Nhà báo “biết mình, biết người” để không ảo tưởng quyền lực
Nghề báo không phải là một nghề kiếm sống đơn thuần nên nhà báo cần “biết mình, biết người” để không mắc sai lầm do ảo tưởng về quyền lực. Trong giai đoạn hội nhập của đất nước, nhà báo đang đứng trước những thách thức rất lớn.
Sống bằng hào quang của quá khứ
Các nhà báo nước ngoài khi đến Việt Nam đều có vẻ “ghen tỵ” trước việc các nhà báo Việt Nam rất được trọng vọng. Các nhà báo được xã hội yêu mến, các quan chức vị nể, cảnh sát (đặc biệt là cảnh sát giao thông) ưu ái… Những điều này không biết do đâu mà có.
Trước đây có những thế hệ nhà báo sống và chiến đấu như người lính trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, đã có hàng trăm nhà báo ngã xuống trên chiến trường, họ được công nhận là liệt sĩ. Trong giai đoạn này, báo chí Việt Nam được công nhận là hoạt động có hiệu quả rất cao.
Trong giai đoạn đầu của cuộc đổi mới, báo chí cũng có những đóng góp đáng kể. Nhiều nhà báo xông xáo lăn lộn trong cuộc sống, chỉ ra những yếu kém của cơ chế, gợi ý những bước đi thích hợp. Với sự phản ánh trung thực, tận tâm của báo chí, sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước đã đạt được những kết quả khả quan, đưa đất nước thoát khỏi suy thoái, bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ.
Hiện nay, báo chí cũng góp phần đắc lực trong cuộc chiến chống tham nhũng. Nhiều vụ việc tiêu cực được báo chí phát hiện và phản ánh để cơ quan chức năng vào cuộc, phanh phui những sai phạm rất lớn về quản lý kinh tế, về lạm quyền, về “ban phát” chức tước… Báo chí được xem là một trong những “điểm tựa” niềm tin của nhân dân, là sức mạnh to lớn chống lại cái xấu, cái ác.
Tuy nhiên, hiện nay đã có một bộ phận nhà báo ảo tưởng về “sức mạnh vô biên” của báo chí. Họ cho phép mình có những hành động đi ngược lại tôn chỉ, mục đích; chức năng nhiệm vụ của cơ quan báo chí mà họ phụng sự. Điều này làm suy giảm sức mạnh của báo chí.
Những “căn bệnh” của báo chí
Do ảo tưởng của một số nhà báo, báo chí Việt Nam đã mắc một số “bệnh”. Căn “bệnh” dễ thấy nhất, phô bày ra thường xuyên là việc dễ dãi, nông cạn, nhàm chán trong việc đưa tin, viết bài về hoạt động giải trí liên quan đến các văn nghệ sĩ. Đây là vấn đề hấp dẫn, nhiều người quan tâm và có thể nói là khá dễ viết.
Vấn đề đặt ra là phải viết thế nào cho lịch lãm, sâu sắc thì nhiều nhà báo chỉ dừng lại ở mức ca ngợi một cách nhạt nhẽo, lặp đi lặp lại những câu khen cũ kỹ. Cái đấy đã chán nhưng chưa ngán ngẩm bằng việc các nhà báo săm soi văn nghệ sĩ ăn mặc như thế nào, nói năng những gì và giật những cái tít thật sốc. Kỳ lạ là họ nói mãi về “chân ngắn, chân dài” ăn mặc hở hang mãi mà không biết chán.
Một “bệnh” nữa cũng dễ nhận ra là sự gay gắt thái quá khi viết về những chính khách, doanh nhân mắc sai lầm, vướng rắc rối. Ở đây, một số nhà báo cho mình quyền phán xét quá lớn. Họ gần như thay mặt cơ quan điều tra, xét xử để buộc tội một số người mới bị nghi ngờ có sai phạm. Của đáng tội, dư luận xã hội rất mong muốn những kẻ tham nhũng, lừa đảo phải bị xử lý mạnh tay. Vì thế, các nhà báo cũng hơi chiều dư luận đâm ra “mắc bệnh”.
“Bệnh” thứ ba của báo chí liên quan đến kinh tế. Để tăng thu nhập, nhiều tòa soạn thực hiện những biện pháp dễ làm các nhà báo tha hóa như ép các doanh nghiệp phải ký hợp đồng quảng cáo, nếu không sẽ bị… “bêu xấu”. Một số nhà báo ngấm ngầm tống tiền các tổ chức, cá nhân. Những người bị lộ, bị bắt chỉ là số nhỏ mà thôi.
Từ những “bệnh” trên, báo chí lộ rõ một số yếu kém đáng tiếc. Đó là việc đưa tin sai, tin không chính xác về một số vụ việc quan trọng. Điều này làm giảm niềm tin của độc giả vào báo chí của nhân dân hiện nay. Việc một số cơ quan báo chí và nhiều nhà báo bị xử lý kỷ luật đã nói lên một số vấn đề nổi cộm của báo chí Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm nhất là việc liệu báo chí Việt Nam trong thời hội nhập có tỏ rõ được trình độ và bản lĩnh của mình hay không?
Hiểu đúng về tự do báo chí
Tự do báo chí là vấn đề người ta thảo luận hàng trăm năm rồi nhưng vẫn tiếp tục được bàn cãi. Các Mác đã nói về vấn đề này rất sâu sắc: Tự do báo chí, suy cho cùng, đấy là sự tự nhận thức. Tư tưởng này của Các Mác đến các nhà báo Mỹ cũng cho là hợp lý. Vậy thì các nhà báo Việt Nam cũng nên lấy điều này làm kim chỉ nam để hành nghề.
