1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Ngoại ô Sài Gòn: Vào mùa câu ếch, bẫy chim

Khi những cánh đồng ngoại ô Sài Gòn đã qua mùa gặt cũng là lúc cánh “thợ săn” không chuyên vào mùa với nghề câu ếch, bẫy chim… kiếm thêm thu nhập.


Chiếc bẫy chim bằng lưới trên cánh đồng sau mùa gặt.

Chiếc bẫy chim bằng lưới trên cánh đồng sau mùa gặt.

“Nhấp ếch” vào mùa

Tháng 11, trời Sài Gòn giao thoa giữa mùa mưa và nắng, rất hợp cho các cần thủ đi câu ếch. Chỉ cần chạy dọc bờ kênh hay giữa các cánh đồng ở khu vực huyện Bình Chánh, TPHCM, không khó để thấy những người đàn ông với chiếc giỏ bên hông, đứng trước bụi rậm “nhấp nhấp” chiếc cần câu.

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, anh Nguyễn Văn Hùng (40 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM) ra cánh đồng lúa lượm một ít ốc bươu vàng về đập lấy thịt rồi cột chiếc giỏ vào hông, xách cần đi câu ếch. Men theo con đường mòn phía sau nhà, vòng ra con kênh nhỏ, nơi những cây cỏ mọc um tùm, anh Hùng bắt đầu công việc mưu sinh của mình.

Móc phần đầu con ốc bươu vào lưỡi câu, giương chiếc cần ra phía bãi cỏ, tay anh nhấp nhấp. “Oạp”, tiếng ếch dính cần kêu lên, đầu chiếc cần trúc dài hơn hai mét trĩu xuống. Một chú ếch đồng to hơn ba ngón tay đã mắc câu đang giãy giụa. Kéo chú ếch về sát người, anh Hùng cho biết, ếch mùa nào cũng có nhưng mùa nước lên là nhiều nhất và cũng là mùa ếch to và ngon thịt nhất bởi có nhiều thức ăn. “Mùa này ếch to và béo lắm. Nhiều hôm tôi câu được con ếch to như bàn tay, nặng gần nửa kg”, anh Hùng khoe.

Cũng móc mồi vào lưỡi câu nhưng theo anh Hùng câu ếch khác với câu cá.

“Một điểm đặc biệt của câu ếch là cần câu phải dài và cần luôn luôn đi trước người bởi bản tính của ếch rất nhát và nhạy cảm, hễ thấy động hay bóng người là nhảy xuống nước liền. Vì vậy, khi câu ếch luôn luôn phải đưa cần ra phía trước, người đứng phía sau và nhấp nhấp trên bờ chứ không bao giờ câu dưới nước”.

“Câu ếch còn gọi là “câu cạn”, chỉ nhấp trên bờ và cần sự kiên nhẫn hơn so với câu cá. Câu cá thì chỉ cần móc mồi, quăng xuống hồ rồi ngồi chơi, nhưng với câu ếch thì tay không lúc nào được nghỉ, phải nhấp liên tục để ếch thấy mồi mà đớp. Nhiều lúc nhấp hết chỗ này đến chỗ khác cả giờ đồng hồ, tay mỏi rụng rời mà không con ếch nào cắn câu”- anh Hùng trần tình chuyện nghề.

Ếch là loài sống trên cạn, ở những vùng đất ẩm ướt và sát mép nước nên trước khi mưu sinh bằng nghề này, anh Hùng đã tìm hiểu khá kỹ về “tính nết” của ếch. Chính vì hiểu kỹ bản tính của ếch, môi trường sinh sống, nơi ếch ẩn nấp nên chỉ trong hơn một giờ đồng hồ, chiếc giỏ bên hông anh Hùng đã nặng với mấy chục con ếch đồng khá to. Giơ chiếc giỏ lên, anh Hùng khoái chí: “Cũng được hơn hai ký rồi, chừng này gặp mối bán được vài trăm ngàn”.


Chú ếch ham mồi dính câu.

Chú ếch ham mồi dính câu.

Anh Hùng quê gốc Quảng Trị nhưng vào Sài Gòn làm việc hơn chục năm nay. Để mưu sinh, anh làm thêm nghề câu ếch sau những thời gian hết làm phụ hồ. “Vợ làm công nhân ở gần nhà. Hai vợ chồng làm việc cật lực nhưng cũng không dư dả bao nhiêu bởi vừa nuôi hai đứa con ăn học vừa trả tiền nhà trọ”- anh kể. Đó cũng là lý do mấy năm nay, khi rảnh là anh lại xách cần đi câu ếch để kiếm thêm.

“Ếch đồng hiện nay có giá 120 nghìn đồng/kg. Đi câu một buổi trưa nếu “trúng” thì cũng được vài ba ký, kiếm được mấy trăm nghìn đỡ đần cho sinh hoạt hàng ngày”, anh Hùng cho biết. Thấy anh Hùng có nghề lẻ, dễ kiếm thêm, nhiều người trong xóm trọ tập tèm học nghề sung vào đội quân câu ếch đông đúc.

Giăng lưới… trên trời

Giữa cánh đồng lúa vừa mới thu hoạch xong ở xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh là những căn chòi lợp lá dừa lụp xụp và những tay lưới dài hàng chục mét được giăng trên… trời. Đó là “cần câu cơm” của nhiều người lao động nghèo khi họ dùng lưới để bẫy chim.

