1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nghệ sĩ xiếc kiêm thêm bán hàng online giữa tâm bão Covid-19

(Dân trí) - Covid-19 khiến người nghệ sĩ xiếc bươn chải đủ nghề để tồn tại: Bán hàng online, chạy xe ôm công nghệ, bán hoa quả. Không ít nghệ sĩ xiếc đã phải tính đến chuyện dứt áo ra đi.

Bám trụ vì đam mê

Hơn chục năm gắn bó với nghề, chị Lô Thị Ngọc Thúy, nghệ sĩ xiếc nhào lộn, (27 tuổi quê ở Hoà Bình) được nhận vào biên chế Liên đoàn Xiếc Việt Nam với mức lương tháng hơn 4 triệu đồng. Cuộc sống của chị Thúy chủ yếu dựa vào tiền bồi dưỡng của Liên đoàn sau mỗi buổi diễn.

Nghệ sĩ xiếc chia sẻ những khó khăn do dịch Covid-19 gây nên

Chị Thúy chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi cùng làm ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam nhiều năm nay. Từ khi có dịch không đi diễn được, tổng thu nhập hai vợ chồng chỉ còn chưa đến 10 triệu đồng/tháng. Chắt bóp, co kéo đắp đổi qua ngày chỉ mong dịch nhanh chóng qua đi”.

Dịch Covid-19 tái bùng phát, cuộc sống càng thêm khó khăn, chị Thúy phải gửi đứa con chưa đầy 5 tuổi về quê nhờ ông bà phụ giúp chăm nom.

Nghệ sĩ xiếc kiêm thêm bán hàng online giữa tâm bão Covid-19 - 1

Những nghệ sĩ xiếc vẫn hăng say luyện tập cho dù không có buổi diễn

Hai vợ chồng chị chuyển đến một căn nhà thuê nhỏ hơn để tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Để có thêm thu nhập, chị Thúy nghĩ cách nhờ gia đình lựa chọn các mặt hàng nông sản ở quê gửi xuống Hà Nội để bán online.

“Việc bán hàng online cũng chỉ là giải pháp tạm thời để có thêm thu nhập, chứ nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, chúng tôi cũng chưa biết phải xoay xở thế nào”- chị Thúy tâm sự. 

Cũng cảnh khó khăn, Nguyễn Thanh Tùng, nghệ sĩ xiếc thăng bằng (18 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội), đã có thâm niên 5 năm theo nghề. Trước đây mỗi tháng Tùng đi diễn từ 20 - 25 buổi, cả lương và bồi dưỡng Tùng thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng.

“Ảnh hưởng của dịch, buổi diễn ít đi, mỗi tháng em chỉ nhận được 2,4 triệu đồng tiền lương. Số tiền ít ỏi buộc em cũng phải cắt giảm chế độ ăn uống nên ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tập luyện. Em cũng phải chuyển vào ở trong nhà kho bỏ trống của liên đoàn để cắt giảm khoản chi phí tiền nhà”- Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.

Thấy con vất vả, không ít lần bố Tùng yêu cầu cậu trở về quê đổi nghề khác.

Nghệ sĩ xiếc kiêm thêm bán hàng online giữa tâm bão Covid-19 - 2

Nguyễn Thanh Tùng (bên trái) cùng bạn diễn ngồi nghỉ sau buổi luyện tập

“Nhà mở quán ăn, nhiều lần bố gọi em về phụ giúp gia đình. Có lần ông xuống tận nơi bảo đón em về. Đam mê với xiếc từ nhỏ nên em cứ nài nỉ xin bố mẹ cho ở lại tiếp tục theo nghề, chờ ngày hết dịch Covid-19” - Nguyễn Thanh Tùng nói.

Lựa chọn giữa đam mê và thực tế

Chứng kiến cảnh nhân viên, đồng nghiệp xoay xở làm thêm đủ thứ nghề từ bán hoa quả, thịt gà vịt thuê, chạy xe ôm công nghệ…NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam không khỏi cảm thấy xót xa, cay đắng trong lòng.

NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ

Gần cả đời người cống hiến cho nền nghệ thuật xiếc nước nhà, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ, nghề xiếc càng ngày càng khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại.

Nghệ sĩ xiếc kiêm thêm bán hàng online giữa tâm bão Covid-19 - 3

Luôn có đông nghệ sĩ tập luyện mỗi ngày tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam

“Trước đây, có lúc chúng tôi phải tổ chức đến 5 buổi diễn/ngày. Anh chị em nghệ sĩ tuy mệt nhưng rất vui vì được khán giả chào đón, hơn nữa là có thu nhập ổn định cuộc sống. Từ Tết đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 số buổi diễn chỉ đếm trên đầu ngón tay”, NSND Toàn Thắng chia sẻ.

Theo ông Thắng, từ khi dịch bệnh Covi-19 hoành hành, không ít nghệ sĩ dứt áo ra đi tìm nghề khác.

“Ai đến với nghề này cũng có tình yêu với nó, thế nhưng yêu nghề mà sống được với nghề lại là chuyện khác. Tôi rất buồn và tiếc nuối khi chứng kiến cảnh đồng nghiệp của mình phải bỏ nghề vì thù lao không đủ trang trải cho cuộc sống” - NSND Tống Hoàng Thắng chùng giọng nói.

Nghệ sĩ xiếc kiêm thêm bán hàng online giữa tâm bão Covid-19 - 4

Sau buổi tập những nghệ sĩ xiếc lại cùng nhau trò chuyện bên nhà kho cũ, nơi họ đang sinh sống

Ông Thắng cho biết thêm: “Để cứu vãn tình hình, giải pháp trước mắt của chúng tôi là sửa sang lại các phòng trống trong khuôn viên Liên đoàn Xiếc Việt Nam để anh chị em ở xa vào ở, đỡ đần chi phí tiền nhà. Trong tuần này, chúng tôi cho triển khai bếp ăn tập thể vào buổi trưa, nhằm cung cấp đủ dinh dưỡng phục vụ tập luyện cho nghệ sĩ”.

Cũng theo ông Thắng, về lâu dài cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn để giữ chân những nghệ sĩ xiếc khỏi vòng xoáy cơm áo gạo tiền. Việc này càng khó khăn, khi mà dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến ngày một phức tạp hơn.