1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Người đàn bà dựng cơ đồ với ...ngàn con thỏ

Ban đầu chỉ từ nuôi vài con thỏ cho vui, nhưng đến nay gia đình bà Nguyễn Thị Phượng, xã Yên Khang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định lại có trong tay một trang trại nuôi thỏ với hàng ngàn con thỏ. Nhờ cơ nghiệp nuôi thỏ mà mỗi năm gia đình bà Phượng bỏ túi hàng trăm triệu đồng.

Bà Phượng (51 tuổi) trú tại thôn Trung Hưng, xã Yên Khang, huyện Ý Yên (Nam Định) chia sẻ, trước đây bà làm ruộng vất vả nhưng thu nhập giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn. "Khi đó thấy hàng xóm nuôi thỏ, tôi cũng mua 2 cặp thỏ giống nuôi thử, cốt cho vui thôi chứ chưa tính đến chuyện làm giàu...", bà cho biết.

Ban đầu bà Phượng cũng chỉ nghĩ là nuôi cho vui, nuôi để thi thoảng làm thịt cho con cái ăn gọi là có tỷ thịt bồi dưỡng. Mà đúng như bà nghĩ, thời gian đầu số lượng thỏ còn ít nên gia đình nuôi chủ yếu để dăm bữa nửa tháng lại làm thịt 1-2 bồi dưỡng sức khỏe.

Nhưng vẻ như bà Phượng có duyên với thỏ và chăm mát tay nên vài năm sau đó, số lượng thỏ nhiều quá, gia đình ăn không hết nên bà Phượng phải đem đi bán bớt.

Người đàn bà dựng cơ đồ với ...ngàn con thỏ - 1

Nhờ nuôi thỏ mà bà Nguyễn Thị Phượng ở thôn Trung Hưng, xã Yên Khang bỏ túi hơn 200 triệu đồng/năm.

Sau khi mang thỏ đi bán bà Phượng thu về một khoản tiền không hề nhỏ, thậm chí có năm số tiền bán thỏ tính ra còn nhiều hơn cả trồng lúa, trồng ngô quy ra tiền. Nhận thấy nghề nuôi thỏ hoàn toàn có thể làm giàu ở nông thôn được, bà Phượng quyết định đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại. Giống thỏ bà Phượng nuôi là giống thỏ New Zealand-giống thỏ năng suất, chất lượng cao.

Đầu năm 2013, gia đình bà Nguyễn Thị Phượng xây dựng thêm chuồng trại, mua sắm trang thiết bị cần thiết cho trang trại nuôi thỏ. Sẵn có kinh nghiệm nuôi thỏ và kỹ thuật nuôi thỏ tích lũy từ trước đó nên việc mở rộng quy mô chăn nuôi thỏ của gia đình bà thuận lợi. Số lượng thỏ tăng lên đến đâu thì đàn thỏ đều phát triển tốt và đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình.

“Nhưng có ai đâu ngờ, khi mình nuôi ít thì thỏ con nào con nấy đều hay ăn chóng lớn, nhưng nuôi quy mô lớn với hàng trăm, hàng ngàn con thì thỏ sinh sản không đều và hay mắc dịch bệnh. Sau một thời gian nuôi, tôi vừa rút kinh nghiệm từ thực tiễn, vừa phải học tập thêm kỹ thuật nuôi thỏ qua sách báo, truyền hình...Lúc này thì đàn thỏ mới phát triển bình thường...", bà Phượng nhớ lại.

Sau khi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nuôi thỏ, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng dịch bệnh, cho thỏ ăn đúng bữa, đủ khẩu phần, chất dinh dưỡng thì sản lượng thỏ thịt thương phẩm cũng như thỏ giống của trang trại gia đình bà Phượng phát triển tốt.

Người đàn bà dựng cơ đồ với ...ngàn con thỏ - 2

“Để tăng dinh dưỡng và đề phòng bệnh cho thỏ, cần tiêm vắc xin cho thỏ mẹ 6 tháng/lần, thỏ con từ 1,5 tháng tuổi sẽ tiêm vắc xin một lần cho tới khi xuất bán. Ngoài ra, thỉnh thoảng tôi còn pha các loại vitamin vào nước hoặc thức ăn, để thỏ ăn nhiều, nhanh lớn…”, bà Phương chia sẻ.

