1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ngư dân Bình Định hối hả ra khơi kiếm “lộc” biển, sau bão

Doãn Công

(Dân trí) - Ngay sau khi những cơn bão dừng hành hoành trên biển, ngư dân Bình Định lại khẩn trương chuẩn bị nhu yếu phẩm thiết yếu cho hành trình dài ngày đi kiếm “lộc” biển.

Ngư dân Bình Định hối hả ra khơi kiếm “lộc” biển, sau bão - 1
Ngư dân tỉnh Bình Định hối hả chuẩn bị nhu yếu phẩm cần thiết cho chuyến vươn khơi, sau những cơn bão liên tiếp.

Ghi nhận của PV Dân trí, ngày 20/11, tại cảng cá Quy Nhơn (TP Quy Nhơn, Bình Định), sau nhiều ngày tránh trú bão, cảng cá Quy Nhơn nhộn nhịp tàu thuyền ra vào cảng. Trong khi nhiều tàu cập cảng để bán cá, nhiều tàu khác ở bờ cũng tất bật chuẩn lương thực, thực phẩm, xăng dầu, đá cây, sẵn sàng cho chuyến vươn khơi dài ngày đánh bắt cá.

Tàu đang tiếp thực phẩm, xăng dầu chuẩn bị cho chuyến đánh bắt cá ngừ đại dương tại ngư trường Trường Sa, ngư dân Trần Ngọc Mênh (53 tuổi, ở xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) cho biết: "Hơn 1 tháng nay, tàu của tôi phải nằm bờ vì bão quá nhiều. Để chuẩn bị cho chuyến biển này, tôi phải bỏ ra tổng kinh phí 150 triệu đồng mua vật tư thiết yếu cho một chuyến vươn khơi".

Ngư dân Bình Định hối hả ra khơi kiếm “lộc” biển, sau bão - 2
Trong khi đó, nhiều tàu sau thời gian tránh bão ở lại khai thác đã cập cảng bán cá.

“Tất cả đã sẵn sàng rồi, hy vọng bão bớt để ngư dân vươn khơi vớt vát vài chuyến biển, kiếm tiền lo cái tết cho vợ con”, ông Mênh nói.

Trong khi đó, Cao Văn Hải (56 tuổi, xã Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn), thuyền viên trên tàu BĐ 97871 TS vừa từ biển Trường Sa trở về cập cảng cá Quy Nhơn, cho biết do liên tiếp gặp bão nên việc đánh bắt cũng như tiêu thụ gặp khó khăn.

Ngư dân Bình Định hối hả ra khơi kiếm “lộc” biển, sau bão - 3
Do gặp bão liên tiếp nên việc đánh bắt cũng như vào bờ bán cá của ngư dân gặp khó khăn.

“Chưa có chuyến biển nào mà chúng tôi đi dài ngày như chuyến này, trễ mất 15 ngày. Thường 1 chuyến biển đi khoản 22 ngày trở lại thì vào bờ để đảm bảo chất lượng hải sản tươi ngon. Nhưng chuyến này kéo dài hơn 1 tháng trời nên cá không đảm bảo được chất lượng, cá bị hư hỏng nhiều”, ông Hải nói.

Tàu cá BĐ 97936 TS của ông Nguyễn Văn Bé (xã Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn) cập cảng với 10 tấn cá các loại, chủ yếu là cá ngừ, ngoài ra còn có các loại cá như cá bò, cá thu... Tuy nhiên, do phải tránh bão tàu chậm nửa tháng mới vào cảng bán cá nên cá bị hư nhiều.

Ngư dân Bình Định hối hả ra khơi kiếm “lộc” biển, sau bão - 4
Chất lượng cá cũng bị ảnh hưởng do ảnh hưởng của bão, các tàu bị chậm vào bờ bán cá.

“Cá hư khiến giá cá rớt gần một nửa, chuyến biển ngày tính sơ sơ thì tôi cũng lỗ hơn 100 triệu rồi. Nhưng nghề biển thì vô chừng, có chuyến lời chuyến lỗ nên ngư dân chúng tôi phải liên tục bám biển”, ông Bé nói.

Ông Trần Văn Phúc, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, sau khi hết cấm biển thì ngư dân bắt đầu ra khơi. Thường các ngư dân đi đánh bắt từ ngày 18-20 Âm lịch, nhưng do bão, thời gian ra khơi bị ảnh hưởng nên các tàu ra khơi không nhiều.

Ngư dân Bình Định hối hả ra khơi kiếm “lộc” biển, sau bão - 5
Ngư dân đang tiếp đá cây xuống tàu để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi dài ngày đi kiếm "lộc" biển.
Ngư dân Bình Định hối hả ra khơi kiếm “lộc” biển, sau bão - 6

Tàu cá ngư dân tỉnh Bình Định xuất bến ra khơi đánh bắt thủy hải sản với hy vọng cá đầy khoang.

“Vừa rồi, một số tàu lẽ ra vào bờ để bán cá nhưng có bão nên họ phải đi trú, dẫn đến kéo dài thời thời gian khiến chất lượng cá giảm, dù bán được nhưng lợi nhuận không cao...”, ông Phúc thông tin thêm.