Nhà quản lý cần gì ở nhân viên?

“Các nhà quản lý doanh nghiệp mong muốn điều gì ở nhân viên?” là chủ đề buổi tọa đàm do Trung tâm Huấn luyện kỹ năng Việt Nhật tổ chức mới đây.

Nhà quản lý cần gì ở nhân viên?

Qua khảo sát nhanh, 3 câu trả lời được nhiều đại biểu lựa chọn nhất là “say mê nghề nghiệp” (65%), trung thực (63,8%), có tinh thần làm việc đội nhóm (60,2%). Đáng ngạc nhiên là câu trả lời “giỏi nghề” chỉ nhận được 32% ý kiến đồng tình.

Ông Lê Văn Hải, Giám đốc Công ty TMDV Vân Hải (quận Tân Bình, TP HCM), kể: “Tôi từng trả giá cho việc chỉ chăm chăm chọn nhân viên giỏi nghề. Những nhân viên này thường không muốn người khác hơn mình nên ý thức làm việc đội nhóm rất kém. Ngoài ra, vì họ luôn muốn chứng tỏ bản thân là ngôi sao sáng nhất trong vòm trời nên chẳng bao giờ chịu nhường nhịn ai. Kết quả là một rừng không thể có nhiều cọp, tôi chưa cho nghỉ việc thì họ đã tự ý ra đi”.

Một trường hợp khác xảy ra tại Công ty Đức Vinh (quận 11, TP HCM). Bà Lê Thị Hải Yến, trưởng phòng nhân sự, cho biết giám đốc công ty là người rất rộng lượng, vị tha. Khi nhân viên làm sai, nếu thẳng thắn thừa nhận sai sót, cam kết khắc phục thì ông không bao giờ để bụng. Ngược lại, nhân viên dù giỏi đến đâu mà khi có sai sót lại tìm cách đổ lỗi cho người khác hoặc viện cớ này nọ thì sớm muộn gì cũng phải ra đi.

Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Thế Nhân, Giám đốc Công ty Anh Quân (quận 1, TP HCM), nhận xét: “Nhà quản lý nào cũng cần nhân viên giỏi nhưng chỉ như vậy thì chưa đủ. Chúng tôi đánh giá cao nhất lòng say mê nghề nghiệp ở nhân viên bởi đó chính là xuất phát điểm cho những thành công sau này. Nếu có lòng say mê, họ sẽ có sáng tạo, luôn tìm tòi để công việc hôm nay tốt hơn hôm qua, ngày mai tốt hơn hôm nay.

Người có niềm say mê sẽ không dễ từ bỏ mà sẽ đứng dậy ngay sau mỗi lần thất bại, vấp ngã. Có được những nhân viên đầy đam mê nghề nghiệp là yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển”.

Về yếu tố “tinh thần làm việc đội nhóm”, theo bà Nguyễn Thị Trân Châu - giám đốc nhân sự một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại quận 7, TP HCM - đây không đơn thuần là sự hợp tác một cách máy móc theo sự phân công của sếp. Làm việc đội nhóm là sự bù đắp những khiếm khuyết cho nhau trong một tập thể để người này hỗ trợ người kia, phát huy mặt mạnh, hạn chế mặt yếu kém của một tập thể.

Làm việc đội nhóm đòi hỏi tinh thần nghĩa hiệp, sự hy sinh, bỏ qua cái tôi nhỏ nhặt của cá nhân mình. Có được những nhân viên như vậy, chắc chắn sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ được nâng lên rất nhiều.

Theo Nguyễn Đức Hùng/Báo Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm