Kiên Giang:

Người thương binh nửa đêm bật dậy lo “chỗ nằm” cho người nghèo xấu số

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Năm 1989, ông Trần Trung Trực đến đảo Phú Quốc làm đủ nghề để nuôi 3 đứa con ăn học. Dù vất vả việc mưu sinh nhưng khi có người nghèo cần quan tài chôn cất, ông bật dậy đi ngay, dù là nửa đêm.

Cầm súng ở ...tuổi 15

Tháng 2/1967, cậu học sinh Trần Trung Trực mới 15 tuổi nhưng nghe lời kêu gọi của Đảng, thiếu niên Trung Trực trốn gia đình theo bộ đội đánh giặc. Khi nhập ngũ, Trực được nhận vào tiểu đoàn U Minh 2, Cà Mau, do Trực nhỏ tuổi nên Chỉ huy giao nhiệm vụ làm anh nuôi, giấu quân dụng suốt 6 tháng liền mới cho ra chiến trường cầm súng.

Ông Trực kể: “Lần đầu tiên được cầm súng đánh giặc là trận đánh năm 1968. Từ căn cứ, quân ta phải đi xuồng hơn 40km mới đến gần thị xã Cà Mau. Sau đó, lực lượng ta giấu xuồng và đi bộ áp sát địch, chờ lệnh nổ súng. Khi có lệnh, tôi và đồng đội xông lên. Nhưng rất tiếc, tôi bị miểng cối trúng vào lưng, nằm bất động ngay sau đó”.

Người thương binh nửa đêm bật dậy lo “chỗ nằm” cho người nghèo xấu số - 1

Thương binh Trần Trung Trực có hơn 20 năm qua hết lòng với công tác chăm lo cho người nghèo

Đồng đội thay nhau cõng ông thoát khỏi vòng vây của địch. Khi địch áp sát quá, ông đề nghị chỉ huy giấu ông và các chiến sĩ bị thương vào cái hố, sau đó phủ cỏ lên để tránh quân địch phát hiện. Trận chiến quá ác liệt, khi tiếng súng yên lặng, đồng đội đã quay trở lại cứu sống ông và nhiều thương binh khác.

Theo ông Trực, trận chiến đánh vào thị xã Cà Mau năm 1968 dù quân ta bị tiêu hao nhiều nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đó là góp phần buộc các bên ngồi lại và hiệp định Paris ra đời. Đúng như câu nói của Bác: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.

Người thương binh nửa đêm bật dậy lo “chỗ nằm” cho người nghèo xấu số - 2

Trong thời gian cầm súng diệt giặc, bản thân ông Trung Trực kiên cường nên giành nhiều chiến công 

Ông Trực mất 6 tháng điều trị vết thương. Khi vết thương khỏi, ông tiếp tục cùng đồng đội ôm súng tiêu diệt Sư đoàn 21 tại Nhà Phấn, tham gia trận đánh ở Vàm Cống (Gành Hào, Cà Mau). Khi tham gia những trận đánh này, thân thể ông mắc thêm nhiều vết thương ở cổ, lưng và gãy tay…

Đến 1973, ông được đi học lớp y sỹ ở quân Khu 9. Sau khi học xong ông Trực được phân công qua nhiều đơn vị và chiến đấu. Đến năm 1975, ông rút về tiểu đoàn huấn luyện nghĩa vụ Cà Mau.

Người thương binh nửa đêm bật dậy lo “chỗ nằm” cho người nghèo xấu số - 3

Tấm hình khi ông Trực qua nước bạn Campuchia, giúp người dân diệt Pôn Pốt vào những năm 1978 -1979

Năm 1978, ông tham gia quân tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn Campuchia diệt chế độ Pôn Pốt. Dù 2 năm vất vả tham gia chiến trường ở Campuchia nhiều gian khổ và nguy hiểm.

Khi hoàn thành nghĩa vụ trên đất bạn Campuchia, thương binh Trần Trung Trực về tỉnh đội Cà mau công tác đến năm 1989 thì ông xin nghỉ hưu, do sức khỏe không đảm bảo công tác (thương binh 2/4 và bị ảnh hưởng chất độc da cam). Sau đó, ông Trực đưa cả gia đình ra đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) lập nghiệp.

20 năm lo cho người nghèo

Vợ chồng thương binh Trần Trung Trực đặt chân trên đảo Phú Quốc với đôi bàn tay trắng nên ông Trực làm đủ thứ nghề để sống, như: Chạy xe ôm, hớt tóc, ngư dân. Dù làm nhiều nghề, ông Trực vẫn không đủ tiền lo cho 5 miệng ăn.

Sau đó ông tận dựng đất hoang để trồng thêm hòa màu. Vợ ông vay tiền mở tiệm tạp hóa buôn bán. Nhờ đó kinh tế gia đình dần ổn định, nuôi 3 người con ăn học đàng hoàng. Một người con làm ăn kinh tế bên ngoài, hai người con còn lại đều là cán bộ, lãnh đạo ở xã Hàm Ninh.

Ông Trực kể lại, trong những ngày đầu đặt chân lên đảo Phú Quốc mặc dù cuộc sống bộn bề khó khăn nhưng ông đã đến UBND xã Hàm Ninh xin tham gia vào Hội chữ thập đỏ công tác và được bầu giữ chức Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Hàm Ninh từ đó cho đến nay.

