Nghề trồng táo hồng cho thu nhập cao ở Sóc Trăng

Cao Xuân Lương

(Dân trí) - Nhiều năm nay, người dân ở tỉnh Sóc Trăng rất quen thuộc với cây táo hồng của nhà nông ở xã Thuận Hòa (huyện Châu Thành). Loại cây này đã góp phần làm đổi thay cuộc sống của bà con.

Chỉ cho chúng tôi xem những gốc táo to đã qua nhiều lần cắt thân, ông Trần Hoàng Vũ (49 tuổi, ngụ ấp Sa Bâu, xã Thuận Hòa) bật mí đã gắn bó với nghề trồng táo khoảng 20 năm. Thời điểm ban đầu, ông trồng hơn 4.000 m2, đến nay thì có 15.000 m2 với khoảng 1.200 gốc táo.

Theo ông Trần Hoàng Vũ, nghề trồng táo hồng khá công phu, chăm như chăm con mọn. Để có táo chất lượng cao, người trồng táo phải áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, tỉa cành đúng cách thì mới đạt năng suất cao.

Nghề trồng táo hồng cho thu nhập cao ở Sóc Trăng - 1

Ông Trần Hoàng Vũ với vườn táo hồng đang cho trái.

Mỗi năm táo cho thu hoạch 2 lần vào tháng 6 đến tháng 8 và từ tháng 11 đến tháng 12. Mỗi công đất (1.000 m2) cho năng suất từ 2,5 tấn-3,5 tấn. Nếu bán tại vườn cho thương lái thì giá từ 15.000-25.000 đồng/kg, tùy kích cỡ trái. Sau khi trừ chi phí, mỗi công còn lời từ 30-35 triệu đồng.

Ông Trần Hoàng Vũ cho biết, sau khi thu hoạch, phải cưa cành táo đã cho trái, chừa lại khoảng 15 cm tính từ gốc để cho cành táo đó đâm chồi mới. Thường thì có rất nhiều chồi nhưng nhà vườn chỉ chừa lại từ 2-3 chồi đẹp, khỏe để vụ sau cho trái nhiều hơn.

"Tôi đang đầu tư 1.000 m2 làm nhà lưới để trồng 100 cây táo cho sản phẩm chất lượng hơn và dự kiến thời gian tới tôi sẽ chuyển sang mô hình này", ông Trần Hoàng Vũ nói.

Theo ông Trần Hoàng Vũ, táo trồng trong nhà lưới không bị sâu đục làm hư trái, chất lượng trái ngon hơn, an toàn hơn nên rất được ưa chuộng.

Để đạt năng suất và đậu trái cao phải dỡ lưới trước khi táo ra hoa để cho táo thụ phấn chéo. Sau khi táo đã đậu trái thì mới bao lưới lại nhằm tránh sâu và côn trùng khác làm ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả.

Nghề trồng táo hồng cho thu nhập cao ở Sóc Trăng - 2

Trên liếp cao ông Vũ trồng táo, kết hợp dưới mương nước nuôi cá để có thêm thu nhập.

Để đảm bảo nguồn nước tưới cho táo, ông Vũ lên liếp, chỗ nào cao trồng táo, còn mương nước vừa lấy nước tưới vừa tận dụng nuôi cá để tăng thêm thu nhập. Thức ăn của cá là rau, cỏ và những trái táo không đạt chuẩn bán ra thị trường nên chi phí nuôi cá cũng giảm nhiều, lại cho cá sạch, ngon, an toàn.

Theo ông Nguyễn Công Định, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa, địa bàn xã là vùng đất phèn trũng nhưng nhiều nhà nông đã có sự chuyển đổi mô hình sản xuất cho thu nhập cao như mô hình trồng táo hồng của ông Trần Hoàng Vũ.

Để sản phẩm có đầu ra ổn định, UBND xã Thuận Hòa đã thành lập Hợp tác xã táo hồng với 16 thành viên, diện tích trồng táo khoảng 9,8 ha. Trồng táo cho thu nhập khá cao và ổn định.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất các biện pháp hỗ trợ bà con trồng táo xây dựng thương hiệu táo hồng Thuận Hòa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến táo ra nhiều sản phẩm để đưa đến với người tiêu dùng", ông Nguyễn Công Định chia sẻ.