1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Người tài sang làm công chức và hệ lụy buồn

Người giỏi về chuyên môn thì được đưa sang các cơ quan quản lý, nhưng tiếc thay cách làm ấy lại khiến tài năng của họ bị thui chột, mai một

Câu chuyện tranh luận tại nghị trường Quốc hội về nhân tài trong bộ máy Nhà nước đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho biết, ở quốc gia nào cũng vậy, các tiêu chí đối với công chức thường là: tính kỷ luật, trung thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và tôn trọng pháp luật.

"Không thể đòi hỏi tất cả công chức trong bộ máy Nhà nước phải thông minh, tài giỏi. Chỉ cần họ làm đúng quy định, trung thành, kỷ luật và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, không lợi dụng vị trí, chức vụ của mình để kiếm chác, lợi dụng của công để ăn chia, hối lộ, tham ô... đã là rất tốt", GS Phố nói. 

Người tài sang làm công chức và hệ lụy buồn - 1
Công chức phải làm đúng quy chuẩn, quy chế và phải làm tốt công việc của mình

Ông không phủ nhận trong lực lượng công chức có những người giỏi vượt trội và những người ấy cần được vun xới để tài năng của họ phát triển.

Muốn vậy, đầu tiên, phải đảm bảo cho những người này một đời sống tốt, tất nhiên không tạo ra sự chênh lệch, cách biệt quá so với những công chức khác.

Yếu tố quan trọng hơn là phương tiện làm việc, ê-kíp hỗ trợ, bởi dù lương cao, nhà đẹp đến đâu nhưng người tài không có phương tiện làm việc cũng bất lực.

GS.TSKH Phạm Phố chỉ ra thực tế, nhiều người tài được đào tạo ở nước ngoài rất giỏi, nếu họ ở lại nước ngoài  thì có phương tiện làm việc, có phòng thí nghiệm, họ có thể có nhiều phát minh cống hiến cho xã hội. Khi những người này về nước, họ được ưu đãi cấp nhà, lương cao..., nhưng không có phương tiện, không có phòng thí nghiệm nghiên cứu thì cuối cùng tài năng của họ cũng sẽ bị mai một.

Rõ ràng, Việt Nam mới chỉ đáp ứng được yêu cầu đầu tiên, còn những yêu cầu quan trọng về sau lại chưa thể đáp ứng. Hệ quả là, bản thân những người đó sinh chán nản, mà Nhà nước cũng không nhận được gì bởi họ không làm được việc.

Nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cũng đồng tình với quan điểm cho rằng, người giỏi về khoa học, chuyên môn không nên đưa lên làm quản lý.

"Sai lầm ở xã hội ta hiện nay là người giỏi về chuyên môn thì được thăng quan tiến chức, đưa sang các cơ quan quản lý, nhưng tiếc thay cách làm ấy lại khiến tài năng của họ bị thui chột, mai một. Nhiều cán bộ cứ nghĩ đó là hình thức ưu đãi đối với người tài nhưng không phải. Ưu đãi thì phải làm sao để người tài phát huy được năng lực nhiều nhất, cống hiến nhiều nhất cho xã hội, được xã hội thừa nhận.

Ở các nước, hệ quản lý tách riêng, gồm những người được đào tạo về luật, hành chính, còn người giỏi khoa học, chuyên môn thì cứ để họ làm chuyên môn, để họ phát huy tài năng của mình trong lĩnh vực đó", GS.TSKH Phạm Phố chỉ rõ.

Vị chuyên giacho rằng, mỗi con người tài giỏi hay không đều được thể hiện rõ qua các cuộc thi cử, dù ở chế độ nào. Nhưng ở Việt Nam còn có tình trạng  thấy người tài, xuất sắc thì tìm cách vùi dập.

"Bồi dưỡng nhân tài là trách nhiệm đối với xã hội để cho tài năng ấy phát triển, cống hiến cho xã hội. Nhưng trong xã hội vẫn có hiện tượng không muốn ai hơn mình và tìm cách hạ người tài xuống. Hiện tượng ấy không chỉ xuất hiện  trong lĩnh vực sản xuất, hành chính, mà trong giới trí thức, các trường đại học, viện nghiên cứu... Đó là điều tối kỵ", GS Phố nói.

Từ những phân tích trên, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn một lần nữa nhấn mạnh, để thu hút người tài vào bộ máy nhà nước, quan trọng nhấ là đào tạo ra đúng hệ thống. Người học quản lý thì ra làm quản lý, người nghiên cứu ra làm nghiên cứu, công nhân thì trực tiếp làm việc với máy móc, người nông dân đứng trên vườn tược, đồng ruộng của mình...

"Phải phân công cho đúng với khả năng, chuyên môn của mỗi người.. Đừng thấy người tài, làm được là đưa lên làm quản lý, thế là sai lầm", GS.TSKH Phạm Phố khẳng định.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ gửi đến Quốc hội, trong tổng số 469.035 công chức được đánh giá có 13.573 người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 28,27%.

Hoàn thành tốt nhiệm vụ là 320.660 người (68,37%); 2.694 người (0,57%) không hoàn thành nhiệm vụ và 2.422 công chức chưa được đánh giá.

Đáng chú ý, có 10.686 công chức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực, chiếm tỷ lệ 2,28%.

So với báo cáo gửi đến Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5, con số công chức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực tăng gần gấp đôi. Báo cáo được gửi tới kỳ họp thứ 7 của Quốc hội diễn ra hồi tháng 5 cho thấy có 6.732 người hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực, chiếm 2,36%.

Theo Thành Luân/Báo Đất Việt