Doanh nghiệp phải tuyển lao động 50 tuổi để... chống thiếu hụt nhân công

(Dân trí) - “Nếu không tăng khung giờ làm thêm trong năm và giảm giờ làm việc trong tuần, doanh nghiệp sẽ vấp phải bài toán thiếu lao động lâu dài. Việc đầu tư máy móc, công nghệ sẽ khiến tăng chi phí lớn. Doanh nghiệp phải tuyển thêm ít nhất 10 % lao động, thậm chí nhận lao động 50 tuổi vào làm việc…”.

Doanh nghiệp phải tuyển lao động 50 tuổi để... chống thiếu hụt nhân công - 1

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam, phát biểu tại buổi làm việc giữa Bộ LĐ-TB&XH và một số hiệp hội doanh nghiệp và góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH và VCCI tổ chức chiều 16/9 tại Hà Nội.

Được biết, Dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012 đã trải qua 3 lần chỉnh sửa và góp ý. Dự kiến trong Kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới đây, các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua dự thảo sửa đổi.

Nguy cơ thiếu lao động

Không chỉ nêu ra thực tế, bà Phan Thị Thanh Xuân còn lo ngại về những tác động của việc không điều điều chỉnh khung giờ làm việc trong năm: “Hiệp hội có 1,5 triệu lao động đang làm việc. Những thay đổi trên sẽ tác động tới đời sống người lao động và của doanh nghiệp”. 

Hiệp hội dệt may VN góp ý về dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012

Theo đó, doanh nghiệp sẽ phải tuyển dụng thêm nhiều lao động nhằm đáp ứng tốc độ sản xuất hàng hoá với thời gian làm việc eo hẹp như hiện nay. Đặc biệt là vào thời điểm mùa vụ sản xuất hàng hoá cho đối tác ở nước ngoài.

Theo đại diện Hiệp hội tại cuộc họp, đặc thù của doanh nghiệp da giày chủ yếu theo làm thời vụ trong khoảng từ 6-8 tháng, nguồn thu chỉ đủ nuôi lao động. Nếu giảm xuống 44 giờ, doanh nghiệp phải tuyển thêm ít nhất 10 % lao động. Nhưng việc tuyển dụng cũng rất khó khăn.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân,  nếu giảm thời gian làm việc giúp người lao động thời gian nghỉ ngơi. Nhưng đặc thù lao động da giày chủ yếu thu hút người lao động ở nông thôn và nhập cư. Nếu giảm giờ làm, người lao động sẽ có thể tăng thêm thu nhập bằng cách làm thêm nghề giúp việc gia đình và chạy xe Grabs. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng công việc chính và sức khoẻ của người lao động

“Vì khó tuyển thêm nhân công, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận tuyển cả lao động trên 50 tuổi để bù vào thiếu hụt. Trong khi đó, doanh nghiệp còn phải đầu tư máy móc, công nghệ và tốn chi phí lớn” - bà Phan Thị Thanh Xuân bày tỏ. 

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may VN nhận định, lương tối thiểu và chi phí lao động của Việt Nam hiện đã cao hơn Bangladesh và Ấn Độ. Trong khi đó, các quốc gia này đều có thể mạnh về dệt may xuất khẩu.

“Chúng ta đi làm thuê và công việc thực hiện theo hợp đồng chứ cho không còn làm việc theo kế hoạch phân công như thời bao cấp. Trong khi đó, việc tồn tại của dịch vụ làm thuê dựa chính vào chất lượng, hàng hoá. Việt Nam có nhiều bão ảnh hưởng tới nhịp độ sản xuất, nguyên phụ liệu thì đều phải nhập khẩu. Nếu không điều chỉnh tăng thời gian làm thêm, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ rất khó khăn” - ông Nguyễn Xuân Dương nói.

Bày tỏ ý kiến về đề xuất điều chỉnh giảm giờ làm từ 48 xuống còn 44 giờ/tuần của Tổng LĐLĐ VN, ông Nguyễn Xuân Dương lo ngại doanh nghiệp sẽ giảm sức cạnh tranh và có nguy cơ phá sản. Điều này sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế.

Doanh nghiệp kiến nghị

Cùng chia sẻ những nỗi lo trên, ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản VN (Vasep) cho biết, ngành đang thu hút tới 4 triệu lao động, trong đó có 1 triệu lao động sản xuất trực tiếp tại các nhà máy.