Sau gần 6 năm, hiện trại thỏ của gia đình bà Phượng rộng hơn 200m2, chia làm 2 khu vực, khu nuôi thỏ nái sinh sản và khu nuôi thỏ con sau khi tách mẹ. Với hơn 1.000 con thỏ các lứa tuổi, trong đó có khoảng 200 thỏ nái sinh sản, trung bình mỗi tháng gia đình bà Phượng xuất bán 6-7 tạ thỏ thịt và 5-7 lứa thỏ giống, doanh thu mỗi năm hơn vài trăm triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Phượng cho biết, nếu chăm sóc tốt, thỏ dễ nuôi và ít bị bệnh nhưng một khi đã bệnh thì chết rất nhanh. Thức ăn cho thỏ cũng rất đơn giản, có thể tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả…, ngoài các loại rau xanh, còn có tinh bột, thức ăn hỗn hợp sản xuất cho thỏ.

Thỏ con sau sinh 30 ngày sẽ được tách mẹ. Đây là thời điểm thỏ con dễ mắc bệnh đường ruột nên người chăn nuôi phải chú ý đảm bảo thức ăn thật sạch sẽ và liều lượng phải vừa đủ. Chuồng nuôi thỏ làm khá đơn giản, chỉ bằng tre hoặc lưới sắt. Trong quá trình nuôi cần chú ý quan sát quá trình sinh trưởng của thỏ để tiêm vắc-xin phòng các bệnh đường ruột, nấm, ghẻ… Ngoài ra, chuồng trại cần phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, mùa hè thoáng mát, mùa đông kín ấm.

Người đàn bà dựng cơ đồ với ...ngàn con thỏ - 3

Chuồng trại nuôi thỏ khá đơn giản, chỉ bằng tre hoặc lưới sắt nên chi phí đầu tư ban đầu của mô hình khá thấp.

Cũng theo bà Phượng, mỗi năm thỏ có thể đẻ 6 đến 7 lứa, mỗi lứa từ 6 đến 8 con. Nuôi 3 tháng thỏ trọng lượng đạt 2,5-3kg là có thể xuất bán. Thịt thỏ có giá trị dinh dưỡng cao và được đánh giá là nguồn thực phẩm sạch, lông và da thỏ để làm áo, mũ, đồ thủ công mỹ nghệ. Vì vậy nuôi thỏ có hiệu quả kinh tế cao, là mô hình có thể làm giàu ở nông thôn.

Để có đầu ra ổn định cho thỏ thịt thương phẩm, bà Phượng tìm đến các nhà hàng, khách sạn, liên hệ các đầu mối thu mua. Nhờ chăn nuôi có uy tín, chất lượng nên trang trại của gia đình bà dần được người tiêu dùng cũng như các mối hàng lựa chọn. Hiện, nhiều nhà hàng, khách sạn ở Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đang là khách hàng thường xuyên thu mua thỏ thịt của gia đình chị Phượng.

Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ thịt thỏ ngày càng rộng mở, do vậy người tham gia nuôi thỏ ngày càng nhiều. Khi bán con giống cho những người bắt đầu vào nghề, đồng thời bà Phượng cũng truyền đạt kinh nghiệm nuôi thỏ cho bà con. “Nuôi thỏ không tốn nhiều sức lao động nhưng lại cho thu nhập cao, rất phù hợp với bà con nông dân muốn có thêm thu nhập", bà Phượng nói thêm.

Mô hình nuôi thỏ của gia đình bà Phượng đang trở thành hướng đi mới để bà con trong và ngoài xã học tập và làm theo. Bà mong muốn cơ quan chính quyền các cấp có thể tạo điều kiện cho gia đình và các hộ nuôi trong vùng có thêm quỹ đất mở rộng diện tích chăn nuôi thỏ để phát triển tối đa thế mạnh loài vật nuôi này.

Theo Phạm Anh/Danviet.vn