Người phụ nữ biến đất cằn thành trang trại tiền tỷ
Bằng sự chịu khó và tính toán nhạy bén, chị Thơ đã tạo lập được trang trại quy mô, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Với suy nghĩ “Người yêu đất, đất không phụ người”, chị Phùng Thị Thơ, ở thôn Vật Lại, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội đã mạnh dạn nhận thầu 12 ha đất đồi trống cằn cỗi để xây dựng mô hình kinh tế trang trại vườn-ao-chuồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động với thu nhập ổn định.
Chị Phùng Thị Thơ là 1 trong 100 phụ nữ tiêu biểu toàn quốc sẽ được vinh danh trong Chương trình Tự hào phụ nữ Việt Nam nhân Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII sắp tới.
Đến thăm trang trại của chị Phùng Thị Thơ, bà chủ trang trại vừa thoăn thoắt làm việc, vừa chia sẻ, là nông dân thuần túy, nguồn thu chính để nuôi bố mẹ già và 3 con nhỏ ăn học chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Năm 2010, khi địa phương có chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế hộ nông nghiệp, gia đình chị Thơ đã mạnh dạn nhận thầu 12 ha đất đồi trống cằn cỗi theo hình thức khoán 50 năm của xã Vật Lại.
Lúc đó, tài sản duy nhất và cũng là lớn nhất của gia đình chị là 1 con trâu. Chính "đầu cơ nghiệp" ấy đã gắn bó cùng chị suốt những năm khai hoang, vỡ đất. Vất vả không kể siết, nhưng với suy nghĩ “Người yêu đất, đất không phụ người” nên chị quyết tâm mua sách về tự mày mò, nghiên cứu, ở đâu có mô hình làm kinh tế trang trại hiệu quả là chị tìm đến học hỏi kinh nghiệm.
“Ban đầu chưa biết nuôi gà nên gia đình trồng đậu, đến tháng tư đậu ra nhiều quả ở cả 2 mảnh đồi khiến việc thu hoạch rất khó khăn. Sau đó, gia đình lại trồng củ đậu để lấy tiền trả cho nhân công, lấy tiền chăm cây bưởi, chăm cây nhãn...Trước những khó khăn ban đầu, bản thân luôn phải xem, nghe báo đài để biết thông tin thị trường, mô hình chăn, nuôi cũng như thông tin tiêu thụ”, chị Thơ bày tỏ.
Sau khi chị Thơ cùng gia đình xây dựng mô hình kinh tế theo hướng trang trại vườn-ao-chuồng, đã không ít lần, bản thân chị và gia đình nản chí muốn bỏ cuộc. Nhưng được sự động viên của Hội Liên hiệp phụ nữ, Chi hội Nông dân xã Vật Lại, tạo điều kiện cho chị được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu, chị đã kiên trì, khắc phục khó khăn, không ngừng tích lũy kinh nghiệm.
Sau những tháng ngày vất vả, thành quả mà gia đình chị Phùng Thị Thơ đạt được là những vạt đồi phủ kín cây xanh, là những màu vàng mỗi độ cây vào mùa trái chín.
Hiện, mô hình trang trại của chị Thơ đạt quy mô trên 12 ha, với 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản; 11 ha vườn trồng hơn 1.000 cây bưởi Diễn, 1.000 cây nhãn, 600 cây mít, 20 vạn gốc dứa và 1.000 m2 chuồng trại nuôi các loại gia súc, gia cầm đặc sản như nhím, lợn rừng, 800 gà thả đồi, cho tổng doanh thu 4,5 - 5 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí bình quân thu nhập đạt hơn 1 tỷ đồng/năm.
“Trước đây cũng đông nhân công lao động nhưng giờ tôi thực hiện tự động hóa, đầu tư máy đào gốc, chặt rễ cây, máy bón phân… Bên cạnh đó, nhờ theo dõi thông tin thị trường, thấy cây nhãn Hương Chi vừa ngọt vừa thơm nên đã phát triển và được thị trường chấp nhận”, chị Thơ cho biết.
Với những người có nhu cầu học tập kinh nghiệm nuôi trồng, chị Thơ đều tận tình giúp đỡ về vốn, kỹ thuật, vật tư để sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Chị cũng đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động với thu nhập ổn định từ 3 - 7 triệu đồng/tháng..Gia đình chị còn chủ động nhận giúp đỡ một số hộ nghèo về vốn, việc làm để phát triển sản xuất, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chị Nguyễn Thị Hà, thôn Vật Lại, xã Vật Lại, huyện Ba đã 7 năm làm việc tại trang trại cho biết, ngoài việc tạo điều kiện người dân có công ăn việc làm, chị Thơ còn tạo điều kiện cho chị em làm ruộng, chăn nuôi tại gia đình. Chị Thơ nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm với những người có trang trại đến học hỏi cách trồng cây ăn quả và nuôi gia súc gia cầm…
Thành công từ mô hình kinh tế trang trại vườn-ao-chuồng, gương làm giàu của gia đình chị Phùng Thị Thơ đã trở thành tấm gương cho những hộ dân trong vùng học tập và làm theo.
Theo VOV.VN