Khi nhà báo tự nhận thức, cũng là lúc nhà báo nghĩ về đạo đức nghề nghiệp của mình. Đạo đức nghề báo là một phạm trù có tính khoa học được hình thành trên cơ sở kết hợp đạo đức chung và lý luận về báo chí. Đạo đức mách bảo cho nhà báo lựa chọn các giá trị tinh thần và hành vi thích hợp trong hoạt động nghề nghiệp một cách chính xác bởi vì nó dựa vào lương tâm. Một khi nhà báo có lương tâm, anh ta tự đánh giá được hành động của mình phù hợp các tiêu chuẩn đạo đức của xã hội.
Việt Nam đã và đang trên con đường hội nhập với thế giới, báo chí cách mạng Việt Nam đang đổi mới để phát huy sức mạnh của mình.Trong quá trình này, vấn đề đạo đức nghề nghiệp còn được nâng lên ở mức cao hơn - Tiêu chuẩn thẩm mỹ nghề báo.
Phải nói ngay rằng, tất các các cơ sở đào tạo báo chí trên thế giới, không có cơ sở nào có môn học trực tiếp tạo ra những tiêu chuẩn thẩm mỹ nghề báo. Những tiêu chuẩn thẩm mỹ của nghề báo được hình thành trong quá trình tích hợp nội dung nhiều môn học, đặc biệt là các môn học chuyên ngành báo chí. Rồi khi ra trường, trong quá trình tác nghiệp, các nhà báo có lương tri hiểu và tự xây dựng cho mình những tiêu chuẩn thẩm mỹ.
Có thể nói, những tiêu chuẩn thẩm mỹ nghề báo được “chắt” ra từ những bộ luật và những bản quy tắc đạo đức nghề báo. Những tiêu chuẩn thẩm mỹ nghề báo được xây dựng dựa trên cái đẹp, hành động vì cái đẹp và tạo ra những vẻ đẹp.
Trong nghề báo, tiêu chuẩn thẩm mỹ đầu tiên là tôn trọng sự thực và thể hiện tính trung thực. Tiếp theo là đề cao trách nhiệm xã hội và đấu tranh vì cái thiện; tôn trọng các giá trị phổ quát và tính đa dạng của các nền văn hóa; chống chiến tranh và các tệ nạn khác; tôn trọng lợi ích tập thể, cộng đồng, quyền riêng tư và nhân phẩm con người; bảo vệ bí mật và an toàn của những người cung cấp thông tin; không đưa tin và hình ảnh một cách phản cảm; ủng hộ trật tự thông tin – truyền thông mới trên thế giới…
PGS-TS Đỗ Thị Thu Hằng - Phó Trưởng Khoa Phụ trách Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Nhóm nhà báo có hình ảnh xấu
Theo đánh giá cá nhân tôi: Một tỷ lệ lớn các nhà báo Việt Nam đã thực hiện được vai trò và sứ mệnh của mình đối với sự phát triển của xã hội Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn một số nhà báo ảo tưởng về quyền lực nghề nghiệp, thiếu hiểu biết, không chịu học hỏi, có cái tâm không sáng dẫn tới họ có những ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của người làm báo. Đây không đơn thuần ảnh hưởng xấu về hình ảnh báo giới Việt Nam, mà hơn thế, hiện tượng này dẫn tới các vụ việc đi ngược lại lợi ích của người làm báo chân chính và đi ngược lại lợi ích của xã hội. Có thể nhận diện 3 nhóm nhà báo có hình ảnh xấu như sau:
Nhóm 1: Có ý thức đúng đắn về vai trò, sứ mệnh báo chí, nhiệt tình, trách nhiệm nhưng hạn chế về năng lực chuyên môn, không có đủ khả năng đối mặt với những thách thức, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Nhóm 2: Có năng lực nhưng không chịu tự đào tạo, tự bồi dưỡng và rất tự mãn với những gì đã có, đặt “cái tôi” trên hết; có cách nhìn chủ quan, hời hợt và phiến diện trong nhận diện, phân tích sự kiện, vấn đề; thái độ sai dẫn đến cách nhìn phiến diện, chủ quan, thậm chí có tính định kiến, thể hiện trong cả tác phẩm báo chí của họ.
Nhóm thứ 3: Giỏi chuyên môn, sắc sảo trong nghiệp vụ báo chí, nhưng xao nhãng về trách nhiệm và dần dần dẫn tới là vô trách nhiệm trong nghề nghiệp. Họ sẵn sàng đi ngược lại chuẩn mực, bước qua các tiêu chí về lợi ích của quốc gia của dân tộc, của người dân. Họ sẽ dễ dàng chịu sự chi phối của các nhóm lợi ích, bẻ cong ngòi bút theo lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà đi ngược lại lợi ích của báo chí cách mạng Việt Nam.
Sứ mệnh của người làm báo rất cao quý, để đạt được các giá trị nghề nghiệp cao quý đó, sự nỗ lực là chưa đủ, cần có sự tỉnh táo sự kiên trì vượt qua những khó khăn gian khổ, cám dỗ.
Thành An (ghi)
Theo Nhà báo Hồ Bất Khuất - Tiến sĩ báo chí Trường Đại học Lomonosov/ Danviet.vn