1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

TPHCM:

Người khuyết tật ngại đi xe buýt vì thái độ phân biệt đối xử của tiếp viên

(Dân trí) - Hiện nay, người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại bằng xe buýt. Bên cạnh sự hạn chế, bất cập về phương tiện, hạ tầng giao thông thì thái độ phân biệt đối xử của tài xế, tiếp viên khiến người khuyết tật bị mặc cảm, ngại đi xe buýt.

Lên xe buýt rồi còn bị đuổi xuống

Tại hội thảo “Thúc đẩy hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập xã hội thông qua việc đầu tư hệ thống xe buýt thân thiện và nhân văn” diễn ra ngày 22/11, nhiều người khuyết tật mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn khi đi lại bằng xe buýt, nhất là thái độ thân thiện, không phân biệt đối xử từ tài xế, tiếp viên xe buýt.

Bạn Trần Phương (quận Thủ Đức) cho biết, nhà chờ xe buýt không có lối đi cho xe lăn nên bạn phải đón xe buýt dưới lòng đường. Việc này vừa gây nguy hiểm cho bản thân và cản trở giao thông.

Trong khi đó, bạn Nguyễn Thị Huyền (sinh viên Đại học KH-XH&NV TPHCM) phản ánh thái độ phục vụ của tài xế, nhân viên gây nhiều khó khăn cho người khuyết tật.


Bạn Trần Phương chia sẻ những khó khăn khi đi xe buýt

Bạn Trần Phương chia sẻ những khó khăn khi đi xe buýt

“Nhân viên dù thấy em rồi nhưng không chủ động xuống xe để hỗ trợ. Một lần khác, khi em đã lên xe rồi thì nhân viên từ chối phục vụ và kêu em xuống xe vì xe đông. Nhưng lúc ấy trên xe không hề đông. Em không chịu xuống, vẫn đi chuyến xe ấy nhưng thấy rất buồn”, Huyền chia sẻ.

Chị Trần Thị Hồng Ngọc (huyện Hóc Môn) là người đi xe lăn và yếu cả 2 tay nên gặp không ít khó khăn khi tự đi lại bằng xe buýt.

“Có lần thấy tôi đón xe buýt, anh lơ xe đứng trên dòm xuống kêu tôi lên đi, tôi nói anh giúp em lên được không thì ảnh bảo không giúp được, đi chuyến sau đi. Cứ vậy tôi bị bỏ 2-3 chuyến. Cuối cùng, nhờ có mấy em sinh viên nên tôi được các em ấy hỗ trợ lên xe. Về sau, tôi ngại nên không muốn đi xe buýt nữa”.

“Thêm nữa, kỹ năng hỗ trợ người khuyết tật lên xuống xe của nhân viên không có nên khi bưng tôi lên tôi rất sợ. Chưa kịp hỏi mà họ đã bưng tôi lên, tôi nghĩ lúc đó mà té một cái thì thật nguy hiểm”, chị Ngọc trải lòng.

Ngoài ra, người khiếm thị, khiếm thính còn gặp nhiều khó khăn, bất cập như không có dấu hiệu nhận biết để đón xe, không nghe được chuông báo mà nhân viên quên không báo trạm xuống nên bị lỡ chuyến, lỡ trạm…

Điều đáng nói là còn có trường hợp người khiếm thính bị nhân viên, tài xế xe buýt nghi ngờ có khuyết tật thật hay không và không chấp nhận thẻ đi xe buýt của họ.

Sẽ có 300 xe buýt sàn thấp cho người khuyết tật

Trước những phản ánh trên, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Lê Hoàng Minh thừa nhận một số tài xế, tiếp viên xe buýt còn lúng túng khi ứng xử với người khuyết tật. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ của xe buýt hiện nay chưa tốt, chưa phù hợp với người khuyết tật nên đối tượng này gặp nhiều khó khăn khi tham gia giao thông.


Phó Giám đốc Sở GTVT TP Lê Hoàng Minh

Phó Giám đốc Sở GTVT TP Lê Hoàng Minh

Ông Minh cho biết TP cũng có nhiều chương trình hỗ trợ người khuyết tật như trang bị xe sàn thấp, cải tạo vị trí nhà chờ có lối đi xe lăn, cấp thẻ xe buýt miễn phí…

Từ năm 2006, TP đã triển khai chính sách hỗ trợ miễn vé xe buýt cho người khuyết tật. Sở đã cấp 11.017 thẻ đi xe buýt cho người khuyết tật và đã cải tạo 350/497 nhà chờ xe buýt để tạo lối lên, xuống thuận lợi cho người khuyết tật đi xe lăn dễ tiếp cận.

Hiện nay, trên mỗi xe buýt đều ưu tiên 2 hàng ghế đầu cho người khuyết tật. Đồng thời, có 263/2.512 xe có trang bị thiết bị nâng, hạ hoặc sàn thấp để tạo thuận lợi cho người khuyết tật dễ sử dụng.

Theo ông Minh, Sở GTVT TP đang triển khai nhiều giải pháp như thay mới phương tiện để thu hút người dân nói chung và người khuyết tật nói riêng đi lại bằng xe buýt. TP sẽ thay mới 1.680 xe buýt mới, trong đó có 300 xe CNG (xe sử dụng khí nén thiên nhiên Compressed Natural Gas) sàn thấp, thuận lợi cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, Sở sẽ tăng cường các lớp huấn luyện nghiệp vụ cho tài xế, nhân viên để nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện hình ảnh xe buýt trong mắt người dân.

Quốc Anh