác, có những biện pháp linh hoạt, không cứng nhắc trong công tác quản lý, đào tạo và cấp thẻ cho hướng dẫn viên.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch khẩn trương triển khai ứng dụng công nghệ mới trong việc cung cấp dịch vụ, thông tin điểm đến cho du khách. Theo đó, chúng tôi đang hợp tác với một công ty cung cấp dịch vụ công nghệ để cùng xây dựng ứng dụng cung cấp thông tin trên điện thoại thông minh bằng nhiều ngôn ngữ. Khi du khách tới một điểm đến, toàn bộ thông tin liên quan sẽ tự động hiển thị trên điện thoại của họ.

Đây là ứng dụng rất hữu ích cho du khách trong và ngoài nước đã được triển khai hiệu quả tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Sau khi hoàn thành, ứng dụng sẽ được thí điểm tại một số nơi, sau đó nhân rộng ra phạm vi toàn quốc." - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn

Chính vì thế, số lao động có chuyên môn, kỹ năng cao vừa thiếu, vừa yếu, nhưng số lao động chưa đáp ứng yêu cầu lại dư thừa. Theo Tổng cục Du lịch, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, yêu cầu mỗi năm phải đào tạo thêm 25.000 lao động mới và phải đào tạo lại số lượng tương tự.

Thực tế, mỗi năm, các trường đào tạo chuyên ngành về du lịch chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của ngành, dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng nguồn nhân lực du lịch. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình: Tiềm năng của du lịch Việt Nam vượt trội hơn so với các nước trong khu vực.

Dự báo thời gian tới tốc độ tăng trưởng của ngành đạt từ 25 - 35%/năm và theo kế hoạch đến năm 2020, ngành kinh tế xanh cần khoảng trên 2 triệu lao động chất lượng cao, chưa kể hàng nghìn lao động lĩnh vực du lịch tàu biển. Hiện nay, hàng loạt khách sạn 4, 5 sao liên tục được các DN lớn đầu tư đưa vào hoạt động như VinGroup, SunGroup, FLC, Saigontourist…

Cùng với đó, nhiều thương hiệu quốc tế hàng đầu về bất động sản du lịch như Accor, JW Marriott, Hyatt, InterContinental, Four Seasons… đã và đang rốt ráo tăng thêm thị phần tại Việt Nam, nên nguồn lao động chất lượng cao được "săn đón" quyết liệt; đầu ra từ các trường đào tạo chuyên ngành du lịch gần như không đủ cung cấp cho thị trường thời điểm này và cả những năm tới.

Đánh giá về nguồn nhân lực hiện nay, Giám đốc Điều hành Khách sạn Hà Nội Daewoo Erwin R. Popov nhận xét: “Thực tế, nhiều nhân viên chúng tôi tuyển dụng dù được đào tạo dài hạn ở các trường đại học, cao đẳng, vẫn phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung kỹ năng, ngoại ngữ”.

Cũng theo ông Erwin R. Popov, ở các quốc gia phát triển, thời lượng giữa học lý thuyết và thực hành là 50 - 50, tương đương với 24 tháng thực tập trong môi trường thực tiễn. Trong khi ở Việt Nam chỉ có 2 kỳ thực tập trong vòng 4 tháng nên học viên thiếu hẳn kỹ năng tác nghiệp. Đó là chưa kể nhiều trường đào tạo không có tên tuổi, không thể liên kết với những khách sạn có sao, có hạng nên chỉ gửi sinh viên đến thực tập tại những nơi không đạt chuẩn.

Vì thế, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch không nhất quán, không đạt chuẩn. Có thể nói gần như 90% sinh viên ngành khách sạn ra trường đều không có kỹ năng chuyên nghiệp.


