1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đà Nẵng: Người lao động ngành du lịch phải xoay đủ nghề để kiếm sống

Khánh Hồng

(Dân trí) - Du lịch Đà Nẵng ảm đạm, nhiều lao động trong ngành bị mất việc, tạm ngừng việc làm. Để có thể kiếm sống, họ phải xoay đủ nghề từ làm bánh đến bán hàng trên mạng, bán bảo hiểm nhân thọ, dạy kèm…

Xoay đủ nghề kiếm sống

Một năm nay, khi dịch Covid-19 bùng phát, chị Hồ Diệu (sinh 1992, hướng dẫn viên tiếng Trung) phải nghỉ việc vì thất nghiệp. Để có tiền duy trì cuộc sống, chị Diệu tham gia bán bảo hiểm nhân thọ và đi dạy kèm tiếng Trung cho người lớn tại nhà.

"Công việc bán bảo hiểm không ổn định, tháng bán được tháng không, còn dạy kèm tôi dạy vài người quen. Thu nhập giảm sút rất nhiều so với công việc của hướng dẫn viên du lịch nhưng thà có việc để làm còn hơn không có gì", chị Diệu chia sẻ. Với mức thu nhập đó, hai mẹ con chị phải sống lay lắt qua ngày.

Chị Diệu đang tham gia lớp học mô hình kinh doanh do Hiệp Hội du lịch Đà Nẵng tổ chức. Chị Diệu có đam mê về Yoga và có mối quan hệ với các thầy giáo Ấn Độ và đang xem xét việc mở Trung tâm Yoga sau khi khóa học kết thúc.

Đà Nẵng: Người lao động ngành du lịch phải xoay đủ nghề để kiếm sống - 1

Du lịch ảm đạm khiến nhiều hướng dẫn viên du lịch ở Đà Nẵng bị mất việc

Cùng cảnh khó khăn do Covid-19, anh Nguyễn Linh Hải (sinh 1971, hướng dẫn viên tiếng Anh) cũng phải nghỉ việc một năm nay do dịch Covid-19, không có khách.

"Nghề hướng dẫn viên du lịch sống nhờ khách, nếu không có khách thì không có thu nhập", anh Hải nói. Hiện nay, anh và nhiều bạn bè phải xoay đủ nghề để kiếm sống: Người bán hàng online, người đi chở hàng thuê, người làm bánh…

Vợ chồng anh Hải có một con trai năm nay đang học lớp 12, vợ anh làm nghề giáo viên mầm non nên cũng bị ảnh hưởng công việc bởi dịch bệnh. Để có tiền nuôi gia đình, anh Hải chuyển qua làm đại lý nước i-on và đại lý nước rửa chén, rau lau sàn hữu cơ cho các công ty

"Công việc vất vả và thu nhập cũng không bằng của nghề hướng dẫn viên du lịch nhưng trước mắt vẫn phải duy trì công việc này, không thể nghỉ được", anh Hải cho hay.

Với chị Nguyễn Thị Lệ Huyền (sinh 1992, hướng dẫn viên tiếng Trung) không bị áp lực nhiều về kinh tế vì chưa lập gia đình. Tuy nhiên, gia đình ở quê vẫn cần sự giúp đỡ, nên sau mấy tháng nghỉ việc do Covid-19, chị Huyền bắt đầu đi xin việc.

Đà Nẵng: Người lao động ngành du lịch phải xoay đủ nghề để kiếm sống - 2

Để có thể kiếm sống, họ phải xoay đủ nghề, trong đó bán hàng trên mạng được nhiều người lựa chọn

"Ban đầu tôi xin dạy ở các Trung tâm tiếng Trung, tuy nhiên học viên ít nên lương thấp. Tình cờ tôi đọc được thông tin tìm giáo viên dạy online của Trung tâm tiếng Trung online. Học viên của Trung tâm này rất rộng, toàn cầu đều có thể học được. Tuy nhiên, thu nhập cũng rất thấp so với nghề hướng dẫn viên", chị Huyền nói.

Còn nhiều khó khăn

Trao đổi với PV, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp Hội du lịch TP Đà Nẵng cho biết: "Hỗ trợ người lao động ngành du lịch là vấn đề được Hiệp Hội quan tâm hàng đầu, cùng với đó là sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, lãnh đạo trung ương đã đưa hàng loạt các chính sách để hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19".

Một số lượng rất lớn người lao động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đang đối mặt với những khó khăn thường trực. "Hàng ngày do các doanh nghiệp khó mà duy trì được việc làm cho họ", ông Dũng nói.

Đà Nẵng: Người lao động ngành du lịch phải xoay đủ nghề để kiếm sống - 3

Các hướng dẫn viên du lịch của Đà Nẵng đang tham gia lớp học mô hình kinh doanh để có thể học cách kinh doanh, tìm kiếm công việc trong thời gian thất nghiệp

Theo ông Dũng, kết quả khảo sát được thực hiện vào tháng 9/2020 cho thấy, Đà Nẵng có 51.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch thì đã có khoảng hơn 40.000 người mất việc, tạm ngừng việc.

Và càng khó khăn hơn, khi một số lượng người lao động đã tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ và trợ cấp thất nghiệp đã nhận hết rồi, bây giờ, người lao động không còn gì để bấu víu nữa. Một số lao động không tiếp cận được gói 62.000 tỷ đồng do doanh nghiệp không đủ điều kiện, như vậy khó khăn chồng chất khó khăn.

"Hiệp Hội du lịch TP Đà Nẵng đang phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển thành phố triển khai khảo sát lần 2 cho doanh nghiệp và người lao động để lập tức trong tháng 3 có đề xuất với lãnh đạo thành phố. Từ đó có đề xuất với trung ương tiếp tục có những giải cứu hỗ trợ người lao động, sau đó là hỗ trợ doanh nghiệp", ông Dũng thông tin .

Nhiều khó khăn trong năm 2021

Ông Dũng cũng cho biết, tình hình việc làm trong năm 2021 dự kiến sẽ khó hơn năm 2020, nếu không tiếp tục có các gói hỗ trợ thì người lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn. "Tóm lại doanh nghiệp sử dụng hết nội lực để làm sao tồn tại được nhưng vẫn cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước", ông Dũng nói.

Bản thân người lao động cũng không ngồi chờ, họ xoay đủ nghề để kiếm sống. Họ phải chuyển qua tìm kiếm những công việc khác, làm những ngành nghề khác.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, điều này dẫn đến nguy cơ cho ngành du lịch sẽ mất một phần lao động lành nghề khi dịch được kiểm soát, kinh tế phục hồi, người lao động đã chuyển đổi công việc và đã gắn bó với công việc mới. Đây cũng là trong những vấn đề lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp làm sao để giữ chân được lao động lành nghề.