Bình Định: Ngư dân tính bỏ nghề vì giá tôm hùm ...rớt tận đáy
(Dân trí) - Dịch Coѵid-19 khiến giá tôm giảm giá sâu, thương lái mua theo kiểu “cân xô” khiến người nuôi tôm hùm thương phẩm ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) thua lỗ cả tỷ đồng.
Theo nhiều người nuôi tôm hùm bông thương phẩm (tôm thịt) ở xã Nhơn Hải, thời điểm này năm 2019, người nuôi tôm xã này đã xuất bán hết tôm giá đạt trên 1,6 triệu đồng/kg (tôm loại 1). Thậm chí, giá tôm có thể đạt ngưỡng từ 1,9 - 2,1 triệu đồng/kg, ngư dân thu lãi cao.
Tuy nhiên, năm nay ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, thị trường xuất khẩu bị co hẹp, có lúc đóng băng nên khó khăn trong xuất khẩu tôm hùm.
Hiện tại, thương lái mua theo kiểu “cân xô” cùng 1 mức giá 800.000 đồng/kg đối với tôm loại 1 (1 kg/con trở lên), loại 2 (từ 8 lạng đến dưới 1 kg/con) và loại 3 (từ 6 lạng đến dưới 8 lạng/con), khiến người nuôi tôm điêu đứng.
Đa số người nuôi tôm ở Nhơn Hải đều lỗ tối thiẻu từ 300 triệu đồng. Có hộ lỗ nặng đến 1,5 tỷ đồng, một số hộ không trụ nổi thì bỏ nghề.
Chia sẻ về tình cảnh này, lão ngư Phạm Thành Thệ (63 tuổi, thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải) với 15 năm kinh nghiệm nuôi tôm hùm thương phẩm, cho biết: “Vụ tôm này gia đình tôi nuôi gần 5.000 con tôm hùm thịt do giá giảm mạnh nên bị thua lỗ khoảng 1 tỷ đồng. Năm ngoái, giá tôm hùm bông bình quân bán giá từ 1,6 - 1,8 triệu đồng/kg, thậm chí có thời điểm giá bán đến 2,1 triệu đồng/kg thì nay “bán xô” đồng giá 800.000 đồng”.
Theo ông Thệ, năm nay hầu như 100% hộ nuôi tôm hùm ở xã Nhơn Hải đều thua lỗ nặng. Lý do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá tôm giảm mạnh.
Cùng đó người dân nơi đây còn bị “mất mùa” vì tôm bị bệnh sữa, long đầu khiến sản lượng giảm khoảng 40% nên các hộ nuôi tại đây lỗ nặng.
“So với năm ngoái, năm nay cứ bán 1 con tôm nặng 1kg là mất 500 nghìn đồng. Tôm hùm mà bán rẻ như “củi”, quá sức đau lòng, người dân phải bán đổ bán tháo. Còn thương lái “mua xô” loại 1,2,3 nhưng tôm loại 3 thì có mấy con…”, ông Thệ nói.
Ở nhóm thua lỗ ít nhất, 2 anh em ông Nguyễn Xuân Bá, Chi hội trưởng nuôi trồng thủy sản xã Nhơn Hải nuôi 1.200 con tôm hùm thịt cũng bị lỗ khoảng 300 triệu đồng.
Ông Bá cho biết, ban đầu do giá thấp bà con tiếc nên nuôi thêm chờ dịch kiểm soát tốt để tránh lỗ nặng. Tuy nhiên, đặc tính của tôm hùm nuôi ở vùng biển độ sâu khoảng 7-8m, nếu đã đạt trọng lượng xuất bán mà kéo dài thời gian thì con tôm “già” đi, sức đề kháng yếu rất dễ phát sinh dịch bệnh chết thì càng lỗ nặng.
Hơn nữa, khu vực này thuộc diện giải tỏa trắng để “nhường” diện tích mặt nước cho dự án khu du lịch nghỉ dưỡng. Hiện nay, doanh nghiệp thi công đang đổ đất đá, san lấp mặt bằng, khiến nước biển vùng nuôi tôm bị ảnh hưởng, tôm rất dễ bị chết ngộp thở nên người dân buộc phải bán gấp.
“Khó khăn nhất của người nuôi tôm hùm ở Nhơn Hải là không còn vùng nuôi tôm. Một số hộ không còn khả năng đã bỏ nghề, còn hộ theo nghề phải tự di dời bè tôm ra vùng khơi xa thì chi phí cao nhưng chưa biết hiệu quả ra sao. Ở Nhơn Hải, duy nhất vùng nuôi này nằm trong vùng vịnh kín gió, chịu ảnh hưởng từ bão rất ít. Nhưng nếu đưa ra nuôi ở vùng khác thì mùa mưa bão đến chưa biết thiệt hại thế nào”, ông Bá cho hay.
Nhiều gười nuôi tôm đã kiến nghị tỉnh xem xét bố trí vùng nuôi tôm khác hoặc hỗ trợ kinh phí để chuyển đổi nghề
Theo Hội Nông dân xã Nhơn Hải cho biết, vụ tôm năm nay, đa số các hộ nuôi bị lỗ từ 300 đến cả tỷ đồng. So với năm ngoái, năm nay giá tôm giảm trên 50%.
“Nghề nuôi tôm hùm thịt từng là nghề chủ lực của xã, tuy nhiên vừa rồi chủ trương của thành phố Quy Nhơn, xã đã vận động người không nuôi tôm hùm, vì phải trả lại diện tích mặt nước cho nhà đầu tư đang triển khai dự án tại khu vực này”, ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Hải cho hay.
Tại Nhơn Hải, vụ nuôi 2019-2020, xã còn khoảng trên 50 hộ thả trên 75.000 con tôm thịt. Đến nay, dù đang là thời điểm xuất bán tôm hùm, nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19, khiến giá tôm giảm tới 60%, trong khi đó thương lái thì vẫn mua cầm chừng.
Theo tìm hiểu, Nhơn Hải là địa phương duy nhất ở Bình Định có vùng biển thuận lợi để nuôi hùm thương phẩm và ươm tôm giống. Thời “hoàng kim” xã có trên 170 hộ nuôi tôm hùm (chia thành 2 tổ nuôi tôm thương phẩm và tôm hùm giống).
Tuy nhiên, từ năm 2015, tỉnh Bình Định có chủ trương thu hồi diện tích mặt nước để giao cho nhà đầu tư xây dựng dự án khu du lịch Hải Giang, số hộ nuôi tôm giảm dần. Nhiều hộ nuôi tôm bỏ nghề, có hộ tự chuyển đổi nghề, những hộ còn lại tiếp tục bám lấy nghề này.