Nguy cơ thất nghiệp “ngay trên sân nhà”

Hai điểm hạn chế nổi bật của lao động TP HCM nói riêng và cả nước nói chung là năng suất lao động thấp và thiếu kỹ năng mềm

Sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay đánh dấu bước hội nhập toàn diện về kinh tế giữa các nước Đông Nam Á khi xây dựng một thị trường thông thương tự do về hàng hóa và lao động. TP HCM có thể đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt về nguồn nhân lực.

Để tránh nguy cơ nhiều người lao động sẽ thất nghiệp “ngay trên sân nhà”, thị trường lao động TP cần có sự chuẩn bị và những thay đổi phù hợp với tình hình mới. Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC): Cơ hội và thách thức cho thị trường lao động TP HCM” diễn ra ở TP HCM mới đây.

Nhiều thuận lợi

Theo số liệu thống kê năm 2014, lực lượng lao động tại TP HCM là 4.190.525 người, chiếm 51,79% tổng dân số. Là trung tâm kinh tế của cả nước, tập trung nhiều doanh nghiệp lớn và có ưu thế về giáo dục, đào tạo nên TP thu hút được nhiều nguồn lao động đa dạng, đặc biệt là lao động có tay nghề cao trong khu vực dịch vụ.

Hiện trên địa bàn TP có 54 trường đại học, 25 trường cao đẳng, 26 trường trung cấp cùng 360 cơ sở dạy nghề, đào tạo trên 300.000 lao động mỗi năm. Nguồn nhân lực đã qua đào tạo dồi dào là một lợi thế cạnh tranh khi tham gia AEC.

Nâng cao năng suất cho người lao động là điều mà các chuyên gia trăn trở tại hội thảo

Nâng cao năng suất cho người lao động là điều mà các chuyên gia trăn trở tại hội thảo

Ông Lê Văn Kiệm, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Nghiệp vụ Tôn Đức Thắng, cho rằng thị trường lao động TP HCM vận hành theo cơ chế thị trường khá sớm, cung - cầu lao động đều lớn. Nhiều lao động trẻ, dễ thích nghi với các ngành nghề mới, cạnh tranh cao.

Tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp của TP HCM luôn ở mức cao hơn trung bình cả nước, cụ thể năm 2014 đạt 69,9% (so với 38%). Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, lao động trên địa bàn TP đang có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Số đã qua đào tạo ngày càng có chất lượng cao hơn.

Sinh viên và thanh niên đã bắt đầu có nhận thức rõ hơn về định hướng nghề nghiệp, chuẩn bị tốt cho công cuộc hội nhập quốc tế.

Thách thức cũng lớn

Dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy sự ra đời của AEC sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng tưởng GPD của Việt Nam thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5% vào năm 2025. Với việc có khoảng 270.000-300.000 lao động tìm việc hằng năm, gia nhập AEC sẽ giúp TP HCM giải quyết được vấn đề đầu ra việc làm, giảm tỉ lệ thất nghiệp.

Ngoài ra, với vị thế là trung tâm kinh tế, văn hóa hàng đầu cả nước, TP HCM có cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng du lịch và thương mại.

Bên cạnh những cơ hội có thể đạt được, hội thảo cũng nêu ra những thách thức mà thị trường lao động TP cần sớm có biện pháp giải quyết để không tụt hậu so với các nước trong khu vực. Theo các chuyên gia, 2 điểm hạn chế nổi bật của lao động TP nói riêng và cả nước nói chung là năng suất lao động thấp và thiếu những kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, khả năng ngoại ngữ…

Các đại biểu nêu thực tế: “Năng suất lao động của người Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 so với Thái Lan”.

Từ những thách thức trên, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng lao động TP HCM. Đầu tiên, phải đổi mới phương pháp quản lý cũng như các chính sách, cơ chế phát triển nguồn nhân lực.

Song song đó, tăng cường xuất khẩu lao động đến các nước phát triển, quan tâm đến quyền lợi và đời sống người lao động. Ngoài ra, cần đẩy mạnh cải cách toàn diện nền giáo dục qua quy hoạch tổng thể việc dạy nghề, nâng cao giảng dạy ngoại ngữ, liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp. Về phía người lao động, nên có ý thức chủ động nâng cao tay nghề và hoàn thiện kỹ năng mềm.

Phải có chiến lược đào tạo. “Cần tạo sự liên kết sâu rộng giữa doanh nghiệp và nhà trường, cơ sở dạy nghề; có chiến lược đào tạo lao động phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc, làm quen với công việc ngay năm đầu tiên vì mô hình thực tập năm 3, năm 4 của các trường đại học Việt Nam là quá trễ” - bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Talentnet, đề xuất.

Theo Báo Người lao động