Nghỉ Tết 7 ngày, nhân sự CNTT lương “khủng”, thợ lò tuyển 1 bỏ 1...
(Dân trí) - Nhiều thông tin việc làm hấp dẫn tuần qua, như: Dự kiến lịch nghỉ Tết 7 ngày, nhân sự phần mềm thu nhập 153 triệu đồng/năm, hơn 536.800 người rời khởi khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội, báo động tình trạng thợ lò tuyển 1 bỏ 1, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT mới từ 1/10…
Đề xuất lịch nghỉ Tết Mậu Tuất kéo dài 7 ngày
Bộ LĐ-TB&XH vừa xây dựng Dự thảo xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, trước khi trình Chính phủ quyết định cuối cùng về kế hoạch lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2018 và những ngày nghỉ Lễ, Tết khác trong năm 2018.
Dự kiến số ngày nghỉ của dịp Tết là 7 ngày. Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án với số ngày nghỉ trước Tết khác nhau.
Quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH ủng hộ đề xuất lựa chọn phương án 1: Nghỉ 7 ngày liên tục từ ngày 14/02/2018 đến hết ngày 20/02/2018 Dương Lịch (tức ngày 29 tháng Chạp đến Mùng 5 tháng Giêng). Trong đó có 2 ngày trước Tết, 3 ngày sau Tết, 2 ngày nghỉ bù do ngày Mùng 2 và Mùng 3 Tết trùng với ngày nghỉ hàng tuần.
Nguyên nhân bởi việc thực hiện số ngày nghỉ có tính hài hòa, phù hợp vì số ngày nghỉ trước Tết là 2 ngày không quá ngắn, số ngày nghỉ sau Tết là 5 ngày là phù hợp. Với phương án này, ngày đi làm ngắt quãng là 2 ngày liên tục nên tác động tiêu cực của việc đi làm ngắt quãng không nhiều… (Xem chi tiết).
Hơn 536.800 người rời khởi khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội
Theo Bảo hiểm xã hội VN, ước tính trong 9 tháng của năm 2017, cả nước có 536.864 lượt người hưởng BHXH một lần. Điều này đồng nghĩa với việc có 536.864 người rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội.
Liên quan tới vấn đề này, đại diện Bộ LĐ-TB&XH đã bày tỏ sự lo ngại về tình trạng lao động nhận BHXH một lần có xu hướng gia tăng.
Bà Đào Hồng Lan - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nói: “Chúng ta đều biết, BHXH là một trong các chính sách trụ cột của hệ thống an sinh quốc gia. Nếu người lao động không lưu ý tham gia BHXH, nguy cơ sẽ gặp những khó khăn khi về già cũng như tạo thêm gánh nặng cho xã hội”.
Được biết, chế độ bảo trợ xã hội chỉ áp dụng với người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên và khoảng 300.000 đồng/người/tháng: “Do đó, nếu người lao động nhận BHXH một lần mà không tham gia BHXH sẽ ảnh hưởng tới tình trạng an sinh xã hội nói chung và cuộc sống người lao động nói riêng” - Thứ trưởng Đào Hồng Lan nói… (Cụ thể tại đây).
Báo động tình trạng thợ lò: Tuyển 1, bỏ 1
Câu chuyện thợ lò bỏ việc và cực kỳ khó khăn trong việc tuyển sinh thợ lò trong ngành than xuất hiện từ nhiều năm trước, nhưng đến nay đã rơi vào tình trạng báo động.
Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2017, tỉ lệ thợ lò bỏ việc tính trên số tuyển sinh mới tăng đột biến, với tỉ lệ xấp xỉ 100% - nghĩa là tuyển 1, bỏ 1 - khiến ngành than phải triệu tập một hội nghị khẩn cấp nhằm tìm các giải pháp thu hút và giữ chân thợ lò.
Theo Công đoàn TKV, nếu như năm 2016, số thợ lò bỏ việc là 1.121 người (chưa tính 297 thợ cơ điện hầm lò bỏ việc) thì chỉ 6 tháng đầu năm 2017 đã có 1.136 thợ lò bỏ việc, cũng chưa kể hàng trăm thợ cơ điện hầm lò xin thôi việc.
