Thanh Hóa:
"Ngã rẽ" nghề nghiệp thú vị sau chuyến thăm quê của chàng kỹ sư cơ khí
(Dân trí) - Từng là một kỹ sư cơ khí với mức thu nhập ổn định, nhưng anh Phạm Đông Quê (xã Nga Phượng, Nga Sơn, Thanh Hóa) đã bỏ nghề để về quê chăn lợn, trồng dưa. Mỗi năm, anh thu về gần 1 tỷ đồng.
Kỹ sư cơ khí về quê nuôi lợn
Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Khoa cơ khí, Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên, chàng kỹ sư Phạm Đông Quê (SN 1979) khăn gói vào Sài Gòn và làm việc cho một công ty chuyên gia công, lắp đặt cơ khí.
Sau nhiều năm làm công việc cơ khí, năm 2011, trong chuyến về quê thăm gia đình, anh đến nhà một người quen rồi tham quan mô hình gia đình kết hợp với doanh nghiệp nuôi lợn cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Nhớ lại ngày đầu, anh chia sẻ: "Dẫu biết cơ khí là đam mê, nhưng gia đình vốn nghèo từ xưa nên tôi muốn phải có một sự đột phá hơn nữa để thoát nghèo. Khi thấy mô hình nuôi lợn này, tôi rất có hứng thú. Vì mình chỉ việc nuôi lấy công còn mọi thứ đã có doanh nghiệp lo rồi. Vậy, tại sao lại không thử sức?".
Sau lần đó, anh Phạm Đông Quê đi đến quyết định từ bỏ công việc cơ khí đã gắn bó gần 10 năm để về quê khởi nghiệp làm trang trại chăn nuôi.
Nghĩ là làm, tận dụng hơn 2.000 m2 đất nông nghiệp của gia đình, anh mạnh dạn dốc toàn bộ vốn liếng tích lũy bấy lâu, rồi vay mượn thêm ngân hàng và bạn bè cùng với cơ chế dồn điền, đổi thửa để mở trang trại quy mô gần 2 ha.
Có vốn và mặt bằng, anh tìm hiểu thông tin rồi ký kết với doanh nghiệp để phối hợp sản xuất. Anh dành hơn 1 ha để xây dựng chuồng trại rồi tập trung nuôi lợn theo mô hình hơp tác.
"Vì là nuôi theo quy mô lớn nên vốn đầu tư bước đầu khá cao. Mặc dù đã có đất nhưng lần đầu tiên đầu tư tôi đã phải bỏ ra gần 1 tỷ đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại. Nói thật, ngày đầu tư tôi cũng lo lắm. Mình làm cơ khí nay sang làm nông nghiệp nên chưa có kinh nghiệm, nhỡ không thành công thì sẽ ôm một đống nợ ấy chứ", anh chia sẻ.
Tạo việc làm cho nhiều lao động
Theo anh Phạm Đông Quê, quá trình hợp tác nuôi lợn rất đơn giản: "Mình chỉ cần đảm bảo diện tích mặt bằng, cơ sở hạ tầng. còn lại các khâu từ giống, thức ăn, thuốc thú y cho đến khâu tiêu thụ đều do doanh nghiệp đảm nhận".
Chính vì vậy, ngay từ lứa đầu tiên anh đã nhận nuôi 1.200 con lợn. Với bản tính siêng năng cần cù, chịu khó học hỏi, anh đã đi đến nhiều trang trại trên địa bàn huyện Nga Sơn để học tập kinh nghiệm.
Nhờ đó, trong lứa đầu tiên, anh đã thành công ngoài mong đợi, sau một năm anh đã kiếm về thu nhập gần 400 triệu đồng. Cứ như thế, hết năm này qua năm khác anh Phạm Đông Quê liên tục gặt hái được những thành công như mong đợi.
Theo anh, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường hay nguy cơ dịch bệnh, lợn được nuôi theo mô hình hợp tác phải đảm bảo điều kiện chuồng kín, chủ động kiểm soát nhiệt độ bằng hệ thống làm mát, chất thải được xử lý triệt để. Tất cả những kỹ thuật này sẽ được công ty chỉ dẫn tận tình, vì vậy người nuôi có rất nhiều lợi thế để thành công.
Mặt khác, người nuôi sẽ được bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra mà không lo về giá cả. "Có thời điểm giá lợn ngoài thị trường giảm giá, nhưng đối với những người nuôi theo mô hình này vẫn ổn định như bình thường. Nuôi theo kiểu này giống hệt như đi nuôi lợn lấy công, năng suất tốt thì mình có công cao", anh Phạm Đông Quê nói.
Đến năm 2018, nhờ thành công trong những năm nuôi lợn, anh có giành ra được ít vốn. Để đa dạng mô hình cho trang trại, anh đào thêm ao để nuôi cá và tôm. Phần diện tích còn lại anh trồng thêm các giống cây hoa màu như mướp đắng, cây ăn quả.
Không chỉ thế, tận dụng cơ chế dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất hoang hóa ở địa phương, anh mạnh dạn đấu thầu thêm 5.000m2, rồi đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà màng trồng dưa kim hoàng hậu.
Đến nay, ngoài thu nhập 400 triệu đồng mỗi năm từ nuôi lợn, anh còn xuất bán mỗi vụ 30 tấn dưa, trừ chi phí anh lãi hàng trăm triệu đồng từ dưa kim hoàng hậu. Ngoài ra, với diện tích ao nuôi cá, tôm kết hợp và cây ăn quả, mướp đắng anh thu về gần 100 triệu đồng.
Mỗi năm nhờ mô hình chăn nuôi kết hợp, sau khi trừ các chi phí, anh thu lãi từ 800 triệu đến gần 1 tỷ đồng.
Theo ông Ngô Đăng Khoa - Chủ tịch UBND xã Nga Phượng, mô hình trang trại kết hợp của gia đình anh Phạm Đông Quê là một trong những mô hình kinh tế giỏi ở địa phương.
"Không chỉ là gương kinh tế điển hình với mức thu nhập cao ở địa phương, mỗi năm tại trang trại của gia đình anh Phạm Đông Quê còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 8-10 lao động với mức lương từ 5,5-6 triệu đồng/tháng. Anh cũng là người đưa mô hình dưa kim hoàng hậu về địa phương. Nhờ học theo mô hình này, nhiều hộ dân ở địa phương đã vươn lên thoát nghèo hiệu quả".
Bật mí về dự định tương lai, anh cho biết: "Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thành công như ngày hôm nay. Đó là kết quả của sự táo bạo và may mắn. Sắp tới tôi sẽ mở rộng thêm mô hình trồng dưa kim hoàng hậu, vì đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế rất cao".