Mô hình “trường trong DN”, “DN trong trường”
Không chỉ ở lĩnh vực lưu trú, việc thiếu hướng dẫn viên, đặc biệt là hướng dẫn viên chất lượng cao cũng đang khiến các DN lữ hành đau đầu. Hiện cả nước có hơn 13.500 hướng dẫn viên quốc tế phục vụ cho gần 13 triệu lượt khách quốc tế và hơn 7 triệu lượt khách Việt Nam ra nước ngoài; hơn 8.200 hướng dẫn viên nội địa phục vụ hơn 73 triệu lượt khách. Trong khi ước tính, để phục vụ lượng khách trên, cần tối thiểu khoảng 25.000 hướng dẫn viên quốc tế và 50.000 hướng dẫn viên nội địa.

"Thực hiện chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng được coi là giải pháp chiến lược. Chính vì thế, ngay từ đầu năm 2017, Sở đã ban hành Kế hoạch số 19/KH-SDL về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch năm 2017 và tổ chức các lớp bồi dưỡng về du lịch cộng đồng cho hơn 300 học viên, 400 hướng dẫn viên du lịch, 116 lái xe, 100 nhân lực quản lý khách sạn, 68 thuyết minh viên tại điểm, 30 cán bộ quản lý du lịch địa phương…

hai

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải

Sở Du lịch Hà Nội cũng tích cực xây dựng mối quan hệ giữa “Cơ quan quản lý nhà nước - nhà trường - DN” trong đào tạo nhân lực du lịch theo hướng ưu tiên và có cơ chế đặc thù. Nhờ sự “bắt tay” đó, đã thu hút được nhân lực giỏi, đào tạo bài bản, đúng nhu cầu thực tiễn.

Năm 2018, Sở tiếp tục phối hợp với các tổ chức giáo dục quốc tế, trong nước, các địa phương, điểm đến mở các lớp nâng cao chất lượng nhân lực như bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch; nghiệp vụ thanh tra du lịch; nhân lực lữ hành, vận chuyển, lưu trú; kỹ năng kinh doanh du lịch cho cộng đồng dân cư; kỹ năng xây dựng sản phẩm du lịch; kiến thức và kỹ năng thuyết minh cho thuyết minh viên…" - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải

Thế nên, vào mùa cao điểm du lịch hè, tour trong nước bán chạy khiến các DN phải tuyển thêm hướng dẫn viên tự do. Giám đốc Công ty Du lịch hàng không Avitour Nguyễn Trung Quân chia sẻ: "Bình thường, công tác phí của hướng dẫn viên nội địa khoảng 400.000 đồng mỗi ngày nhưng mùa này, trả 600.000 – 700.000 đồng cũng khó tìm người. Thậm chí, có hướng dẫn viên nhận lời đi tour nhưng đến phút chót lại hủy vì nơi khác trả công tác phí cao hơn”.
Để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực, đặc biệt là lao động có kỹ năng đạt chuẩn, nhiều DN đã chủ động tổ chức mô hình "trường trong DN" và "DN trong trường" với sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên. Tiêu biểu phải kể đến Trung tâm Điều hành Hướng dẫn viên Việt Nam thuộc Công ty Vietravel.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Trần Thị Việt Hương cho hay: “Chúng tôi hiện có khoảng 110 hướng dẫn viên đang làm việc chính thức và hơn 1.000 hướng dẫn viên cộng tác. Là đơn vị cung ứng nguồn nhân lực dẫn tour đầu tiên trong cả nước, nhưng chúng tôi cũng không tránh khỏi tình trạng thiếu người khi vào mùa cao điểm. Vì thế, trung tâm đang nỗ lực làm việc với các trường đại học để tìm nguồn, nhận sinh viên sắp tốt nghiệp về đào tạo như một dạng học kỳ hè, học thực tế từ công việc trên tour”.

Tương tự, Tổng Công ty Du lịch Saigontourist cũng mở trường Trung cấp Du lịch - Khách sạn Saigontourist, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của đơn vị trong mùa cao điểm, chứ chưa nói tới việc cung cấp cho thị trường.
Nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đầu tháng 7, trường Trung cấp nghề du lịch Hà Nội đã thành lập công ty cung ứng nhân lực du lịch đầu tiên tại Việt Nam có tên THPRO. Công ty này sẽ tập hợp đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ trong ngành khách sạn, nhà hàng do chính trường Trung cấp nghề du lịch Hà Nội đào tạo hoặc đã được đào tạo ở đơn vị khác để kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn chung châu Âu và tiêu chuẩn ASEAN.