Vài năm trở lại đây, các trường nghề đào tạo thợ mỏ phải “trèo đèo lội suối” để tuyển sinh thợ lò từ vùng đồng bằng Bắc Bộ đến các vùng sâu, vùng xa, miền núi và vào tận Quảng Trị, Quảng Bình… (Mời xem chi tiết).
Nhân sự phần mềm thu nhập khoảng hơn 153,7 triệu đồng/năm
Theo Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2017 do Bộ TT&TT phát hành: Nhân sự lĩnh vực phần mềm có mức thu nhập bình quân cao nhất trong các lĩnh vực của ngành công nghiệp CNTT.
Cụ thể, thu nhập bình quân của lao động ngành phần mềm năm 2016 ước khoảng 6.849 USD/người/năm (tương ứng hơn 153,7 triệu đồng/người/năm).
Thu nhập bình quân của lao động làm trong lĩnh vực phần cứng điện tử năm 2016 ước tính đạt 3.866 USD/người/năm (tương ứng khoảng 86,8 triệu đồng/người/năm), tăng hơn 35,2% so với năm 2015.
Thu nhập bình quân của lao động làm trong lĩnh vực dịch vụ CNTT (trừ buôn bán, phân phối) ước tính là 5.609 USD/người/năm (tương ứng gần 126 triệu đồng/người/năm), tăng 4,33% so với năm 2015… (Chi tiết).
Cấp sổ BHXH, thẻ BHYT mới từ 1/10/2017
Theo Ban Sổ thẻ (Bảo hiểm xã hội VN) việc in, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT mới sẽ triển khai đồng loạt cho toàn bộ người tham gia trên các tỉnh, thành từ 1/10/2017 khi tỷ lệ người tham gia được đồng bộ quản lý theo mã số BHXH đạt từ 70% trở lên.
Đây là lộ trình phục vụ cho việc ban hành quy định cấp sổ BHXH, thẻ BHYT theo mã số BHXH. Cụ thể, mã số BHXH cấp cho người tham gia là 10 ký tự cuối của thẻ BHYT, không thay đổi trong suốt quá trình tham gia, đóng và hưởng BHXH, BHYT.
Việc cấp sổ BHXH và thẻ BHYT theo mẫu mới giúp cơ quan BHXH hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý người tham gia theo hộ gia đình và giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người tham gia khi giải quyết chế độ BHXH và khám chữa bệnh BHYT được thuận lợi.
Cơ sở khám chữa bệnh BHYT dễ dàng tra cứu thông tin về thẻ BHYT, chống các hành vi sử dụng thẻ BHYT giả mạo để lạm dụng quỹ BHYT.
Người tham gia không cần xuất trình giấy tờ hay lập lại các thủ tục như tham gia lần đầu, chỉ cần nhớ và báo lại cho cơ quan BHXH mã số BHXH khi làm thủ tục...(Cụ thể)
Từ 5/11: Áp dụng liên thông trong giáo dục nghề nghiệp
Việc liên thông áp dụng giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp theo hình thức chính quy và hình thức vừa làm vừa học, gồm: Đào tạo liên thông giữa trình độ sơ cấp với trình độ trung cấp và đào tạo liên thông giữa trình độ trung cấp với trình độ cao đẳng.
Đây là nội dung của Thông tư số 27/2017/TT-BLĐTBXH quy định đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp, do Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành.
Theo đó, người học liên thông theo hình thức đào tạo chính quy được cấp bằng tốt nghiệp ghi hình thức đào tạo là chính quy; người học liên thông theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học được cấp bằng tốt nghiệp ghi hình thức đào tạo là vừa làm vừa học.
Về đối tượng, Thông tư số 27/2017/TT-BLĐTBXH quy định tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ trung cấp: Người có chứng chỉ sơ cấp, sơ cấp nghề cùng ngành, nghề và có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên; người có bằng tốt nghiệp trung cấp, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp có nhu cầu học liên thông để có bằng tốt nghiệp trung cấp thứ hai…(Cụ thể tại đây).
Hoàng Mạnh tổng hợp