Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Quan tâm tới sinh kế người dân chứ không chỉ có điện, đường
(Dân trí) - “Quảng Ngãi đã có tỉ lệ tăng GDP ở mức 7,9 %/năm, thu nhập bình quân của người dân trong tỉnh đạt 2.500 USD/năm. Trong năm 2016 ước tính tạo việc làm mới cho hơn 39.000 lao động. Đây là kết quả đáng khích lệ trong công tác triển khai an sinh xã hội”.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá trong buổi làm việc với Tỉnh uỷ, UBND và HĐNĐ tỉnh Quảng Ngãi hôm 14/12. Nhiều nội dung về lao động việc làm, giáo dục, chăm sóc người có công, dạy nghề của tỉnh được bàn thảo trong buổi làm việc.
Theo ông Đặng Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ước tính năm 2016, cả tỉnh tạo thêm việc làm mới cho 39.000 lao động, tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 3,7 %, tỉ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn là 85 %, cơ cấu công nghiệp - xây dựng: 29 %, nông - lâm - ngư nghiệp đạt 45 %, dịch vụ đạt 26 %.
Số hộ nghèo là 45.327 hộ (chiếm 13,12 %). Tỉnh Quảng Ngãi đã giải quyết được 17.676 trường hợp hưởng các chính sách người có công với cách mạng.
“Năm 2016, công tác lao động, người có công và xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, kết quả giải quyết việc làm đạt khá, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 47 %. Công tác đền ơn đáp nghĩa được triển khai đồng đều và có nhiều hiệu quả”- ông Đặng Ngọc Dũng nói.
Đánh giá những kết quả thực hiện trong chính sách an sinh xã hội của tỉnh Quảng Ngãi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh sáng kiến của tỉnh trong việc tự ứng kinh phí để xây dựng nhà cho người có công trước khi nhận được kinh phí hỗ trợ từ Trung ương. Đây là cách làm kinh động, giúp người có công được thụ hưởng chính sách sớm và tạo sự đồng thuận của xã hội.
Về công tác an sinh xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý tỉnh Quảng Ngãi cần tập trung vào 2 chương trình mục tiêu quốc gia là giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
“Đặc biệt lưu ý, trong xây dựng nông thôn mới chú ý tới sinh kế của người dân. Tránh tình trạng nhiều nơi chỉ tập trung vào xây dựng hệ thống đường và điện lưới mà quên đi lĩnh vực sinh kế, việc làm của người dân”.
Về giảm nghèo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định: “Quảng Ngãi còn tỉ lệ hộ nghèo là 13,2 %, trong khi đó mức trung bình của cả nước là 9,8%; hộ cận nghèo là 8,29 %, trung bình của cả nước là 5,2 %. Đời sống người dân của 6 huyện miền núi của Quảng Ngãi còn rất nhiều khó khăn, cần nhiều hỗ trợ. Trong việc sử dụng kinh phí hỗ trợ các nội dung giảm nghèo, nên ưu tiên giao thẳng kinh phí cho cơ sở và đảm bảo tính công khai. Đặc biệt giảm tình trạng “cho không”, tinh thần chung là hỗ trợ khuyến khích cho vay” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Đánh giá công tác XKLĐ của tỉnh Quảng Ngãi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng giải pháp XKLĐ mới chỉ có tính tình thế. “Nhưng hiện nay, giải pháp này cũng có hiệu quả nhất định và cần thiết. Nhiều lao động đi XKLĐ tại Hàn Quốc hoặc Nhật Bản đã nhận được mức lương tháng từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng. Đời sống nhiều người dân đã cải thiện nhờ xuất khẩu lao động”.
Để đẩy mạnh hơn việc hỗ trợ lao động ở các huyện nghèo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung LĐ-TB&XH giao cho 2 công ty của Bộ và Trung tâm lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) tận dụng chương trình hợp tác với Tổ chức phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) để giúp lao động huyện nghèo. “Tuy nhiên, trong triển khai cần lưu ý làm tốt công tác tư trưởng và kỹ năng hoà nhập cho lao động miền núi trước khi đưa đi xuất khẩu lao động”.
Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định tăng lương cơ sở lên 1.300.000 đồng/tháng
Dự thảo Nghị định tăng lương cơ sở lên 1.300.000 đồng/tháng Một dự thảo Nghị định về tăng lương cơ sở đang được Bộ Nội Vụ xin ý kiến các tầng lớp nhân dân. Theo đó, mức lương cơ sở sẽ tăng lên 1.300.000 đồng từ ngày 1/7/2017. Đối tượng thụ hưởng của chính sách trên là cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Trước đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, trong đó quy định: “Điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.210.000 đồng/tháng lên 1.300.000 đồng/tháng, tăng thêm khoảng 7% từ ngày 1 tháng 7 năm 2017”. Hiện nay, mức lương cơ sở đang là 1.210.000 đồng/tháng, được dùng để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác. Đối tượng được áp dụng mức lương này là cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Tờ trình dự thảo nghị định cũng nêu rõ, mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng chỉ bằng khoảng 41% bình quân mức lương tối thiểu vùng năm 2016 (2.925.000 đồng/tháng) của khu vực doanh nghiệp và đạt 36,58% bình quân mức nhu cầu sống tối thiểu (3.308.000 đồng/tháng). Thực tế này khiến tiền lương nói riêng và đời sống nói chung của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn khó khăn. Do vậy, việc xây dựng Nghị định điều chỉnh mức lương cơ sở trong năm 2017 là cần thiết để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.
Theo nội dung dự thảo Nghị định, đối tượng được quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.
P.M
Hoàng Mạnh