1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thanh Hóa:

Người Mường ở Bá Thước kiếm hàng chục triệu mỗi năm nhờ cây quýt hôi

Bình Minh

(Dân trí) - Những cây quýt hôi có niên đại cả trăm năm tuổi đã cho người dân xứ Mường ở huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Cây quýt hôi là loài cây bản địa, có nguồn gốc tại vùng núi cao của huyện Bá Thước. Quýt hôi được biết đến là một vị thuốc quý và gia vị tạo hương thơm đặc biệt cho một số món ăn.

 Từ khi lớn lên, nhiều người dân trong vùng đã phát hiện có loại cây này phát triển ở rừng, xen lẫn với các loài tre, luồng. Cây thường cho quả vào mùa đông - xuân (từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 1 năm sau).

Người Mường ở Bá Thước kiếm hàng chục triệu mỗi năm nhờ cây quýt hôi - 1

Có những vườn quýt có độ tuổi cả trăm năm

Anh Ngân Văn Chàng, người Mường tại Bản Phả Ban, xã Thành Sơn cho biết: "Lớn lên tôi đã thấy có giống cây quýt này mọc trong rừng. Sau này, thấy giá trị kinh tế nên người dân dùng hạt để ươm mầm và nhân rộng giống. Quýt hôi có vị ngọt thanh, thơm mát đặc trưng, vỏ quýt còn được dùng để trị bệnh ho, lá quýt thì được làm hương liệu cho một số món ăn, nhất là món kho của người dân miền núi huyện Bá Thước".

Người Mường ở Bá Thước kiếm hàng chục triệu mỗi năm nhờ cây quýt hôi - 2

Quả quýt hôi được người dân thu hoạch từ tháng 11 âm lịch đến hết tháng 1 năm sau.

"Vụ quýt vừa rồi tại các đồi, vợ chồng tôi thu hoạch trong khoảng 2 tháng, thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Hàng năm vào vụ thu hoạch ở bản Phả Ban rất nhộn nhịp vì đa số các hộ gia đình trên này đều có những gốc quýt hôi đã rất nhiều năm, thương lái thường tìm đến để thu mua, có những người còn muốn đặt tiền trước" - Chị Ngân Thị Phiều, người dân bản Phả Ban cho biết.

Người Mường ở Bá Thước kiếm hàng chục triệu mỗi năm nhờ cây quýt hôi - 3

Mỗi vụ người dân thu hoạch kiếm hàng chục triệu đồng.

Được biết, tổng diện tích cây quýt trên địa bàn huyện Bá Thước hiện nay khoảng 60 ha, trong đó gần 50 ha được trồng tập trung chủ yếu tại các xã Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Cao, số còn lại được trồng rải rác ở các xã Cổ Lũng, Lũng Niêm.

Tuy là loài cây dễ tính, nhưng do trong một thời gian dài bị lãng quên, ít được chăm sóc, đất đai bị thoái hóa, bạc màu, chất lượng giống thấp nên loại cây này bị thu hẹp dần diện tích. Những năm gần đây, trong quá trình lựa chọn, phát triển các sản phẩm đặc trưng, cây quýt hôi bản địa đã được huyện Bá Thước quan tâm phục tráng bằng cách dùng hạt để ươm cây, nhân rộng giống.

Người Mường ở Bá Thước kiếm hàng chục triệu mỗi năm nhờ cây quýt hôi - 4

Có một số vườn quýt sản lượng trên 10 tấn/năm, cho thu nhập 150-180 triệu đồng/ha/năm.

Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Bá Thước, trong những năm gần đây, quýt hôi có giá trung bình khoảng 12.000-15.000 đồng/kg; 1 ha quýt cho sản phẩm bình quân toàn huyện 6 tấn/năm, cho thu nhập 90 triệu đồng/ha/năm; đặc biệt có một số vườn quýt sản lượng trên 10 tấn/năm, cho thu nhập 150-180 triệu đồng/ha/năm.

Để khôi phục và phát triển giống quýt này, huyện Bá Thước đã lồng ghép các chính sách hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững (135, 30a) hỗ trợ cho nông dân cây giống, phân bón để phát triển cây quýt hôi trên địa bàn.

Người Mường ở Bá Thước kiếm hàng chục triệu mỗi năm nhờ cây quýt hôi - 5

Thời gian tới, huyện Bá Thước sẽ sử dụng nguyên liệu từ quả quýt để xây dựng sản phẩm OCOP như trà quýt, siro quýt...

Bên cạnh đó, UBND huyện đã phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa nghiên cứu, lựa chọn trình UBND tỉnh công nhận 6 cây giống đầu dòng; thực hiện đề tài "Phục hồi và phát triển giống quýt hoi trên địa bàn huyện Bá Thước" thuộc nguồn vốn khoa học công nghệ.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bá Thước cho biết, trong thời gian tới, huyện Bá Thước tiếp tục thực hiện việc mở rộng diện khoảng 10 ha trong năm 2021, bảo tồn nguồn gen, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào việc chọn tạo và sản xuất giống cây đạt chất lượng và đưa cây quýt vào phát triển trong các hộ gia đình nhằm mở rộng quy mô cả về diện tích lẫn chất lượng, góp phần ổn định đời sống cho người dân.

Ngoài ra, sẽ sử dụng nguyên liệu từ quả quýt xây dựng sản phẩm OCOP trong năm 2021 như các sản phầm trà quýt, siro quýt, quýt ngâm rượu, nước rửa chén…