1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đắk Nông:

Hàng trăm người tất bật vào việc "ăn cơm dưới đất, làm việc trên cây..."

Dương Phong

(Dân trí) - Những trụ tiêu cao từ 6-10m khiến công việc thu hoạch hồ tiêu trở thành nghề vất vả, cơ cực thậm chí nguy hiểm. Thế nhưng đây vẫn là nghề "hot" mang lại thu nhập cao cho nhiều người.

Cuối tháng 2, nhiều vườn hồ tiêu ở Đắk Nông đã bước vào mùa thu hoạch chính. Hàng trăm nhân công khắp nơi lại đổ về một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất cả nước để hái tiêu thuê.

Nghề đu thang, đội nắng mưu sinh trên ngọn cây

Những trụ hồ tiêu phủ kín, cao chót vót trở thành nơi mưu sinh của người lao động nghèo, không có đất sản xuất. Mùa thu hoạch, thợ hái tiêu phải bắc thang, tỉ mẩn nhặt từng chùm hạt giữa trời nắng. Nghề thu hoạch hồ tiêu trở thành nghề vất vả, cơ cực thậm chí cả hiểm nguy.

Ăn cơm dưới đất, làm việc trên cây

Từ sáng sớm, vườn hồ tiêu của ông Hoàng Thế Vận (thôn 3, xã Đắk Ha, huyện Đắk G'Long, tỉnh Đắk Nông) đã rôm rả tiếng người nói chuyện. Năm nay, ngoài 6 người trong gia đình, ông Vận còn thuê thêm hơn chục nhân công từ Đắk Lắk xuống để thu hoạch gần 2000 trụ tiêu của gia đình.

Hàng trăm người tất bật vào việc ăn cơm dưới đất, làm việc trên cây... - 1
Hai vợ chồng ông Vận bám chặt vào trụ tiêu để thu hoạch

Hồ tiêu của ông Vận được trồng xen canh, tận dụng gốc cây cao su làm trụ sống nên mỗi trụ cao khoảng từ 6-7m dù mới 3 năm tuổi. Để thu hoạch số hồ tiêu này, ông phải chuẩn bị hơn 10 bộ thang, mỗi chiếc cũng cao trên 6m để phục vụ việc thu hái.

Hàng trăm người tất bật vào việc ăn cơm dưới đất, làm việc trên cây... - 2
Những trụ tiêu được trồng bằng gốc cao su, cao đến hơn 6m

Giữa thời tiết nắng nóng, ông Vận cùng vợ vẫn miệt mài bám chặt vào hai chiếc thang tre, lần giở từng tán lá để hái tiêu. Lão nông cho biết, do trụ tiêu cao nên phải bắc thang mới hái hết. Tiêu hái lần lượt từ trên cao xuống, mỗi trụ mất khoảng 30 phút- 45 phút thu hoạch tùy vào năng suất, trong đó phần lớn thời gian phải đứng trên thang để hái.

"Hồ tiêu phải dùng thang, nhà nào cũng vậy chứ không riêng nhà tôi. Mùa tiêu cũng là mùa nắng nóng nhất trong năm nên phải tranh thủ đi hái từ sáng sớm, đến khoảng hơn 10 giờ sáng là không leo thang được nữa vì nắng gắt lắm", ông Vận vừa hái, vừa nói chuyện.

Hàng trăm người tất bật vào việc ăn cơm dưới đất, làm việc trên cây... - 3
Trong lúc thu hoạch, người hái phải lồng tay vào thang để giữ cho khỏi ngã

Đều đặn 5 năm nay, cứ ăn Tết xong, anh Y Pun lại cùng vợ từ huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) để xuống Đắk Nông làm thuê cho những hộ trồng hồ tiêu. Do gia đình không có nhiều đất sản xuất, nên phần lớn thời gian trong năm vợ chồng Y Pun lang bạt khắp nơi để tìm kế sinh nhai.

Nước da ngăm ngăm dưới ánh nắng gay gắt, Y Pun quệt ngang mấy giọt mồ hôi trên mặt rồi cho biết, một ngày làm việc của anh khoảng 9 tiếng, bắt đầu từ 7 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều. Trong suốt thời gian đó anh chỉ việc ngồi trên những cành cây hoặc đứng trên những chiếc thang cao chót vót. Phía dưới là vợ anh đứng hái.

