Đắk Nông:

Người làm nghề trồng tiêu điêu đứng vì mức bán thấp, giá công hái cao

(Dân trí) - Hồ tiêu ở Đắk Nông đang mất giá, công việc hái tiêu thuê cũng không nhộn nhịp như trước. Người làm nghề trồng tiêu bất lực nhìn tiêu rụng đỏ gốc vì không tìm được người hái hoặc giá nhân công quá cao.

Bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu năm nay, nhiều hộ nông dân tỉnh Đắk Nông tỏ ra chán nản do năng suất, giá bán thấp, nhân công khan hiếm. Để vớt vát lại các khoản đầu tư, bà con nông dân vẫn phải "căng sức" thu hoạch tiêu, chạy đua với mùa vụ.

Gia đình ông Lê Văn Tuấn (xã Đăk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) có 700 trụ tiêu đang vào vụ thu hoạch rộ.

Giá tiêu đang ở mức thấp kỷ lục từ trước tới nay: Từ 36.500 - 37.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá nhân công hái tiêu lại tăng lên từ 250.000 - 300.000 đồng/người/ngày.

Người làm nghề trồng tiêu điêu đứng vì mức bán thấp, giá công hái cao - 1

Nhiều gia đình đổi công hoặc tự hái tiêu chứ không dám thuê người

Ông Tuấn than thở: “Giá tiêu đang quá thấp, trong khi giá nhân công lại quá cao. Nếu tính trừ hết các khoản chi phí đầu tư thì nông dân thua lỗ chắc. Nhớ lại mấy năm trước, chỉ cần một ký tiêu là đủ trả công cho một người hái, bây giờ phải mất cả yến mới đủ trả tiền công”.

Cũng vào tình cảnh trên, vườn tiêu hơn 1 ha của gia đình ông Nông Văn Pèng (xã Đăk Ha, huyện Đắk Glong) đang vào vụ thu hoạch rộ.

Ông Pèng cho biết, từ đầu năm 2020 tới nay, gia đình ông chỉ dám thuê 2-3 nhân công hái tiêu, đồng thời huy động hết nhân lực trong gia đình để thu hoạch cho đỡ chi phí.

Người làm nghề trồng tiêu điêu đứng vì mức bán thấp, giá công hái cao - 2

Người trồng hồ tiêu Đắk Nông đang rơi vào khủng hoảng nhân công khi nông sản mất giá

“Với tình hình thị trường tiêu hiện nay, nông dân thực sự rơi vào khủng hoảng khi tìm nhân công. Bà con đã lỡ đầu tư rồi, bỏ thì bỏ không được nên phải ráng thu hoạch, cầm cự chứ biết làm sao. Bây giờ hồ tiêu có chín rụng thì cũng rụng trên đất nhà mình, thong thả nhặt chứ không dám thuê nhân công. Họ đòi giá cao lắm, bán tiêu đi trả nhân công thì chỉ có lỗ”, ông này cho hay.

Hiện nay, thị trường hồ tiêu đang làm cho nông dân vô cùng lo lắng. Mới đầu vụ, giá hồ tiêu đã chao đảo trong khoảng 36.500 - 37.500 đồng/kg.  Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm qua, chỉ gần bằng phân nửa so với đầu niên vụ 2018-2019 và chỉ bằng 1/5 mức kỷ lục của niên vụ 2014-2015.

Vất vả tìm nhân công thu hoạch gần 2000 trụ tiêu đang chín rộ, ông Lê Văn Quyền (xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song) cũng ngán ngẩm nhìn tiêu rụng hàng loạt. Những vụ mùa trước, vườn tiêu này có hàng chục nhân công thu hoạch. Năm nay, ông thuê được 6 người, khi hái được vài trăm trụ thì người làm bỏ đi vì cho rằng vườn tiêu khó hái, không bù lại được ngày công.

Ông Quyền cho biết: “Thuê người hái tiêu theo công ngày không được, tôi chuyển sang giao khoán vườn tiêu, nhưng cũng không ai nhận. Hái khoán thì cuối ngày chia đôi sản lượng, nhưng tiêu mất mùa, nên cũng không đủ tiền công cho họ. Vì vậy họ không nhận thì mình cũng đành chịu và tự hái lấy”.

Người làm nghề trồng tiêu điêu đứng vì mức bán thấp, giá công hái cao - 3
Nhiều nơi, người làm bỏ đi vì cho rằng vườn tiêu khó hái, không bù lại được ngày công

Chủ vườn phân tích, nếu nhân công hái tiêu theo công nhật, mỗi ngày khoảng 200.000- 250.000 đồng thì họ cứ biết vậy, hái xong là có tiền mang về.

Còn những người nhận khoán vườn để hái, mỗi ngày một công lao động hái tối đa khoảng 20 kg tiêu tươi, nếu gặp vườn tiêu khó hái mà chỉ nhận 10 kg tươi thì họ bị lỗ.

Thông thường, người dân phải sơ chế 4 kg tiêu tươi mới được 1 khô tiêu đạt chuẩn. Với giá bán 34.000 đồng/kg thì không đủ ngày công của họ.

Cũng vì thu hái theo hình thức khoán vườn không bằng tiền công nhật, nên nhân công lao động thường chọn vườn đạt năng suất, địa hình bằng phẳng, dễ di chuyển để hái.

Nhiều chủ vườn chọn cách tăng giá từ 20.000 – 30.000 đồng/ngày hay rút ngắn thời gian lao động xuống còn 7 giờ/ngày để giữ chân lao động trước tình trạng tiêu chín rụng đỏ gốc.

Người làm nghề trồng tiêu điêu đứng vì mức bán thấp, giá công hái cao - 4

Theo Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có trên 34.000 ha hồ tiêu. Những năm qua, cây hồ tiêu là một trong số loại cây trồng chủ lực của tỉnh.

Nhưng hiện nay, giá hồ tiêu xuống thấp, chi phí đầu tư chăm sóc, thuê nhân công ngày càng tăng cao, không mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng như trước đây. Chính vì vậy, thời gian qua, có không ít hộ nông dân đã bỏ bê vườn cây, khiến cho tiêu bị nhiễm bệnh, năng suất kém…

Dương Phong