Nghỉ việc, về quê vì dịch Covid-19: Học gì để dễ kiếm việc?
(Dân trí) - Người lao động bị ảnh hưởng hay mất việc bởi đại dịch Covid-19, ngoài việc được hỗ trợ tiền, Nhà nước hiện cũng có các chính sách hỗ trợ đào tạo lại nghề, giúp người lao động chuyển đổi nghề nghiệp.
Câu chuyện người lao động phải tự cơ cấu lại nghề nghiệp, khắc phục công việc sau thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch đã, đang và sẽ là chủ đề nóng, được nhiều người quan tâm. Đây là bài toán khó với việc giải quyết việc làm, đảm bảo kế sinh nhai cho người lao động, cũng là vấn đề sẽ được "mổ xẻ", giải đáp trong cuộc tọa đàm "Nguồn động viên" kịp thời giúp người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19" do báo điện tử Dân trí tổ chức.
Cuộc tọa đàm sẽ diễn ra lúc 10h ngày 15/12. Đến thời điểm này, đã có rất nhiều câu hỏi của độc giả gửi tới báo Dân trí. Các khách mời tham gia tọa đàm trực tiếp giải đáp những câu hỏi, gợi ý hướng tháo gỡ cho công việc, sinh kế với người lao động trước, trong và sau đại dịch.
Cụ thể, tham dự tọa đàm có ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, đại diện Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội; TS Phạm Xuân Khánh - Bí thư Đảng ủy, Phụ trách Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội, Luật sư Bùi Khắc Hanh - Trưởng Văn phòng Luật sư Cao Đạt - Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Theo thống kê sơ bộ của Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH, tỷ lệ lao động phi chính thức hiện nay được ghi nhận là cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, cho thấy dịch Covid-19 đã đẩy hơn 1,4 triệu người rơi vào trạng thái dễ tổn thương do không có việc làm chính thức.
Trong quý III, người lao động bị tác động nhiều nhất, với 4,7 triệu lao động bị mất việc làm, 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; trên 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng việc làm. Đặc biệt, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng rất nặng nề, trong đó 4,59% lao động vùng Đông Nam bộ có và 44,7% lao động vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng do ngừng việc, giãn việc, nghỉ việc.
Nguồn cung lao động bị suy giảm. Trong quý III/2021, lực lượng lao động có 49,1 triệu lượt người, giảm 22 triệu lượt người so với cùng kỳ năm 2020. Lao động có việc làm là 47,2 triệu người, giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Về cơ cấu việc làm và chuyển dịch bị đảo chiều. Tiền lương thu nhập giảm, đời sống công nhân lao động gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao...
Đại dịch bùng phát lần thứ 4 tại các tỉnh phía Nam, trong đó mạnh nhất là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An... đã khiến nhiều địa phương phải giãn cách xã hội dài ngày, khiến hệ lụy là doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, đóng cửa gia tăng, lao động mất việc, khó khăn, trốn chạy về quê.
Báo cáo của Cục Việc làm, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 18.464 hộ kinh doanh cá thể dừng hoạt động, gần 350.000 lao động tự do mất việc làm; Đồng Nai hơn 20 ngàn lao động tự do mất việc làm.
Trước diễn biến phức tạp, tác động đa chiều và tiêu cực của đại dịch đến doanh nghiệp, người lao động, đặc biệt là lao động phổ thông, thời vụ và lao động di cư bị mất việc, Quốc hội, Chính phủ đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp như Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP, Quyết định 28/QĐ-TTg tăng cường chi trả hỗ trợ tiền, bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo lại nghề, hỗ trợ việc làm cho người lao động bị mất việc do dịch bệnh.
Các giải pháp hỗ trợ người lao động từ các chính sách của Nhà nước như hỗ trợ bằng tiền trợ cấp thất nghiệp cho các đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng bị mất việc; chính sách chi trả tiền từ kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ Nghị quyết 116/NQ-CP hay việc hỗ trợ về kinh phí đào tạo lại nghề đã, đang được triển khai rộng khắp cả nước.