Ngồi trong căn chòi chừng 2m2 được phủ bằng cành cây nhằm ngụy trang chim để canh lưới, anh Lê Văn Ngọc (34 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc A) cho biết mình đang sở hữu ba chiếc bẫy chim kiểu này. Theo anh Ngọc mỗi ngày anh bẫy được hơn chục con chim cu. Với giá bán hiện nay từ 100-150 nghìn đồng/cặp. Mỗi ngày bình quân anh thu nhập 500 nghìn đồng. “Nhờ bẫy chim mà tôi có tiền đóng học phí cho con, trang trải tiền phòng trọ, tiền ăn uống cho mấy tháng công việc phập phù”, anh Ngọc nói.


Bịch mồi câu đeo trên tay anh Hùng là ốc bươu.

Bịch mồi câu đeo trên tay anh Hùng là ốc bươu.

Chiếc bẫy chim của anh Ngọc và nhiều người dân ở đây khá đơn giản với tay lưới màu trắng hoặc sạm đen có chiều rộng chừng 1,5m, hai đầu cột vào hai chiếc cọc cao hơn 3m được dựng chéo trên đám ruộng lúa vừa gặt xong. Nhìn tuy đơn giản là thế nhưng anh Ngọc nói những chiếc bẫy này rất hiệu quả, chim đã sa vào thì không có đường nào thoát được.

“Lưới bẫy chim cũng giống như lưới đánh cá nhưng phải chọn loại lưới màu trắng hoặc sẫm để mắt chim không nhìn thấy. Dựng hai cây cột cao rồi kéo lưới giăng lên. Loại bẫy này không cần chim mồi, cũng không cần rải mồi nhử mà giăng lên rồi để đó. Chim từ trên trời sà xuống ruộng lúa ăn là dính. Chim dính lưới chủ yếu là cu đất và chim sẻ”, anh Ngọc cho biết.

Theo anh Ngọc, bẫy chim bằng lưới có nhiều kiểu khác nhau như giăng lưới trên cao, trải lưới dưới đất… Nhưng hầu hết người bẫy chim ở đây đều chọn cách giăng trên cao vì vừa đơn giản vừa không tốn thời gian canh và cũng không cần mồi. Giăng lưới dưới đất cũng rất hiệu quả nhưng theo anh Ngọc phải có chim mồi và tốn nhiều công như phải nhổ rạ, trải rơm ngụy trang, cột chân chim mồi vào chiếc cọc, bỏ ít mồi nhử rồi ngồi canh có bầy chim đến để giật dây. Để không mất thời gian, anh Ngọc sáng tạo ra cách giăng lưới trên trời, mà không cần ngồi canh để thời gian làm thêm nhiều việc khác.

Hai chim cu vừa sà xuống chiếc bẫy đang giăng trên cánh đồng lúa của xã Vĩnh Lộc A, anh Ngọc chạy lại và bắt bỏ vào lồng. Cứ tầm 30 phút hoặc một tiếng anh lại xách xe đạp đi từ bẫy này đến bẫy kia để thăm. Anh Ngọc cho biết, chim anh đánh được chủ yếu bán cho các quán nhậu, còn con nào đẹp thì phân loại ra rồi thuần dưỡng một thời gian để bán cho người chơi chim với giá cao.


Mỗi ngày anh Hùng đi câu có thể kiếm được vài ba ký ếch.

Mỗi ngày anh Hùng đi câu có thể kiếm được vài ba ký ếch.

Anh Ngọc khoe: “Dân nhậu khoái khẩu món chim cu bằm xúc bánh đa nên bẫy được bao nhiêu là các quán nhậu mua hết. Với giá bình quân 150 nghìn đồng một cặp, có ngày tôi kiếm được cả triệu đồng”.

Cũng như người thợ câu ếch, anh Ngọc rời quê vào Sài Gòn lập nghiệp nhiều năm nhưng vẫn ở nhà thuê, làm mướn. Nhìn cánh đồng mênh mông nhưng những chiếc bẫy chim anh đang cắm nhờ trên đất người ta chứ không phải ruộng của mình, anh Ngọc than thở: “Tiền ăn học cả năm của hai đứa con nhờ cả vào mùa bẫy chim này”. Tuy bẫy chim là nghề hái ra tiền nhưng chủ yếu chỉ diễn ra vài tháng sau mùa gặt vì thời điểm này chim cu sà xuống ăn mồi.

Mỗi ngày lượng chim trên các cánh đồng một giảm bởi những chiếc bẫy dày đặc của dân săn chim. Dù vậy, vì cơm áo, gạo tiền thúc sát sườn anh Ngọc đành đi săn chim trời. “Lượng chim trên cánh đồng lại thưa dần, không biết có phải do mình bắt quá nhiều hay không. Dẫu biết bẫy chim trời bán cho quán nhậu là không tốt nhưng mình đang lo chạy cơm ăn ngày hai bữa mà nghề này đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình nên đành tặc lưỡi, nhắm mắt bám thôi”, anh Ngọc nói.

Khi chúng tôi trao đổi với các chuyên gia về điểu học, cùng các nhà bảo tồn thiên nhiên thì nhận được chia sẻ rằng, họ lấy làm lo ngại về tình trạng tận diệt chim trời này. Làm thế nào để ngăn chặn và hạn chế? Những người được hỏi không mấy khả quan khi cho rằng các cơ quan chức năng về lâm nghiệp đang chú trọng vào rừng, vào thú. Còn các tổ chức liên quan khác thì không có chế tài, công cụ. Trong khi các quán nhậu luôn không đủ cung cho thực khách.

Theo Báo Tiền phong