1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Ngủ có lợi cho… thu nhập cá nhân

Ai cũng biết giấc ngủ ảnh hưởng đến tâm trạng và sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu giấc ngủ ảnh hưởng thế nào đến thu nhập hàng tháng.

Ngủ có lợi cho… thu nhập cá nhân - 1
Không chỉ giấc ngủ ảnh hưởng đến công việc mà công việc cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ. Ảnh: PEXELS

Nghiên cứu đăng trên chuyên trang “Review of Economics and Statistics” chỉ ra rằng người lao động sống ở những vùng mà người dân ngủ nhiều hơn có xu hướng kiếm được nhiều tiền hơn những nơi mà người dân ngủ ít hơn. Giả thuyết được đưa ra là người lao động được nghỉ ngơi đầy đủ sẽ làm việc năng suất hơn, dẫn đến việc nhận được thù lao hậu hĩnh hơn. 

Tuy nhiên, theo tờ New York Times, nhà kinh tế Matthew Gibson tại trường Đại học Williams (Mỹ) - tác giả của nghiên cứu trên - cho rằng không đơn giản là cứ ngủ nhiều sẽ khiến ông chủ trả thêm tiền cho người lao động.

Trên thực tế, nếu cố ngủ thêm bằng cách đến muộn giờ làm, bạn sẽ kiếm được ít tiền hơn hoặc thậm chí bị sa thải. Vậy mối quan hệ ngủ - tiền lương thực chất diễn ra thế nào?

Nghiên cứu về vấn đề này rất phức tạp bởi hệ quả: Không chỉ giấc ngủ ảnh hưởng đến công việc mà công việc cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Trên mức độ cá nhân, người làm việc nhiều và được trả thêm lương thường ngủ ít. Các nghiên cứu chỉ ra rằng người kiếm được nhiều tiền hơn ngủ ít hơn người thu nhập thấp hơn. Điều này là do người thu nhập cao hơn dành nhiều thời gian làm việc hơn nên họ có ít thời gian để ngủ. Bên cạnh đó, làm việc nhiều gây áp lực. Sự căng thẳng làm gián đoạn giấc ngủ. 

Một nghiên cứu trên Sleep Health cho thấy giấc ngủ đêm kém kéo theo nhiều căng thẳng, gây mất tập trung trong công việc. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng giấc ngủ ngắn hơn và kém hơn có thể gây nhiều mâu thuẫn và căng thẳng hơn vào ngày hôm sau.

Hay có thể nói, thói quen ngủ đủ giấc có thể giúp một người kiếm được công việc lương cao, song công việc này cũng đòi hỏi nhiều thời gian và áp lực khiến người này phải ngủ ít đi. Tuy vậy, việc được thăng chức và đạt mức lương cao hơn có thể giúp điều chỉnh để họ lại ngủ đủ giấc trở lại. 

Tổng quát hơn, nhiều nghiên cứu phát hiện tình trạng hiệu suất lao động kém hơn sau khi một người thiếu ngủ. Ví dụ, các bác sĩ mệt mỏi mắc nhiều lỗi hơn và sinh viên mệt mỏi có điểm kiểm tra thấp hơn. Đây là một lý do để các trường học mở cửa muộn hơn nhằm cho trẻ cơ hội được ngủ nhiều hơn. Việc này không chỉ nâng cao thành tích học tập mà còn cả thu nhập trong tương lai của các em. 

Một nghiên cứu cho rằng lùi giờ vào học đến 8 giờ 30 phút sáng hoặc muộn hơn có thể đóng góp 83 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ trong một thập kỷ. Những lợi ích trên có thể nằm ở tỷ lệ tai nạn xe hơi giảm, dẫn tới giảm chi phí liên quan đến tử vong và sức khỏe. Một lợi ích khác sẽ là thu nhập trọn đời của học sinh tăng lên từ việc đạt thành tích học tập tốt hơn.

Nghiên cứu trên Review of Economics and Statistics cũng so sánh thu nhập trung bình ở các vùng khác nhau bằng cách tận dụng sự khác biệt về thời gian Mặt Trời lặn trong các múi giờ.

Nhịp sinh học của con người chịu ảnh hưởng một phần bởi ánh sáng Mặt Trời. Mọi người có xu hướng đi ngủ sớm hơn khi hoàng hôn đến sớm hơn, song thời điểm Mặt Trời mọc lại ít ảnh hưởng đến thói quen ngủ.

Người lao động trong những ngành nghề tương tự thức giấc gần như cùng thời điểm bởi các công sở và trường học có xu hướng bắt đầu cùng thời điểm trong cùng múi giờ. Do vậy, người lao động ở xa hơn về phía Đông theo múi giờ, nơi Mặt Trời lặn sớm hơn, trung bình được ngủ nhiều hơn so với người lao động ở phía Tây của múi giờ.

Tất nhiên, còn nhiều yếu tố khác nữa bên cạnh giờ Mặt Trời lặn có thể ảnh hưởng đến thời lượng ngủ của cá nhân. Có những người dường như chỉ cần nghỉ ngơi giấc ngắc là sẽ lấy lại phong độ. Các nghiên cứu gần đây đã tìm ra lời giải thích về mặt di truyền cho vì sao một số người có thể làm việc hiệu quả dù không ngủ đủ 8 tiếng. 

Theo Hoàng Trang/Báo Tin tức