Người lao động nghèo lao đao giữa “cơn bão” dịch Covid-19
(Dân trí) - Dịch Covid-19 bùng phát trở lại, người lao động tự do là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Cuộc sống những ngày này của người lao động nơi xóm trọ sau chợ Long Biên (Hà Nội) là một ví dụ.
Chịu khổ để dành dụm
Phía sau chợ Long Biên phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội), xóm trọ hiện có khoảng 70 phòng trọ lụp xụp. Khách thuê trọ là những người lao động nghèo muốn tìm chỗ trú ngụ qua ngày để mưu sinh.
Xóm trọ không tên, các phòng trọ ở đây cũng chỉ được dựng tạm bợ từ những tấm tôn, mảnh bạt.
Chị Nguyễn Thị Toàn quê ở Phú Cường, Ba Vì, Hà Nội, một khách thuê trọ ở đây cho biết, căn phòng trọ rộng chưa đầy 10 m2 chị thuê với giá 1,5 triệu đồng/tháng gồm có giường ngủ, bếp và khu vệ sinh thông nhau.
“Mấy ngày vừa qua, Hà Nội mưa to, nước mưa trộn lẫn nước cống đen ngòm, kéo theo rác thải tràn cả vào phòng. Vợ chồng tôi nơm nớp lo nếu gió to khéo bay luôn cả phòng” - chị Toàn kể.
Điều kiện sống tồi tàn, đang cảnh dịch bệnh hành hoành, nhưng chị Toàn cũng như nhiều khách trọ ở đây vẫn phải trả đủ tiền thuê hàng tháng.
Với giá thuê 1,2 triệu đồng/tháng, căn “lều” của anh Bùi Văn Khuê quê ở Thanh Hà, Hải Dương rộng vỏn vẹn 8 m2. Anh Khuê phải tự thiết kế một vách tường bạt ngăn đôi nhà vệ sinh với bếp.
Theo lời anh Khuê, khách thuê trọ ở đây vẫn gọi vui với nhau những căn phòng ở đây là “lều trọ”. Ở khu vực gần trung tâm của Hà Nội, họ cũng chẳng biết tìm đâu được chỗ nào rẻ hơn để thuê.
Về quê thì không biết làm gì để kiếm sống nên những người lao động nghèo vẫn cố gắng bám trụ ở phố phường trong những căn phòng trọ tồi tàn để mưu sinh qua ngày.
“Mình ở đây chịu khổ một chút nhưng có đồng ra đồng vào, dành dụm gửi về cho các con ăn học nên điều kiện sống có khổ hơn nữa thì cũng phải ở” - anh Khuê tâm sự.
Gồng mình trong mùa dịch
Dịch Covid-19 bùng phát, những người ở xóm trọ nghèo không tên lại càng thêm chật vật, khó khăn.
Là người nhiều tuổi nhất khu trọ, bà Nguyễn Thị Thìn 85 tuổi (quê ở huyện Từ Liêm cũ, Hà Nội) đã ở khu trọ này suốt 20 năm qua. Không nhà cửa, không người thân. Hàng ngày, bà Thìn đi quanh chợ Long Biên để nhặt ve chai bán kiếm sống.
“Mỗi ngày tôi nhặt được ve chai bán kiếm 10.000 - 15.000 đồng, dành ra mua rau, hôm nào khá hơn một chút thì có thêm quả trứng” - bà Thìn tâm sự.
Từ khi dịch Covid-19 trở lại, những người đi thu mua ve chai ít hơn nên công việc của bà Thìn cũng trở nên khó khăn.
Bà Thìn chia sẻ: “Tôi chỉ mong hết dịch, cứ ở nhà thế này thì chết đói. Mà có đi nhặt về cũng chẳng ai mua. Mấy hôm nay tôi không có tiền mua thuốc, chân tay đau nhức không đi lại được”.
Phòng trọ của vợ chồng chị Toàn sát vách phòng bà Thìn. Công việc hàng ngày của chị Toàn là bán hoa quả rong. Chồng chị làm nghề bốc vác ở chợ Long Biên.
Trong đợt dịch lần trước, thu nhập giảm sút nên vợ chồng chị phải chuyển từ một căn nhà trọ có điều kiện sống tốt hơn về đây.
Chị Toàn tâm sự: “Dịch bệnh khiến thu nhập của vợ chồng tôi giảm quá nửa. Trước đây, mỗi tháng vợ chồng tôi để dư ra được 7 triệu đồng/tháng để gửi về quê cho ông bà nuôi 3 đứa cháu ăn học. Mấy tháng nay thắt lưng buộc bụng lắm mới gom góp được 3 triệu đồng gửi về cho con”.
Cũng ở trong khu trọ này, anh Phạm Văn Khuê - một người làm cửu vạn - cho biết, vợ anh ở quê ốm đau liên miên nên chỉ lo được mấy sào ruộng. Mọi việc trông chờ vào anh bươn chải trên Hà Nội, bán sức lao động để lo cho 2 đứa con ăn học.
Đêm qua, anh kiếm được 150.000 đồng sau 8 h làm việc. Trước đây khi chưa có dịch, anh Khuê cũng kiếm được khoảng 300.000 đồng, cũng với thời gian làm việc như vậy.
Trước đây, anh Khuê có 2 người bạn cũng làm cửu vạn ở chợ Long Biên ở cùng. Từ khi có dịch, ít việc nên 2 người lần lượt về quê. Thu nhập chẳng đáng là bao nay lại phải một mình trả tiền thuê trọ, anh Khuê khó càng thêm khó.
Những người lao động ở xóm trọ đến từ khắp các tỉnh như Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ,… nhưng cũng không ít người vô gia cư, không nhà không cửa thuê trọ sống qua ngày.
Mỗi người một câu chuyện, một mảnh đời riêng nhưng họ đều phải cố hết sức bám trụ lại để kiếm miếng cơm manh áo lo cho gia đình.