1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Người làm nghề trồng hành tăm buồn vì điệp khúc: "Được mùa - mất giá"

Nguyễn Phê

(Dân trí) - Chưa năm nào như thời điểm này ở Nghệ An, giá hành tăm "rơi" xuống đến mức thê thảm. Không có thương lái tới mua, nên dù đang chính vụ, nông dân cũng không mặn mà thu hoạch.

Người làm nghề trồng hành tăm buồn vì điệp khúc: Được mùa - mất giá - 1

Những luống hành tăm dù đã khô lá, quá ngày thu hoạch nhưng vẫn được để ngoài ruộng vì thu hoạch về cũng chẳng ai mua.

Tuyến đường N5 cắt qua "vựa hành" lớn nhất của tỉnh Nghệ An tập trung tại 4 xã gồm Nghi Kiều, Nghi Lâm, Nghi Thuận và Nghi Văn (huyện Nghi Lộc), hai bên tuyến đường còn cả trăm ha hành tăm của nông dân chưa thu hoạch nằm phơi sương trên những cánh đồng.

Những ruộng hành đã héo ngọn nhưng nông dân cũng không mặn mà thu hoạch. Bởi giá hành tăm rơi xuống đến mức thê thảm chưa từng có, thậm chí không ai mua.

Bà Phạm Thị Tăng (60 tuổi, trú tại xóm 8, xã Nghi Lâm) cho biết: "Hàng chục năm nay bà cùng các hộ dân khác trồng hành tăm, những năm qua giá liên tục và ổn định ở mức 50-60.000đ/1kg.

Người làm nghề trồng hành tăm buồn vì điệp khúc: Được mùa - mất giá - 2

Chưa năm nào giá hành tăm lại rơi xuống mức thê thảm như năm nay, vì thế dù được mùa nhưng người dân cũng không mặn mà thu hoạch.

Tuy nhiên, năm nay giá hành tăm xuống thê thảm, đầu vụ giá dao động từ 30-35.000đ/1kg, nhưng nay chỉ còn 12-13.000đ/1 kg, với giá này dân không muốn thu hoạch. Với mức giá hiện tại, người dân lỗ từ 4-5.000.000đ/1 sào so với những năm trước".

Đang thu hoạch những luống hành tại ruộng của gia đình mình, chị Nguyễn Thị Uyên (trú tại xóm 8, xã Nghi Lâm) chia sẻ: "Gia đình tôi trồng 2 sào hành tăm, chi phí đầu tư bình quân 1 sào từ 6-8.000.000 đồng. Giờ không chỉ chuyện lỗ lãi bao nhiêu mà thực tế không bán được. Thương lái không thu mua, còn ra chợ thì toàn hành là hành. Nếu để ngoài ruộng quá ngày thu hoạch, hành sẽ hỏng".

Do hành khó bảo quản, nên nhiều gia đình thu hoạch cầm chừng, thậm chí đưa về nhà cất giữ, chứ để ngoài ruộng hành lên xanh, chất lượng bị giảm sút thì càng khó bán hơn.

Người làm nghề trồng hành tăm buồn vì điệp khúc: Được mùa - mất giá - 3

Hành tăm được xem là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây vì phù hợp với thổ nhưỡng.

Theo bà Lê Thị Duyên - cán bộ nông nghiệp xã Nghi Lâm cho biết, diện tích trồng hành toàn xã đã tăng gần 30 ha so với năm trước. Hiện trên địa bàn xã có khoảng 103 ha trồng hành, 12/12 xóm đều trồng hành tăm với khoảng 1.500 hộ dân, mỗi năm trồng 1vụ khoảng chừng 7-8 tháng, hành tăm từng mang lại thu nhập ổn định cho người dân cả xã.

"Một sào đất trồng hành có thể đạt 5 đến 6 tạ, nếu mức giá ổn định từ 30-35.000đ/1kg. Mức thu nhập này cao gấp 3 đến 4 lần trồng lúa, ngô. Không những vậy, hành tăm Nghi Lâm đã đạt chuẩn VietGap. Tuy nhiên, năm nay hành rớt giá khiến người dân không mặn mà thu hoạch".

Người làm nghề trồng hành tăm buồn vì điệp khúc: Được mùa - mất giá - 4

Trước thực trạng hành tăm ế đến thê thảm, thương lái không thu mua, nhiều tổ chức đoàn thể đã chung tay giúp nông dân "giải cứu" hành tăm.

Tại xã Nghi Kiều, dù năm nay hành tăm được mùa nhưng nông dân cũng không ra đồng thu hoạch, để hành tăm phơi nắng, tắm sương ngoài đồng, dù họ biết để như vậy chất lượng hành sẽ xuống, nhưng thu hoạch về nhà không ai mua bảo quản lại rất khó.

Gia đình bà Hoàng Thị Hà trồng gần 3 sào hành tăm đến thời điểm thu hoạch không bán được. Không có đầu ra, gia đình bà Hà cũng đành nhổ hành từ từ mang về nhà cất giữ chứ để lâu ngoài ruộng bị hỏng, vì theo bà hành đến kỳ thu hoạch cũng chỉ để được ngoài ruộng từ 7- 10 ngày còn để lâu hành xốp hoặc lên xanh, lúc đó cho cũng không ai lấy chứ không phải mua.

Đó cũng là hoàn cảnh của người dân trồng hành tăm các xã Nghi Thuận và Nghi Văn.

Người làm nghề trồng hành tăm buồn vì điệp khúc: Được mùa - mất giá - 5

Giá hành tăm năm nay chưa bằng 1/3 so với những năm trước.

Theo thống kê của phòng nông nghiệp huyện Nghi Lộc, toàn huyện có hơn 320ha trồng hành tăm, tập trung chủ yếu ở các xã vùng có thổ nhưỡng phù hợp như: Nghi Kiều, Nghi Lâm, Nghi Thuận và Nghi Văn.

Trong nhiều năm qua, đây được xem là hướng đi mới của người dân nơi đây, khi họ sử dụng giống phù hợp, chăm bón, gieo trồng đúng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khiến hành tăm năm nay rớt giá.

Đây là loại cây trồng khó bảo quản, ngoài ra do người dân chưa tự liên kết, kết nối đầu ra cho sản phẩm nên khi lượng cung cao hơn cầu, sản phẩm không những bị rớt giá mà rất khó tiêu thụ.