Người lao động: Mỗi lần nghe tăng giá điện là... lạnh phát run!
Khi được hỏi ý kiến về việc sắp tới có thể tăng giá điện thêm 8,3%, nhiều CNLĐ đã “choáng” và người “ớn lạnh”, bởi việc tăng giá điện có thể khiến giá thực phẩm, hàng hóa… tăng theo, khiến cuộc sống của CNLĐ - vốn là những người có thu nhập thấp - ngày càng khó khăn hơn.
Khi được hỏi ý kiến về việc sắp tới có thể tăng giá điện thêm 8,3%, nhiều CNLĐ đã “choáng” và người “ớn lạnh”, bởi việc tăng giá điện có thể khiến giá thực phẩm, hàng hóa… tăng theo, khiến cuộc sống của CNLĐ - vốn là những người có thu nhập thấp - ngày càng khó khăn hơn.
Cuộc sống NLĐ sẽ ngày càng khó khăn hơn
Chị Bế Thị Nhàn (CNLĐ đang thuê trọ tại KCN Quế Võ, Bắc Ninh) lo lắng khi biết giá điện tăng thêm 8,3% trong thời gian tới. Chị cho biết, hiện chị và chị gái đang thuê trọ. Khu trọ của chị được chủ nhà tính giá điện ở mức 2.500 đồng/số.
Hàng tháng, hai chị em dùng điện rất tiết kiệm, nhưng cũng phải trả số tiền điện khoảng 100.000 – 200.000 đồng. Trong khi đó, hai chị em còn bao nhiêu thứ phải chi khác. Hầu như, hàng tháng, cả hai đều không dành dụm được đồng nào để chuẩn bị những công việc sau này.
Chị Nhàn lo ngại việc tăng giá điện trong thời gian tới sẽ khiến chủ nhà trọ thay đổi cách tính giá điện, khiến chi phí của hai chị em sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến cuộc sống.
Bên cạnh đó, việc tăng giá điện có thể khiến giá thực phẩm, hàng hóa… tăng theo, khiến cuộc sống của CNLĐ - vốn là những người có thu nhập thấp - ngày càng khó khăn hơn.
Còn chị Nguyễn Tuyết Trinh (CN môi trường tại TP. Bắc Giang) cho biết chưa biết đến thông tin tăng giá điện cho đến khi phóng viên trao đổi.
“Tăng nhiều vậy à? Vừa rồi tiền rác khu phố nơi tôi ở cũng đã tăng, giờ lại đến tiền điện. Cái gì cũng tăng thế này thì cuộc sống sẽ ngày càng khó khăn hơn” - chị Trinh than thở.
Chị Trinh được tính giá điện bậc thang. Trung bình, một tháng gia đình chị gồm 5 người (vợ chồng chị, vợ chồng người con và cháu) phải trả khoảng 400.000 đồng tiền điện. Đó là chi phí khá cao so với thu nhập ít ỏi của anh chị và các con.
Thu nhập của chị ở mức 5 triệu đồng, trong khi rất nhiều thứ phải chi. Đấy là chưa kể lúc ốm đau thì không biết xoay xở vào đâu. Vì vậy, giá điện tăng thêm làm chị thêm lo lắng, “cấu” thêm vào những đồng tiền vốn còm cõi của cả gia đình.
Mọi thứ tăng đều thì không biết bao giờ công nhân có dư!
Đây là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Lý, CN làm việc tại KCX Linh Trung II, TPHCM).
“Đồng lương công nhân eo hẹp mà cái gì cũng thi nhau tăng. Hiện tại, vợ chồng tôi đã trả 3.000 đồng/kWh, thắc mắc thì bà chủ trọ “đe” rằng không chịu giá điện đó thì đi nơi khác. Nếu sắp tới tăng giá điện nữa, có thể bà chủ trọ sẽ tiếp tục tăng giá điện. Nhưng cái đó tôi cũng không lo bằng việc nếu điện tăng thì các chi phí khác cũng tăng như tiền nhà, tiền nước, rau... mà lương hai vợ chồng đâu có tăng bao nhiêu đâu.
Tôi vừa vừa hết thời gian nghỉ thai sản, đi làm trở lại chưa được 10 ngày thì bị bệnh, đang nằm ở nhà, nghe thông tin tiền điện tăng thì càng mệt thêm. Con gái tôi đang cai sữa, chuẩn bị uống sữa ngoài, ăn dặm thêm, gửi nhà trẻ, mỗi thứ một ít, tăng đều thế này thì không biết bao giờ vợ chồng mới có dư” - chị Lý lo lắng.
Mỗi lần nghe tăng giá điện là run là cảm xúc của anh Trần Kim Tuấn (CN làm việc tại KCN Tân Bình, TPHCM)
"Nghe thấy từ “tăng giá” là người tôi lại ớn lạnh: Ví dụ như tăng giá điện, tăng giá xăng, tăng giá tiền phòng trọ. Trong khi đó lương là mãi chẳng thấy tăng. Mỗi lần tăng giá điện là một cuộc xáo trộn lớn trong chi tiêu gia đình, tôi phải cắt xén mỗi thứ một ít, cứ chi tiêu như cũ thì tiền lương sẽ không có đủ để trang trải, không khéo mượn nợ như chơi.
Các chi phí cố định như tiền nhà không được cắt giảm này, có thể còn tăng thêm, tiền điện là tăng chắc chắn rồi, tiền nước chạy đi đâu mà không tăng, rồi chi phí sinh hoạt nữa, tiền học của các con… Chỉ còn một thứ có thể giảm là tiền ăn của gia đình tôi, do đó, có thể vợ tôi sẽ cắt giảm tiền chợ, thay vì trung bình mỗi người ăn 30.000 đồng/’bữa, vợ tôi sẽ giảm xuống 25.000 đồng, tôi không thể biết được vợ sẽ cho ăn cái gì nữa ngoài rau muống, đậu phụ. Thôi thì cắn răng mà chịu!” - anh Tuấn buồn bã nói.
Theo Tuyết Thảo/Báo Lao động