Người trên 70 tuổi đi làm dần phổ biến ở tại Nhật Bản
Gần đây, những người trên 70 tuổi làm việc đang dần trở nên phổ biến tại Nhật Bản.
Chính sách hỗ trợ người cao tuổi làm việc của Chính phủ được đánh giá có vai trò "xương sống" để tạo môi trường thuận lợi cho người cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe, nhằm giảm gánh nặng an sinh xã hội.
Ông Miyawaki ở thị trấn Hino, tỉnh Tottori, đã chọn cho mình một công việc khá nặng nhọc so với tuổi 75 của mình, nghề thợ rèn. Người trẻ trong vùng thường tìm đến khu vực trung tâm như Osaka để lập nghiệp, nên tại thị trấn Hino không hiếm những người già làm những công việc nặng nhọc như ông Miyawaki.
Ông Toshiyuki 76 tuổi, tỉnh Shizuoka và vợ của mình đã quyết định đầu tư một trang trại rộng 1500 mét vuông, trồng rau theo công nghệ hiện đại. Trang trại này đã hoạt động được 8 năm, kể từ sau khi ông Toshiyuki nghỉ hưu.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ Nhật Bản, cứ 10 lao động, lại có 1 người trên 65 tuổi, người cao tuổi tham gia thị trường lao động ở quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang thúc đẩy các dự luật cho phép người lao động làm việc suốt đời dựa trên khả năng về sức khỏe và nhiều biện pháp khác để giữ những người 70 tuổi tiếp tục làm việc.
Nhật Bản cũng đang cân nhắc một lựa chọn mới cho phép trì hoãn nhận lương hưu đến năm 75 tuổi. Những trung tâm giới thiệu việc làm cho người trên 65 tuổi, hoạt động bằng ngân sách nhà nước và trực thuộc đơn vị hành chính, như một giải pháp hỗ trợ người cao tuổi làm việc
Trung tâm giới thiệu việc làm quận Shibuya là một trong hơn 1300 trung tâm giới thiệu việc làm cho người cao tuổi trên cả nước. Hàng tháng trung tâm này giới thiệu việc làm cho khoảng 700 người và thu nhập hàng tháng của mỗi hội viên khoảng 40.000 Yen, tương đương 400 USD.
Dân số già hóa nhanh đã khiến chi tiêu an sinh xã hội tăng vọt, chiếm 1/3 tổng chi tiêu của Chính phủ trong tài khóa trước. Nhật Bản đang hướng đến cấu trúc kinh tế xã hội để phù hợp với mô hình cuộc sống 100 năm.
Theo VTV.VN