Doanh nghiệp phải tuyển lao động 50 tuổi để... chống thiếu hụt nhân công - 2

Đại diện các Hiệp hội nêu ý kiến

Bên cạnh đó, đặc thù của ngành đòi hỏi đáp ứng mối quan tâm của khách hàng theo chuỗi về lao động và môi trường, đặc biệt là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp rất được quan tâm.

“Nếu vẫn áp dụng khung giờ làm việc tối đa 300 giờ/năm, để phục vụ đơn hàng theo mùa vụ, doanh nghiệp sẽ vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam. Khách hàng nước ngoài sẽ lập tức dừng tiếp nhận hàng hoá của doanh nghiệp trong nước” - ông Nguyễn Hoài Nam lo ngại.

"Về thời hiệu xử lý kỷ luật, nếu áp dụng trong 6 tháng thời hiệu từ lúc vi phạm, nhưng trong doanh nghiệp nếu phát hiện quá 6 tháng thì không còn tác dụng. Tôi đề nghị bổ sung quy định xử lý 6 tháng kể từ khi phát hiện ra vi phạm" - ông Nguyễn Hoài Nam cho biết.

Về kỷ luật lao động trong dự thảo Luật Lao động sửa đổi, đại diện Vasep tại Hội nghị đề xuất. “Quy định như hiện hành có 2 loại hình thức khiển trách và không nâng lương. Điều này chưa đủ và phần nào đó duy trì sự vô kỷ luật cho một nhóm lao động. Với trường hợp không nâng lương trong 6 tháng sẽ không có tạo sự ăn đe, hiệu quả với công nhân. Tôi đề xuất bổ sung quy định, chuyển vị trí làm việc khác trong 6 tháng và lương có thể thấp hơn…” - ông Nguyễn Hoài Nam nói.

Bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, cho biết: “Từ năm 2011 tới nay, tiền lương của người lao động đã tăng gấp 3 lần. Lợi thế nhân công rẻ tại Việt Nam giờ không còn là thế mạnh. Tới nay, lao động Việt chỉ còn dựa vào sự cần cù, chăm là điểm mạnh để cạnh tranh”.

Đồng thời việc áp dụng quy định tiền lương luỹ tiến làm thêm và không nới khung giờ làm thêm có nguy cơ khiến doanh nghiệp Nhật Bản cũng không tuyển được lao động và chuyển cơ sở sang nước khác.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết việc xây dựng chính sách lao động việc làm khó có thể thoả mãn hết được quyền lợi của cả các bên. Ban soạn thảo sẽ cố gắng hài hoà quyền lợi của các bên trong phạm vi tốt nhất trên cơ sở chắt lọc ý kiến các bên.

Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Ban soạn thảo sẽ không đưa đề xuất giảm giờ làm việc tiêu chuẩn xuống dưới 44 giờ/tuần vào dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi và giữ nguyên như quy định hiện hành là không quá 48 giờ/tuần.

Ông Vũ Tiến Lộc: Tăng năng suất lao động chính là tăng GDP.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết: “Nếu giảm giờ làm 4 giờ/tuần thì đồng nghĩa với việc giảm năng suất lao động và GDP. Đặc biệt với những doanh nghiệp khởi nghiệp của các bạn trẻ. Họ đang làm việc tới 14-15 giờ/ngày. Nếu hạn chế giờ làm việc trong tuần và không nới khung làm thêm trong năm, chúng ta khó có thể thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, gây khó cho thế hệ trẻ sáng tạo”.

Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, thực tế tới 60 % doanh nghiệp kinh doanh chưa có lãi, chưa kể mức tăng trưởng đặt ra ở con số 7 % sẽ vô cùng khó.

VCCI đề xuất bỏ quy định lao động nữ nghỉ 30 phút trong ngày "đèn đỏ"

Theo Bà Trần Thị Lan Anh, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI), quy định tại khoản 4 Điều 139 của dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi về: “Lao động nữ trong thời gian kinh nguyệt được nghỉ mỗi ngày 30 phút hoặc sửa đổi thành lao động nữ trong độ tuổi còn hành kinh được hỗ trợ bằng tiền do Chính phủ quy định cụ thể mức hỗ trợ” có thể gây khó cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sử dụng lao động nữ là chủ yếu".

Điều này thể hiện rõ nét ở những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản hay dệt may. Do số lượng lao động nữ đông cao khi áp dụng quy định này sẽ gây nên sự bất ổn toàn hệ thống dây chuyền sản xuất.

Cũng theo bà Trần Thị Lan Anh, xét về bản chất thì việc lao động nữ trong thời kỳ “đèn đỏ” là vấn đề sinh lý hoàn toàn bình thường.

Hoàng Mạnh