Người lao động không thể "thông cảm" mãi với doanh nghiệp khi lương thấp

Hoa Lê Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Khi được đảm bảo mức lương thỏa đáng, người lao động mới có thể hăng say cống hiến, gắn bó lâu dài với nơi làm góp phần nâng cao hiệu quả chung.

Xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng

"Tiền lương, thưởng và phúc lợi chính là động lực then chốt thúc đẩy năng suất lao động", Phó Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phạm Thu Lan khẳng định tại diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia".

Theo bà Lan, thực tế đã chứng minh mối quan hệ mật thiết giữa thu nhập và tinh thần làm việc của người lao động. Khi được đảm bảo mức lương thỏa đáng, ai cũng sẽ hăng say cống hiến, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả chung.

"Người lao động dù muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi lương thấp. Điều này giải thích cho tỷ lệ nhảy việc cao, 8-12%/tháng ở các ngành đông lao động", Phó Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn nêu.

Người lao động không thể thông cảm mãi với doanh nghiệp khi lương thấp - 1

Phó Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phạm Thu Lan (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Tuy nhiên, thực tế, nhiều lao động, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, đang phải vật lộn với bài toán cơm áo gạo tiền. Họ không có tâm trí, thời gian và nguồn lực để đầu tư cho việc học tập nâng cao trình độ.

Theo bà Lan, học tập cũng cần có động lực. Người lao động khi còn đang phải vướng bận kiếm bữa cơm hàng ngày cho gia đình thì học tập cho bản thân không phải là sự ưu tiên. 

Trong suốt 40 năm đổi mới, Chính phủ đã không ngừng nỗ lực cải thiện đời sống, việc làm, thu nhập cho người lao động thông qua nhiều chính sách, biện pháp toàn diện. Nhờ vậy, năng suất lao động của Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể.

Tuy nhiên, theo Phó Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, để đưa Việt Nam lên một nấc thang mới trong giai đoạn phát triển tiếp theo, bài toán nâng cao năng suất lao động đặt ra nhiều thách thức lớn hơn so với trước đây.

Bà Phạm Thu Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng như một sàn an sinh xã hội và quyền cơ bản của con người.

Mức lương này không chỉ đảm bảo đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người lao động và gia đình họ, mà còn cần bao gồm khoản dự phòng cho những trường hợp bất khả kháng và tiết kiệm cho tương lai.

Tổ chức công đoàn mong muốn thời gian tới, Chính phủ, Hội đồng tiền lương quốc gia xem xét xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng, sao để tiền lương thực sự là động lực tăng năng suất lao động. 

Khoảng cách khá xa về năng suất lao động

TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, thời gian qua, dù năng suất lao động của Việt Nam đã cải thiện nhưng vẫn còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 chỉ đạt 20.400 USD/lao động. Con số này chỉ bằng 11,4% so với Singapore, 35,4% so với Malaysia, 64,4% so với Thái Lan và 79% so với Indonesia.

Theo ông Nguyễn Tú Anh, để tăng năng suất lao động cần phải phát triển nhiều hơn nữa hệ thống doanh nghiệp. Mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp năm 2025 gần như không thực hiện được chính là một yếu tố làm cho năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp như hiện nay.

Người lao động không thể thông cảm mãi với doanh nghiệp khi lương thấp - 2

Năng suất lao động Việt Nam có cải thiện nhưng vẫn còn thấp (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).

Tuy nhiên, năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam còn quá thấp. Năng suất lao động trong khu vực này chỉ bằng 3,6% khu vực doanh nghiệp Nhà nước và 28,5% khu vực doanh nghiệp FDI.

Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp nêu con số khác, trong giai đoạn 2018-2022 mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn tăng bình quân 7,06%/năm.

Những ngành có năng suất lao động cao vượt trội so với mức trung bình của cả nước lại có tỷ trọng lao động rất thấp trên tổng lao động các ngành này (trừ công nghiệp chế biến chế tạo) chỉ chiếm 10,28% tổng số lao động có việc làm năm 2022.

Ngành chế biến chế tạo có tỷ trọng lao động lớn (chiếm 23,25%) đóng vai trò như trung vị của năng suất lao động cả nước. Đây chính là ngành động lực thúc đẩy năng suất lao động của cả nước. 66,5% lao động nằm trong các ngành có năng suất lao động thấp hơn bình quân cả nước.

Chốt lại, TS Nguyễn Tú Anh cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng năng suất lao động bằng việc dịch chuyển lao động từ khu vực dư thừa lao động, có năng suất lao động thấp sang những ngành có năng suất lao động cao hơn, đang thiếu lao động như truyền thông thông tin, khoa học và công nghệ, nghệ thuật, vui chơi giải trí, công nghiệp chế biến chế tạo…