Thanh Hóa:

Nghề làm bật cả máu tay cũng chỉ kiếm hơn 100 ngàn đồng/ngày

Bình Minh

(Dân trí) - Dù phồng tay, tróc da và chảy máu nhưng nghề lột vỏ tôm ở Hậu Lộc (Thanh Hóa) cũng chỉ mang lại cho người lao động 50.000-100.000 đồng/người/ngày.

Những ngày đầu năm 2022, tại vùng biển Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa), người dân nơi đây không khó để gặp từng tốp lao động nữ với gương mặt đen xạm vì gió biển đang cần mẫn, miệt mài lột vỏ tôm với những bàn tay thô ráp, chai sần.

Nghề làm bật cả máu tay cũng chỉ kiếm hơn 100 ngàn đồng/ngày - 1

Về biển ngư lộc không khó để bắt gặp hình ảnh từng nhóm lao động miệt mài làm nghề lột bỏ tôm.

Nghề lột vỏ tôm được rất nhiều lao động ở đây chọn làm. Đây là nghề không đòi hỏi sức khỏe nhưng thường khiến đôi bàn tay người lao động tróc da, chảy máu và cho thu nhập không cao. Tôm sau khi lột sạch vỏ sẽ được mang đi cân và trả tiền theo sản phẩm với giá 5.000 đồng/kg.  

Nếu hàng về đều, mỗi người có thể lột được khoảng 20-25kg/ngày, thu nhập khoảng 100.000-120.000 đồng. Tuy nhiên, không phải lúc nào người lao động cũng có hàng để làm vì phụ thuộc vào những con tàu từ ngoài khơi về.

Nghề làm bật cả máu tay cũng chỉ kiếm hơn 100 ngàn đồng/ngày - 2

Lột vỏ tôm tít khiến đôi tay người lao động trầy da, chảy máu.

Thường vào dịp giáp Tết, hàng nhiều, công việc sẽ thường xuyên hơn. Còn ngày thường thì nguồn việc không ổn định. Thậm chí có ngày, người lao động chỉ kiếm được 35.000-40.000 đồng.

Dù mới 15 tuổi nhưng Hoàng Thúy Hạnh (thôn Thắng Lộc) đã có kinh nghiệm nhiều năm với nghề lột vỏ tôm. Em Hạnh cho biết, từ lúc nhỏ, những ngày được nghỉ học, em theo bố mẹ ra cửa biển để tìm việc. Bố thì theo tàu đánh cá ra khơi, mẹ Hạnh thì chọn công việc bốc vác còn em lột vỏ tôm.

Nghề làm bật cả máu tay cũng chỉ kiếm hơn 100 ngàn đồng/ngày - 3

Miệt mài với nghề này nhưng mỗi ngày Hạnh cũng chỉ kiếm được 50.000-60.000 đồng.

Năm nay, Hạnh không đậu vào cấp 3 nên ở nhà làm nghề này. Mỗi ngày, em kiếm được khoảng 50.000-60.000 đồng từ việc lột vỏ tôm. Trước Tết một tháng, Hạnh và những người lao động ở đây có nhiều việc nên thu nhập tăng lên khoảng 100.000-120.000 đồng.

"Để có được hơn 100.000 đồng/ngày, chúng cháu phải ngồi từ sáng tới 19h và phải làm liên tục. Nghề này tuy không cực nhọc, lứa tuổi nào cũng có thể làm được nhưng mất nhiều thời gian. Gần đến Tết, nhu cầu lột vỏ tôm nhiều nên đa số lao động là học sinh cũng tranh thủ ngoài giờ học làm thêm", Hạnh chia sẻ.

Theo bà Bùi Thị Thúy (xã Ngư Lộc), cả xã có hàng trăm lao động nữ làm nghề này. Đa số là những người già hoặc lứa tuổi học sinh. Bà Thúy lột được khoảng 15kg tôm/ngày.

Nghề làm bật cả máu tay cũng chỉ kiếm hơn 100 ngàn đồng/ngày - 4

Đa số lao động chọn nghề này là người già, học sinh.

"Lao động trẻ thì lột được 20-25kg còn như tôi già rồi làm chậm lắm, cũng chỉ được khoảng 15kg. Đó là vào dịp Tết, hàng có đều, còn bình thường hàng bập bõm thì cũng chỉ lột được 7-10kg. Bình quân mỗi ngày kiếm được 50.000 đồng, thậm chí thấp hơn", bà Thúy nói.

Cũng theo bà Thúy, người mới vào nghề dễ bị trầy da, chảy máu, quen rồi thì vẫn bị nhưng đỡ hơn. Không chỉ vậy, công việc này còn khiến người làm đau lưng vì cứ phải ngồi một tư thế.

"Vỏ tôm, đặc biệt là tôm tít rất sắc, dù cẩn thận tới đâu cũng không tránh khỏi bị chọc vào chảy máu. Bởi thế, các đầu ngón tay của người làm nghề thường sần sùi. Khổ nhất là vào mùa đông, bị cứa vào tay đau đến cắt da, cắt thịt nhưng bị mãi thành quen.

Nghề làm bật cả máu tay cũng chỉ kiếm hơn 100 ngàn đồng/ngày - 5

Những đôi tay chai sần vì lột vỏ tôm.

Nhưng nếu không có sức khỏe để khuân vác hay làm công việc nặng khác thì lựa chọn nghề này là phù hợp. Người vùng biển không bám biển để mưu sinh thì cũng không biết làm nghề nào khác, ruộng nương thì không có", bà Nguyễn Thị Hợp, một lao động chia sẻ.

Đa phần những lao động bám biển để mưu sinh với đủ các nghề như bốc vác, phân loại hải sản hay lột vỏ tôm đều có cuộc sống khó khăn. Dù thù lao cho những nghề này không đáng là bao nhưng với nhiều gia đình thì đây là nguồn thu nhập chính giúp trang trải chi tiêu cuộc sống hằng ngày và nuôi con cái ăn học. 

"Thôi thì được đồng nào đỡ đồng đó, đời mình cơ cực rồi, chỉ mong sao con cái học hành tử tế để nó không khổ như bố mẹ", chị Hợp tâm sự.