Căn cứ kết quả kiểm tra, công ty sẽ xếp hạng sao tương ứng với kinh nghiệm, hiệu suất làm việc của lao động. “Khi tham gia cùng THPRO, các DN sẽ dễ dàng trong công tác tuyển dụng nhân sự đúng yêu cầu, tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo về chất lượng nhân sự và được đồng hành trong việc đánh giá chất lượng lao động. Còn người lao động sẽ được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, dễ dàng kết nối với các nhà tuyển dụng khác, được đào tạo nâng cao năng lực theo yêu cầu cá nhân để phục vụ cho công việc” - Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề du lịch Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị THPRO Trương Tường Lân cho hay.


Thời gian qua, các cơ sở đào tạo và DN du lịch đã có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường gắn kết nhằm tạo ra đội ngũ lao động đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tuy vậy, những hoạt động này vẫn ở phạm vi, quy mô nhỏ, chưa thể khỏa lấp được “lỗ hổng” lớn về nhân lực du lịch hiện nay.

Giới chuyên môn nhận định, trong khi chúng ta chưa có một trường đại học nào đào tạo chuyên về du lịch, tốc độ phát triển khách quốc tế và nội địa lại tăng trưởng mạnh từ 20 - 30%, thậm chí có thể đạt 35%, chẳng bao lâu nữa, những thiếu hụt về nhân lực du lịch sẽ là trở ngại lớn đối với ngành công nghiệp không khói.

"Mỗi DN kinh doanh trong ngành du lịch, khách sạn, giải trí hiện nay đều phải tìm cách khắc phục vấn đề nhân lực. Có nơi sàng lọc rất kỹ từ đầu vào, thậm chí chấp nhận chậm tiến độ khai trương để có được đội ngũ nhân sự như mong đợi. Nhưng cũng không ít DN tuyển dụng ồ ạt sau đó sàng lọc dần và chấp nhận tỷ lệ rơi rụng từ 25 - 30% trong năm đầu kinh doanh.

Giám đốc khối thương mại và văn phòng Tập đoàn Imperial Trần Thị Hoa Xim
Giám đốc khối thương mại và văn phòng Tập đoàn Imperial Trần Thị Hoa Xim

Mời gọi nhân sự tốt từ đối thủ cạnh tranh bằng một số lợi ích trực tiếp, trả tiền thẳng cho người lao động, chấp nhận quỹ lương bị đội lên cao hơn dự kiến… cũng là một trong những giải pháp được các DN lựa chọn. Riêng Tập đoàn Imperial chọn cách đào tạo nguồn lao động tại chỗ. Giải pháp này dù mất nhiều thời gian, tốn kém nhưng bền vững.

Tuy nhiên, đây không phải mô hình chung cho tất cả các DN du lịch. Tôi cho rằng, các DN trong ngành cần chung tay tìm giải pháp đào tạo nhân lực du lịch quốc tế cho lao động Việt Nam để cùng nhau phát triển bền vững. Điều này không chỉ giúp hóa giải “cơn khát” nhân lực, mà còn nâng cao vị thế nhân sự của Việt Nam đối với thị trường lao động quốc tế. Từ đó, góp phần quan trọng giúp ngành kinh tế xanh phát triển bền vững." - Giám đốc khối thương mại và văn phòng Tập đoàn Imperial Trần Thị Hoa Xim


GS Michael Palmer Đại học RMIT Việt Nam

GS Michael Palmer Đại học RMIT Việt Nam

"Ngành du lịch Việt Nam hiện chỉ có khoảng 3 - 4% nhân lực được đào tạo bài bản và đang thiếu hụt một lượng lớn nguồn nhân lực ở vị trí giám sát, quản lý cấp trung và cấp cao." - GS Michael Palmer Đại học RMIT Việt Nam

Theo Kinh tế đô thị