Nghề marketing trực tuyến: Nhiều cơ hội và không ít thách thức
(Dân trí) - Thời đại công nghệ, sự phát triển các trang web bán hàng trực tuyến, cửa hàng bán lẻ, kinh doanh online… đã tạo ra công việc mới. Đó là nghề marketing, truyền thông trực tuyến.
Marketing, truyền thông và quảng trực tuyến là quá trình quảng bá thông tin, sản phẩm, tạo mối quan hệ và đưa dịch vụ hữu ích làm hài lòng khách hàng tiềm năng trên internet. Những năm trở lại đây, nghề này đang trở nên thu hút nhiều người với đủ mọi lứa tuổi.
Nhiều thách thức
Đang làm chuyên viên marketing, quảng cáo trực tuyến cho một công ty phân phối dược phẩm tại Hà Nội, anh Nguyễn Đức Toàn trú tại Triều Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, vị trí này có nhiệm vụ xây dựng những bài quảng cáo cho công ty và cộng tác viên trên nền tảng mạng xã hội Facebook.
"Trên mạng xã hội, tôi sử dụng những hình ảnh và bài viết để cài đặt đối tượng tiếp cận là những người có nhu cầu mua dược phẩm, số lượng người tiếp cận và khu vực mình mong muốn được thiết lập sẵn ở mỗi trang mạng xã hội" - anh Nguyễn Đức Toàn thông tin.
Sau đó, anh liên hệ với nhà cung cấp mạng xã hội qua để trả phí quảng cáo. Họ sẽ thực hiện theo ý muốn và cài đặt của anh để tiếp cận khách hàng tiềm năng
Thực tế, một số doanh nghiệp khi tuyển dụng vị trí nhân sự marketing, truyền thông trực tuyến thường không yêu cầu nặng về bằng cấp chuyên môn. Các công ty chủ yếu chú trọng việc thẩm định năng lực ứng viên bằng những bài kiểm tra thực tế, hiệu quả mà các ứng viên đem lại.
"Mọi chi tiết tôi đều phải tỉ mỉ làm như tìm kiếm đối tượng khách hàng tiềm năng hay khung giờ vàng bật quảng cáo… Đều phải tính toán" - anh Nguyễn Đức Toàn cho hay.
Thu nhập lên đến hàng chục triệu đồng/tháng đối với anh là điều chưa bao giờ nghĩ đến trước đây. Chỉ sau 2 năm làm việc trong lĩnh vực này, anh Nguyễn Đức Toàn tự tin sẽ đạt được nhiều hơn thế trong thời gian tới.
Cũng theo anh Nguyễn Đức Toàn, nghề này yêu cầu người làm không ngừng học hỏi và tự phát triển bản thân. Để làm được nghề phải thật chịu khó có tư duy tốt để xây dựng cho mình chiến lược phát triển.
Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Thái Hoàng đến từ Gia Sàng (thành phố Thái Nguyên) tốt nghiệp ngành công nghệ ô tô nhưng lại dấn thân với nghề bán hàng online. Sở hữu hàng chục tài khoản quảng cáo trên mạng xã hội Facebook và zalo,… mỗi ngày anh bán ra thị trường hàng trăm đơn hàng.
"Mấu chốt của việc kinh doanh online là làm marketing, truyền thông trực tuyến. Người làm nghề phải làm sao để quảng bá được sản phẩm trên mạng xã hội, tạo sự hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu người mua" - anh Nguyễn Thái Hoàng thông tin.
Ngoài thời gian chăm sóc cho các "cửa hàng" trên internet của mình anh nhận làm thuê công việc này cho các cửa hàng bán lẻ hay quán cà phê, của hàng quần áo…
Kỹ năng và kinh nghiệm
Với anh Hồ Hoài Nam, trú tại quận Long Biên (Hà Nội), một người gắn bó với nghề được hơn 3 năm, chia sẻ, công việc đòi hỏi thiết lập những trang quảng cáo bán nhiều mặt hàng trên mạng xã hội bằng những từ khóa phổ biến, cài đặt đối tượng tiếp cận và tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Sau đó thanh toán tiền quảng cáo cho các nhà mạng.
Ngoài ra, anh còn được người thuê tiếp cận được nhiều người dùng mạng xã hội khác hoặc thuê anh lấy lại những tài khoản bị mất bằng cách thương lượng và chứng minh với nhà cung cấp của các mạng xã hội, lập những tài khoản có nhiều lượt theo dõi theo yêu cầu của khách hàng bằng kỹ năng mà mình có được.
"Nghề đem lại cho tôi thu nhập dao động từ 40-60 triệu đồng/tháng, những tháng cuối năm con số này có thể tăng lên" - anh Hồ Hoài Nam thông tin.
Anh Hồ Hoài Nam chia sẻ: "Người làm nghề này thường giấu kỹ năng mà mình có được, tôi chủ yếu tự học về cách tạo tài khoản quảng cáo và tham khảo nhiều cách viết quảng cáo sản phẩm và nâng cấp bảo mật cho tài khoản rồi kết hợp với nhau" .
Đồng thời, kinh nghiệm thành công trong nghề nằm ở cách lựa chọn đối tượng khách hàng tiềm năng cùng với đó là sự không ngừng học hỏi và "nâng cấp"' bản thân.
Nghề có xu hướng phát triển nhanh
Trao đổi với PV Dân Trí, T.S Phạm Chiến Thắng, Trưởng bộ môn Báo chí trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên, cho biết: "Tùy từng mục đích mà hoạt động này được gọi là Marketing, truyền thông hay quảng cáo nhưng đều chung hình thức trực tuyến. Nghề này đã xuất hiện và phát triển mạnh ở Việt Nam những năm gần đây và đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng về nhu cầu cũng như người làm nghề".
T.S Phạm Chiến Thắng cho rằng, ngày càng nhiều người sử dụng phương thức này vì chi phí rẻ, tiếp cận khách hàng theo ý muốn một cách nhanh chóng và tiện lợi, kéo theo nhu cầu nhân lực phục vụ ngành nghề này tăng theo.
Tuy nhiên, T.S Phạm Chiến Thắng, đây cũng là một nghề có nhiều rủi ro và thách thức ở hiện tại trong tương lai. Cụ thể, ngành nghề này có nguy cơ bị bão hòa, độ tin cậy của khách hàng không cao do kênh quảng cáo không chính thống...
Ngoài ra, chính sách quảng cáo qua các trang mạng xã hội ngày càng được thắt chặt. Nhà cung cấp dịch vụ có thể đơn phương chấm dứt hoạt động quảng cáo bất cứ lúc nào gây khó khăn cho người làm nghề.