Người thương binh nửa đêm bật dậy lo “chỗ nằm” cho người nghèo xấu số - 4

Hễ nghe hoàn cảnh nào khó khăn là ông Trực đến tìm hiểu để vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ

Lý do ông tham gia công tác Hội chữ thập đỏ như một cách trả ơn đồng đội đã cứu sống ông khi cái chết cận kề. Hơn nữa, khi bươn chải mưu sinh, ông Trực nhận ra quanh ông còn nhiều người dân nghèo cần giúp đỡ; nhiều hộ nghèo bệnh tật, chẳng biết bám víu vào ai.

Vậy là ông Trực cùng các thành viên trong Hội bắt đầu đi vận động tiền, gạo, quần áo thậm chí cả quan tài cho người nghèo khi chết. Theo ông Trực, trong cách làm, phải thật tâm, rõ ràng trong quản lý chi thu tài chính. Từ đó bà con, các mạnh thường quân tin tưởng sẵn sàng hỗ trợ quỹ Hội, chung tay giúp người nghèo.

Người thương binh nửa đêm bật dậy lo “chỗ nằm” cho người nghèo xấu số - 5

Nhiều năm qua, ông Trực phối hợp với các mạnh thường quân lập "cửa hàng quần áo 0 đồng"; bếp cơm từ thiện, cây gạo ATM cho người nghèo...

Bà Tô Thị Thảnh - vợ thương binh Trần Trung Trực, chia sẻ: “Có nhiều người hỏi tôi có phiền hà chồng không, vì họ thấy ông chồng đi suốt; đêm hôm không ngủ yên vì người nghèo gọi xin tiền chuyển viện, xin hòm chôn cất…Ai gọi là ông bật dậy đi ngay, bất kể lúc đó là mấy giờ. Tôi biết công việc của chồng là việc nghĩa, là những việc nên làm giúp bà con nên tôi còn động viên con cái, người thân ủng hộ để chồng chuyên tâm giúp bà con nghèo nhiều hơn”.

Ông Trực cho biết, công tác chăm lo người nghèo có kết quả tốt là nhờ nhiều mạnh thường quân hỗ trợ, trong đó, đơn cử như bà Trần Thị Hồng - xã Hàm Ninh, sẵn sàng hỗ trợ 5-7 triệu đồng để người nghèo chết có hòm chôn cất; bà Hồng còn lập bếp ăn từ thiện phát trên 2.000 suất cơm (vào ngày 15 và 30 hàng tháng); làm cây ATM gạo cho người nghèo trong trận dịch Covid-19 vừa qua…

Ngoài ra, con bà Hồng phối hợp với Hội chữ thập đỏ xã lập “cửa hàng quần áo 0 đồng” để bà con nghèo đến nhận quần áo miễn phí.

Người thương binh nửa đêm bật dậy lo “chỗ nằm” cho người nghèo xấu số - 6

Ngoài việc vận động giúp người nghèo, bản thân thương binh Trần Trung Trực còn hỗ trợ hòm từ thiện cho người nghèo vắng số

Bà Nguyễn Kim Tới - Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh chia sẻ: “Mặc dù chú Trực tuổi cao, tuy nhiên với công tác chăm lo cho bà con nghèo, chú rất nhiệt tâm, sẵn sàng hỗ trợ bà con hết mình. Trong việc vận động, chú xin ý kiến Ủy ban về cách làm, cách vận động quỹ. Còn trong việc quản lý quỹ, chú Trực quản lý chặt chẽ, đâu đó công khai minh bạch. Những những việc của chú không chỉ mang ý nghĩa giúp người nghèo bớt khổ mà con làm lan tỏa tình người trong cộng đồng dân cư. Qua đó, giúp bà con, cán bộ, xóm ấp gần gũi thân thiện, yêu thương đoàn kết nhau hơn”.

Theo báo cáo 5 năm mới đây của Hội chữ thập đỏ xã Hàm Ninh, thời gian qua Hội đã vận động trên 4,8 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với Nghị Quyết. Nhiều năm qua, Hội chữ thập đỏ xã Hàm Ninh duy trì hoạt động nhân đạo “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”. Hoạt động này, Hội vận động trên 1,1 tỷ đồng, tặng 1.780 suất quà cho người dân. Ngoài ra, Hội còn duy trì hoạt động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và Hội vận động hơn 1,9 tỷ đồng; trong đó giúp hàng trăm em học sinh có hoàn cảnh khó khăn an tâm đến trường.

Thương binh Trần Trung Trực hiện còn là Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Hàm Ninh. Hiện nay có 131 hội viên, trong đó có 21 cựu chiến binh, thương binh khó khăn nhưng địa phương đã vận động cất nhà tình nghĩa 19 căn; 01 trường hợp đất nằm trong qui hoạch, hộ còn lại thì không có nhu cầu cất nhà. Để giúp hội viên khó khăn có vốn làm ăn, Hội cựu chiến binh xã Hàm Ninh góp vốn xoay vòng, đến nay số quỹ trên cả 100 triệu đồng.