Hàng trăm người tất bật vào việc ăn cơm dưới đất, làm việc trên cây... - 4
Anh Y Pun cùng vợ từ huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) để xuống Đắk Nông làm thuê cho những hộ trồng hồ tiêu

"Công việc phải thường xuyên leo trèo, phơi mình giữa trời nắng nóng nhưng không tốn nhiều sức như thu hoạch cà phê. Chủ vườn khoán công nhật nên hai vợ chồng được trả khoảng 400.000- 450.000 đồng tùy vườn. Cơm nước mình tự lo", Y Pun kể và cho biết, anh chỉ xuống đất khi di chuyển trụ hoặc nghỉ ngơi uống nước.

"Vất vả nhưng là … kế sinh nhai"

Cũng giống như nhiều người khác, Y Ký (SN 2000, trú Đắk Lắk) cùng một số thanh niên trong xã sang huyện Đắk G'Long (tỉnh Đắk Nông) làm nghề hái tiêu thuê được gần 1 tuần nay. Nam thanh niên cho biết, nghề hái tiêu là nghề nguy hiểm, bởi lúc nào cũng phải ngồi bất động trên mấy chiếc thang cao ngất ngưởng.

Hàng trăm người tất bật vào việc ăn cơm dưới đất, làm việc trên cây... - 5
Y Ký cho biết, nghề hái tiêu là nghề nguy hiểm, bởi lúc nào cũng phải ngồi bất động trên mấy chiếc thang cao ngất ngưởng

Vì đi làm thuê, nên cả nhóm Y Ký vừa làm vừa ăn ở tại nhà chủ vườn. "Nếu người ta khoán năng suất thì mình có thể tranh thủ trời mát mẻ để làm, nhưng người ta khoán công nhật, nên cứ khi nào chủ đi thì mình theo. Mỗi ngày trèo khoảng 20 trụ, được trả công 200.000 đồng/người. Cuối buổi chủ vườn thuê bốc vác nữa thì kiếm thêm được 30.000- 50.000 ngàn đồng để đưa tiêu về", Y Ký bộc bạch.

Thế nhưng, không may mắn như mình, hai người bạn của Y Ký phải nghỉ làm 2 hôm nay vì bị bệnh. Tuy nhiên, vì chỉ là giao kết miệng giữa chủ vườn và người làm thuê nên ngày nghỉ, cả hai người không có thu nhập gì. "Thuốc thang, tiền đi bệnh viện cũng phải tự lo chứ chủ vườn họ không trả giúp", Y Ký kể.

Hàng trăm người tất bật vào việc ăn cơm dưới đất, làm việc trên cây... - 6
Phút nghỉ ngơi ít ỏi của đôi vợ chồng giữa thời tiết nắng nóng

Đối với người lao động, bên cạnh có việc làm, có thu nhập thì trong họ luôn thường trực nỗi bất an vì nghề hái tiêu thuê tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.

Nhiều hộ gia đình trồng tiêu trên trụ cây sống, tiêu phủ trụ cao, phải bắc thang cao gần chục mét mới có thể hái tới, chưa kể nhiều nơi trồng tiêu trên địa hình đồi dốc, nếu không khéo léo thì cả người và thang đều ngã ngửa.

Hàng trăm người tất bật vào việc ăn cơm dưới đất, làm việc trên cây... - 7
Công việc hái tiêu thuê vất vả, nguy hiểm nhưng mang lại thu nhập cao cho nhiều người

"Ngoài quê ít việc nên phải vào đây làm thuê, họ thuê gì thì làm đấy chứ không làm thì không có tiền ăn, gửi về quê nuôi con", Vừ A Sùng (trú tỉnh Cao Bằng), một người làm nghề hái hồ tiêu thuê tâm sự.

Kinh nghiệm đi hái tiêu thuê chưa nhiều, thế nhưng Sùng cho biết đã chứng kiến một số vụ tai nạn khi hái tiêu, người thuê ngã thang hay bị rắn rết cắn. "Ngồi trên thang phải vững, thang phải có điểm tựa chắc chắn, trước khi lên hái thì đánh động trụ tiêu để rắn rết bò đi chỗ khác", Sùng chia sẻ kinh nghiệm.