1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thừa Thiên Huế:

Nghề tay trái giúp nông dân thu về thêm gần 50 triệu đồng/năm

Đại Dương Quang Vy

(Dân trí) - Nghề tưởng chừng đơn giản nhưng mang lại một phần thu nhập thêm đáng kể cho người nông dân ở Thừa Thiên Huế.

Tại các thôn Hương Cần, Liễu Cốc Hạ, Cổ Lão, Dương Sơn (thuộc xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) có nhiều hộ gia đình nuôi cá trắm cỏ theo mô hình nuôi lồng bè dọc sông Bồ.

Ông Trần Đăng Huệ (64 tuổi, sống tại làng Liễu Cốc Hạ) đã có gần 20 năm kinh nghiệm nuôi cá trắm cỏ trong lồng bè. Không chỉ riêng ông, hầu như người dân nơi đây ngoài làm ruộng vẫn tranh thủ làm thêm, nuôi cá trắm cỏ.

Nghề tay trái giúp nông dân thu về thêm gần 50 triệu đồng/năm - 1
Cá trắm cỏ khi trưởng thành thu hoạch.

Theo kinh nghiệm của ông Trần Đăng Huệ, cá trắm cỏ ưa nước sạch, thích sống ở tầng nước giữa và thấp của vùng nước ngọt, nơi gần bờ có nhiều cỏ. Cá sống được trong môi trường nước tĩnh, nước chảy nhẹ. Có thể nuôi loại cá này tại sông, ao hồ, trong lồng bè hay các ao nuôi nhân tạo.

Thức ăn của cá trắm cỏ chủ yếu là các loại cỏ, khoai, sắn, chuối, rong và động vật phù du như tôm tép. Trong điều kiện chăn nuôi nhân tạo, cá trắm cỏ có thể ăn các loại thức ăn nhân tạo như cám hay thức ăn viên. Thông thường cho cá ăn 2 lần/ngày (sáng, chiều).

Nên cho cá ăn vào lúc trời mát, hàm lượng oxy hòa tan cao. Tần suất cho ăn có thể tăng giảm tùy theo sức ăn của cá. Tuy nhiên, khi cho cá ăn cần vớt những xác cỏ khô.

Nghề tay trái giúp nông dân thu về thêm gần 50 triệu đồng/năm - 2
Lồng bè nuôi cá trắm cỏ bên bờ sông Bồ ở xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

"Xác cỏ chìm xuống đáy lồng, phân cá thải ra không thoát ra ngoài được thì môi trường nước khu vực lồng bị ô nhiễm. Cá này rất kén nước, nên thả lồng ra càng xa càng thoáng, lồng gần và bờ nước cạn thì cá sẽ thiếu oxy" - ông Trần Đăng Huệ chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá.

Giống cá trắm được nông dân ở xã Hương Toàn chọn mua ở các trại giống uy tín, sau đó thả cá giống vào lồng bè. Tiêu chí khi chọn giống chính là cá bơi nhanh nhẹn, không dị tật, dị hình. Tuy nhiên, tỉ lệ sống của cá giống sau khi bà con thả vào lồng bè thấp. Có những lúc người dân mua 30kg cá khoảng 900 con giống, nhưng sau khi nuôi trưởng thành chỉ còn 200 con.

Những rủi ro khi nuôi là lồng cá đặt sát nhau quá sẽ làm cho cá thiếu oxy; nhiều trường hợp vì "tham" nuôi nhiều quá, nên có những năm cá chết nhiều do quá nhiều lồng đặt trong một khoảng không gian hẹp.

Nghề tay trái giúp nông dân thu về thêm gần 50 triệu đồng/năm - 3
Ông Chánh Dương, nông dân thôn Liễu Cốc Hạ đang cho cá ăn.

Bên cạnh đó, mùa mưa lũ cần có trụ bê tông, dây cáp hoặc dây thừng chắc chắn để neo buộc lồng để không bị nước lũ cuốn luôn cả lồng cá đi. Được biết, cá trắm cỏ đạt khoảng 3kg trở lên là có thể thu hoạch được. Người lái buôn sẽ đến mua cá từ những người dân chăn nuôi.

Thông thường cá sẽ được kéo lồng vào buổi tối. Một ngày trước khi thu hoạch, sẽ nghỉ cho cá ăn để đảm bảo cá khỏe. Giá thành trung bình của cá trắm cỏ dao động 55 - 60.000đ/kg. Sau mỗi vụ thu hoạch, người dân thu về được trên dưới 40 triệu đồng/năm, nếu nuôi được thành công có thể lãi trên dưới 50 triệu đồng/năm.

Nghề tay trái giúp nông dân thu về thêm gần 50 triệu đồng/năm - 4
Các lồng nuôi cá được xếp theo kiểu xen kẽ giúp nước trong lồng lưu thông và có khí oxy. Nông dân ở xã Hương Toàn chủ yếu dùng lồng bằng tre.
Nghề tay trái giúp nông dân thu về thêm gần 50 triệu đồng/năm - 5
Một số ít nông dân nuôi cá bằng lồng sắt thép.
Nghề tay trái giúp nông dân thu về thêm gần 50 triệu đồng/năm - 6
Ông Cao Văn Viết (63 tuổi, thôn Liễu Cốc Hạ) đang chuẩn bị cỏ cho cá ăn.